Khi trở lại nắm quyền điều hành Apple vào năm 1997, Steve Jobs đã thẳng tay loại bỏ tất cả những đội ngũ nhân sự thiếu sức sống lúc bấy giờ của công ty này. Ông còn định mời nhà thiết kế ô tô lừng danh của Ý - Giogretto Giugiaro - về để thổi một luồng sinh khí mới vào các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, Steve Jobs lại dừng lại trước nơi làm việc của Jonathan Ive.
Jony Ive - khi đó vẫn đang còn là một nhân viên thiết kế của Apple và phong cách tối giản, thiết thực và độc đáo của con người này vẫn giống như một viên ngọc chưa có cơ hội tỏa sáng. Lần chạm mặt này với CEO Steve Jobs đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Ive. Chính xác thì nó đã hoàn toàn thay đổi khi Steve Jobs nhìn vào những mô hình sản phẩm của Ive và phải thốt lên rằng: “Trời ơi, cái gì thế này!?”
...
Jonathan Ive được sinh ra tại Chingford, Essex. Ông là con trai của một người thợ bạc. Niềm đam mê với máy móc và cơ khí của cậu bé này bắt đầu từ khi cậu bé này luôn giấu nhà việc tháo tung các thiết bị như đài phát thanh hay máy ghi băng cassette rồi... lắp lại từ đầu.
Khi đó, cha ông vẫn chưa thể ngờ rằng cậu con trai hiếu kỳ của mình lại một ngày có thể nhận được giải thưởng RSA - giải thưởng danh giá nhất dành cho những thành tựu về thiết kế của Anh Quốc. Trên thế giới chỉ có khoảng 20 người may mắn được nhận giải thưởng này, trong đó bao gồm những nhân vật như nhà thiết kế thời trang John Galliano hay kiến trúc sư Lord Norman Foster.
Lớn lên, Ive mong muốn trở thành một nhà thiết kế ôtô. Chàng trai trẻ này quyết định theo học một khóa tại trường nghệ thuật Central St Martins tại London. Tuy nhiên, quãng thời gian này lại trôi qua khá nhanh bởi Ive cho rằng những sinh viên tại đây... có vẻ quái dị. “Họ giả giọng mình thành tiếng động cơ ôtô trong lúc vẽ” - Jony Ive trả lời trong một bài phỏng vấn.
Chính vì thế mà chàng trai trẻ này đã chuyển sang theo học thiết kế sản phẩm tại Newcastle. Từ đây, tài năng của Ive bắt đầu khiến mọi người phải chú ý tới. Ông Clive Grinyer, thầy dạy lúc bấy giờ của Ive, giờ là người điều hành của Design Council tại Anh đã nói rằng Ive là một thiên tài mà nếu may mắn thì bạn chỉ có thể gặp duy nhất một lần trong đời.
Jonathan Ive sở hữu một khả năng tập trung đáng kinh ngạc. Trong bài thi cuối kì, các sinh viên chỉ nộp khoảng 3 sản phẩm trong khi Ive nộp tận... 100 sản phẩm. Sau khi tốt nghiệp, cơ hội lớn đầu tiên đến với Jonathan Ive chính là khi anh vào làm trong một công ty tư vấn của Grinyer. Năm 1992, công ty này được Apple thuê để đóng góp ý tưởng mới cho việc thay đổi thế hệ máy tính tiếp theo.
Lúc đó, Ive đang nhận nhiệm vụ thiết kế một số vật dụng trong phòng tắm cho một công ty mang tên Ideal Standard. Vào một ngày... xấu trời, mẫu thiết kế của Ive đã bị từ chối thẳng thừng. Phong cách tối giản mà Ive học tập từ nhà thiết kế Dieter Rams của thập kỷ 60 của Ive không lấy được cảm tình từ phía đối tác. Thế nhưng, khi anh trình bày một mẫu thiết kế laptop của mình thì lại được công ty này ghi nhận và từ đó, Ive bắt đầu sự nghiệp 20 năm của mình tại Quả Táo.
