Câu chuyện tầm quan trọng cấu hình laptop, Phần 2: Quy luật lợi ích cận biên giảm dần

PV  | 09/08/2012 0:00 AM

Ở kỳ trước, chúng ta đã bàn một chút về câu chuyện tầm quan trọng của cấu hình laptop. Tất nhiên, một sự thật là không điều gì hay không lý lẽ nào đúng với tất cả mọi người. Bài viết, tôi đề cập đến những nhu cầu của đa phần mọi người, một số đối tượng đặc biệt như: đồ họa chẳng hạn, tầm quan trọng của cấu hình vẫn còn lớn (có lẽ khoảng 30%).
 
Tuy nhiên, câu chuyện này tôi sẽ để cho bài viết sau. Bài viết hôm nay, chúng ta sẽ bàn về vấn đề tôi đã hứa: câu chuyện vì sao chúng ta sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn cho một phần lợi ích rất nhỏ và liệu những người bỏ cả đống tiền ra chỉ để có được những phần lợi ích này có phải ngốc nghếch hay không?

Bài viết sẽ có một chút "lý thuyết" tôi sẽ cố gắng đơn giản hóa (mà thật ra nó cũng đơn giản rồi). Để tiện theo dõi, xin các bạn hãy đọc kỹ trước khi tiếp tục.
 
Quy luật sản phẩm cận biên giảm dần
 
Về cơ bản, quy luật này chỉ ra sự giảm của tỷ lệ tăng của một quá trình sản xuất khi tăng một yếu tố đầu vào và giữ nguyên các yếu tố khác. Mở rộng một chút thì đó là sự giảm của tỷ lệ tăng sản phẩm khi tăng đầu vào. Hay dễ hiểu hơn, với các mức sản xuất cao hơn của cùng một quá trình sản xuất, để sản xuất thêm 1 đơn vị sản phẩm hay tăng 1 đơn vị chất lượng, người ta sẽ tốn nhiều hơn lượng nguyên liệu đầu vào.
 
cau-chuyen-tam-quan-trong-cau-hinh-laptop-phan-2-quy-luat-loi-ich-can-bien-giam-dan
 
Ví dụ đơn giản và gần gũi với hầu hết chúng ta. Bạn hãy nhớ thời đi học của bạn: để tăng từ 0 điểm lên 2 điểm, bạn hầu như không phải làm gì cả, hầu như không học cũng được 2 điểm. Tăng từ 2 điểm lên 4 điểm (điểm đỗ thi final của một số trường đại học) bạn sẽ phải học một ít, để tăng được từ 4 điểm lên 6 điểm, bạn phải học nhiều hơn. Và để tăng từ 8 điểm lên 10 điểm, bạn cần phải học rất nhiều. Đó, với một mức tăng như nhau (2 điểm) công sức bạn phải bỏ ra ở mức sản lượng cao hơn (điểm cao hơn) lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, với mức từ 9 điểm lên 10 điểm, công sức (thời gian học) bạn bỏ ra có lẽ còn nhiều hơn cả từ 0 lên 5.
 
Bạn có thể áp dụng quy luật này vào gần như mọi góc cạnh của cuộc sống, từ game, đi chơi cho đến làm việc. Và chọn mua laptop, cũng như vậy.
 
Áp dụng vào trường hợp chọn mua laptop
 
Hai trong số những câu chuyện tôi hay được hỏi/ bàn bạc về việc mua laptop như thế này: với tầm tiền đấy tao mua được con này cấu hình ngon hơn hẳn (hiệu năng/ giá tiền lớn hơn) và để có được những thứ này (một số lợi ích "nho nhỏ" như nhẹ đi vài lạng, mỏng đi vài mili) là quá đắt.
 
Đúng thật là như vậy. Với 5 triệu, bạn chỉ có thể mua một chiếc laptop cũ, cấu hình thấp và muôn điều bất tiện khác, nhưng nếu tăng thêm 5 triệu (lên 10 triệu) bạn đã có thể đàng hoàng có một chiếc laptop mới tương đối, cấu hình tạm được. 15 triệu, bạn có thể mua một chiếc laptop tốt, cấu hình kha khá. 20 triệu, bạn có thể mua một chiếc laptop tốt, cấu hình cực cao. 25 triệu, bạn vẫn chỉ mua được một chiếc laptop tốt, cấu hình cao. Và có lẽ bạn phải bỏ ra 40 50 triệu mới có một chiếc laptop cực tốt.
 
cau-chuyen-tam-quan-trong-cau-hinh-laptop-phan-2-quy-luat-loi-ich-can-bien-giam-dan 
 
Một điểm dễ nhận ra, tương tự trường hợp điểm, với mỗi mức 5 triệu đồng tăng thêm, phần lợi ích bạn nhận được lại nhỏ đi thậm chí nhỏ đi rất nhiều. Ở mức 30 35 triệu, sự khác biệt đôi khi rất khỏ nhận ra.
 
Vì sao?

Thứ nhất, tỷ lệ của 5 triệu trong giá thành giảm đi. 5 triệu trong việc tăng từ 5 lên 10 là gấp đôi nhưng tăng từ 30 lên 35 chỉ là 15%.
 
Thứ hai, chi phí của các nhà sản xuất để đạt được "một chút cải tiến" là không hề nhỏ. Có thể, bạn nghĩ thiết kế ra một cái màn hình lực đóng mở như nhau chả tốn bao nhiêu nhưng đó là một quá trình nghiên cứu, một sự nỗ lực cực lớn trong quá trính sản xuất để đem lại cái cỏn con của bạn. Chưa kể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, sản xuất có thể gặp phải.
 
Thứ ba, nó có giá trị. Thực sự, trong vai trò một khách hàng tôi không quan tâm nhà sản xuất vất vả như nào để cải tiến sản phẩm. Cái tôi mua là giá trị của sản phẩm đó. Bỏ thêm tiền nghĩa là giá trị tôi nhận được tăng thêm. Có thể với một số người khoản tiền bỏ thêm cho cái việc lực đóng màn hình như nhau ở mọi vị trí là không đáng nhưng với một số người là đáng.
 
cau-chuyen-tam-quan-trong-cau-hinh-laptop-phan-2-quy-luat-loi-ich-can-bien-giam-dan
 
Thứ tư, bạn phải chấp nhận quy luật "sản phẩm cận biên giảm dần" bởi lẽ càng lên cao, công sức của bạn bỏ ra phải càng lớn, cuộc sống đơn giản là vậy. Hiệu nặng/ giá không phải là một chỉ số đáng quan tâm, hãy quan tâm nhiều hơn đến giá trị mà bạn nhận được. Hãy thực sự quan tâm đến những gì bạn nhận được, nhu cầu của bạn thay vì quan tâm bạn được thêm bao nhiêu với cùng một lượng tiền.
 
Đơn giản là tôn trọng quan điểm của người khác
 
Thật ra tôi cũng không định nói ý kiến này là sai hay đúng bởi đó là quan điểm và đánh giá của mỗi người. Có người cho là đáng, có người cho là không phụ thuộc vào bản thân họ. Lấy một ví dụ thế này, bạn có chấp nhận đi 5 km trong vòng 30 phút để mua được 1 chiếc laptop rẻ đi 200 USD không? Tôi chắc câu trả lời là có, bởi 200 USD với chúng ta rất có giá trị. Nhưng thử bảo Bill Gates hay các tỷ phú đi 30 phút để mua rẻ 200 USD, họ chắc chắn không đi bởi trong 30 phút đó, họ có thể làm ra nhiều hơn nhiều lần con số 200 USD.
 
Vậy tại sao nhiều bạn, đặc biệt những bạn tự nhận mình là "chuyên gia" luôn phê phán việc người ta bỏ ra rất nhiều tiền để mua được những sản phẩm tốt? Tại không không nghĩ đơn giản, họ cần điều đó và họ đánh giá lợi ích nhận được lớn hơn những gì bỏ ra. Có thể, với bạn không thấy giá trị nhưng không có nghĩa là nó không có.
 
Tôi quá mệt mỏi với những câu nói kiểu: "mua vì thương hiệu, mua vì khoe mẽ..." và "có sản phẩm này kém hơn 1 tí nhưng có giá rẻ hơn rất nhiều" hay lòng vòng hơn 1 chút: "... có cấu hình cao và thiết kế "chẳng khác bao nhiêu". Đặc biệt là những anti fan Apple, họ luôn có những bình luận kiểu "đắt hơn bao nhiêu mà hơn được một tí", mua thương hiệu... nhưng thật sự, sản phẩm Apple luôn mang lại cảm giác sử dụng tuyệt vời, tất nhiên, đôi khi chỉ là một yếu tố nhỏ.
 
Hãy biết tôn trọng sự lựa chọn của người khác, một lần nữa tôi nhấn mạnh câu này. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ bàn một câu chuyện khác, câu chuyện về sự nhầm lẫn giữa "chuyên gia" và "chuyên viên nhìn cấu hình".