Đáng buồn là công việc của Ive tại Apple khi đó nhàm chán tới mức anh ta suýt bỏ việc. May mắn rằng vào một ngày định mệnh năm 1997, Steve Jobs đã gặp Jonathan Ive. Tuy nhiên, có một lý do khiến con người này tiếp tục bám trụ với công việc thiết kế máy tính cho dù anh ta đã từng mơ ước trở thành một nhà thiết kế xe ôtô.
“Không có một thiết bị nào có thể thay đổi chức năng liên tục như một chiếc máy vi tính. iMac có thể được sử dụng để nghe nhạc, edit video, sắp xếp các bức ảnh... Chính xác thì bạn có thể làm được rất nhiều thứ với nó. Sự linh hoạt về chức năng của máy vi tính khiến người thiết kế có thể thử nghiệm rất nhiều kiểu vật liệu, kiểu dáng khác nhau cho cho ra đời một sản phẩm. Tôi thích điều đó” - Jony Ive cho biết.
Jonathan Ive vẫn thường nói rằng thiết kế không phải bí quyết thành công của một sản phẩm. Một thiết kế “hay” mới thực sự là thứ có giá trị. Theo mười nguyên tắc thiết kế của Dieter Rams, một thiết hay phải có đầy đủ những yếu tố: đột phá, hữu dụng, có tính thẩm mỹ, trực quan, không khiến người dùng khó chịu, trung thực, bền vững, logic, thân thiện với môi trường và cuối cùng là càng ít màu mè diêm dúa càng tốt.
Một người bạn thân của Jonathan Ive là DJ John Digweed đã có cơ hội nói chuyện với con người hướng nội này tại San Francisco vào nhiều tháng trước khi Apple tung ra một sản phẩm mới của Ive. Khi đó, Digweed vẫn chưa nhận ra rằng những sáng tác của Ive đã thay đổi thế giới đến thế nào bởi cách diễn tả của Ive không có vẻ gì là khoa trương.
Thế nhưng, sau đó ông ta lại phải tự hỏi bản thân rằng tại sao những sản phẩm của Ive được sử dụng bởi gần như tất cả những nghệ sĩ và những nhà thiết kế trên thế giới mà chính cha đẻ của chúng lại không có một cái tôi thích áp đặt quan điểm lên người khác. “Anh ta đã chạm được vào tâm hồn của hàng triệu người!” - nhà thiết kế thời trang Paul Smith cho biết.
Cựu thiết kế trưởng của Apple - ông Robert Brunner nói rằng: “Tôi vẫn hay đùa mọi người rằng khi chết, bia mộ của tôi sẽ ghi dòng chữ - Người từng thuê Jonathan Ive”. Ông Brunner cho biết Ive là một nhà thiết kế biết quan tâm tới từng phần của một sản phẩm, từ chi tiết cho đến vật liệu, các công đoạn chế tạo và thậm chí là cả công đoạn sản xuất.
Giảng viên trong trường đại học của Ive - ông Neil Smith - cho biết: “Cậu ta chưa từng biết hài lòng về những gì mình làm được. Jony Ive luôn trăn trở để khiến sản phẩm của mình ngày một tốt hơn”. “Ive hiểu rằng chính sự hữu dụng của một sản phẩm mới là điều đáng nói chứ không phải những chỉ số khô khan như tốc độ của bộ vi xử lý” - Mike Martucci - cựu giám đốc marketing của Apple chia sẻ.
Rõ ràng, để đi cùng được với những ý tưởng điên rồ của Steve Jobs, Ive phải sở hữu một bộ óc siêu phàm. iPod là một thiết bị khẳng định rằng mọi người vẫn có thể nghe nhạc trong lúc di chuyển mà chẳng cần đến băng cassette, đĩa CD hay máy vi tính. iMac thì lại khiến mọi người không còn nghĩ đến chữ “điện toán” khi nhìn vào máy vi tính.
Mặc dù vậy, Jonathan Ive là một thiên tài thiết kế chứ không phải một nhà doanh nhân như Steve Jobs. Ive có thể sẽ là biểu tượng tiếp theo của Apple khi ngài Jobs từ bỏ vị trí của mình. Tuy nhiên, liệu Ive có đồng ý đứng dưới ánh đèn của danh vọng và sự nổi tiếng hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn.