Sự ra đời của nền tảng X79 cùng bộ xử lý Core i7 3960x lại một lần nữa khẳng định sự lấn lướt của Intel trước đối thủ AMD ở mảng này. Với 6 nhân 12 luồng xử lý, hiệu năng/xung nhịp vượt trội, mở hệ số nhân, có khả năng kéo BCLK, bộ nhớ đệm L3 cache tới 15 MB… sức mạnh của vị vua mới trên mọi phương diện là không phải bàn cãi, được thể hiện qua rất nhiều review từ các website phần cứng nổi tiếng. Chỉ duy nhất khả năng của chuẩn PCI-Express 3.0 và bộ nhớ RAM Quad Channel là vẫn còn chưa sáng tỏ….
Nhằm đáp ứng phù hợp với chế độ Quad Channel dành cho thế hệ Sandy Bridge-E trên nền tảng X79 socket 2011, vừa qua Kingston đưa ra giới thiệu kit RAM mới thuộc dòng “chơi bời” của hãng: HyperX Genesis. Trong khi thế hệ GPU hỗ trợ PCI-Express 3.0 vẫn chưa xuất hiện, chúng ta hãy cùng thử nghiệm xem hiệu năng Quad Channel có gì vượt trội so với Dual Channel thông dụng với kit nhớ này.
*Lưu ý: 2011 là số chân socket chứ không phải năm sản xuất.
Intel DX79SI, Core i7 3960x và Kingston HyperX Genesis
“Đơn giản, thiết kế cổ lỗ, đủ xài tạm” là ấn tượng chung của nhiều người cũng như của bản thân tôi về các bo mạch chủ của Intel. Thế nhưng cảm giác đầu tiên của tôi khi cầm trên tay DX79SI là… choáng! Ngoại hình hầm hố, đầy đủ các tính năng ăn chơi dành cho dân vọc máy ép xung: đèn LED báo nhiệt độ, trạng thái bo mạch chủ, lỗi khi có sự cố; nút power/reset ngay trên main; nút reset BIOS khẩn cấp khi ép xung thất bại… Đặc biệt, DX79SI còn hỗ trợ 3-way SLI hoặc CrossFireX với 3 khe PCI-Express x16. Đúng như slogan của Intel dành cho sản phẩm này: Designed for Extreme!
CPU Intel Core i7 3960x – vị vua mới của các hệ thống để bàn hội tụ đầy đủ mọi thứ đáng mơ ước của mọi phân khúc người dùng: 6 nhân 12 luồng xử lý, 15 MB bộ nhớ đệm L3 Cache, mở khóa hệ số nhân, cho phép kéo BCLK, liên kết 4 luồng dữ liệu với RAM cùng lúc (Quad Channel)… Con chip có kích thước khá khủng bố: 20,8 x 20,9 mm (~435 mm vuông), nhồi nhét tới 2,27 tỉ transistor. Đây là CPU lớn nhất mà tôi từng thấy.
Từ trái qua: CPU Sandy Bridge-E (2011), Gulftown (1366) và Sandy Bridge (1155)
Các kit nhớ Kingston HyperX Genesis có 2 mức dung lượng là 8, 16 và 32 GB. Thực tế thì tôi chưa từng gặp một ứng dụng nào ngốn hết nổi 4 GB bộ nhớ chứ đừng nói tới 16 GB hay 32 GB, trừ khi người dùng là kĩ sư render hoặc có sở thích lướt web hàng trăm tab.
Ngoài khác biệt về dung lượng, các kit nhớ HyperX Genesis còn có sự phân biệt về bus với các mức 1333, 1600, 1866, 2133 và 2400 cùng độ trễ thay đổi tùy theo bus. Tất cả đều có mức điện áp 1,65v.
Tuy hướng tới các nền tảng X79 cao cấp, Kingston vẫn sử dụng bao bì quen thuộc của hãng cho sản phẩm này.
Hình thức của HyperX Genesis trông khá mát mắt. Thiết kế tản nhiệt hoàn toàn giống các kit RAM khác trên thị trường, thậm chí còn có phần đơn giản hơn. Phía bên trái của thanh nhớ có in hình logo của hãng cùng chữ HyperX in nổi cách điệu bóng loáng. Các thanh nhớ không quá cao, hoàn toàn không bị cấn vào tản nhiệt nếu người dùng yêu thích tản nhiệt khí. Kit nhớ mà tôi đang cầm trên tay hoạt động ở tốc độ mặc định 1600 MHz, độ trễ 9-9-9-27, điện áp 1,65v. Thực tình mà nói thì với các thông số như vậy, khó có thể mong chờ nhiều vào khả năng ép xung đối với kit nhớ này.
Có một điều lạ là chương trình nhận diện phần cứng CPU-Z nhận diện thông số của HyperX Genesis rất… linh tinh: độ trễ 31-31-15-63 và xung nhịp tận 4200 MHz?! Rất có thể nguyên nhân do bo mạch chủ DX79SI tôi đang cầm trong tay là hàng mẫu chưa hoàn chỉnh (trong BIOS vẫn nhận đúng thông số).
Tông xuyệt tông cùng DX79SI
Kingston HyperX Genesis và khả năng ép xung
Như tôi đã nói ở trên, với chỉ số chưa phải là cao mà điện áp mặc định đã tới 1,65v thì có vẻ khó mà trông chờ vào khả năng ép xung của kit nhớ này. Tuy nhiên kết quả thu được lại khiến tôi khá bất ngờ.
Ở mức mặc định 1600 cas 9-9-9-27, tốc độ read – write – copy thu được bằng các phần mềm AIDA64, MaxxMem và Sisoft Sandra:
Vẫn giữ điện áp 1,65v, tôi kéo lên mức 1866 cas 9-11-9-27, kit nhớ vẫn hoạt động ổn định, pass 10 vòng phép thử LinX. Có điều lạ là tốc độ write của MaxxMem… giảm?! Sisoft Sandra đánh giá băng thông tăng rõ rệt: từ 38 GB/s lên 41 GB/s. (Xem biểu đồ bên dưới)
Tuy chắc mẩm đây đã là giới hạn của HyperX Genesis, tôi vẫn thử kéo tiếp thêm 1 nấc nữa lên mức 2133 cas 11-12-11-27 (giữ nguyên điện áp 1,65v). Kết quả làm tôi cực kì bất ngờ: vẫn boot được vào windows, pass 10 vòng LinX. Tuy nhiên cuộc chơi chấm dứt ở đây, thử kéo tiếp lên 2400 MHz thì kit RAM… đầu hàng. Kết quả benchmark vẫn như cũ: tốc độ nhìn chung tăng lên, chỉ có MaxxMem write lại tiếp tục giảm. (Xem biểu đồ bên dưới)
Cảm thấy hơi hồ nghi, tôi lấy combo AsRock Z68 Pro3 (Dual Channel) ra bench thử. AIDA64 và MaxxMem cho kết quả tốt hơn hẳn, vượt xa Quad Channel trên X79, trong khi Sisoft Sandra thì đánh giá ngược lại.
Biểu đồ thể hiện kết quả tổng hợp:
Chốt lại, tôi cho rằng AIDA64 và MaxxMem chưa sẵn sàng cho Quad Channel nên 2 phép thử này không nói lên được điều gì. Tuy nhiên không nên quá lạm bàn sang chuyện đó. Quay lại với Kingston HyperX Genesis: kit nhớ hoạt động ổn định ngay cả tại mức xung khá cao 2133 cas 11-12-11-27 – không hề tồi với một kit nhớ có thông số mặc định “bình dân” như vậy.
Kiểm nghiệm hiệu năng: Quad Channel vs Dual Channel
Cấu hình thử nghiệm
Bo mạch chủ: Intel DX79SI
Bộ xử lý: Intel Core i7 3960x
Tản nhiệt: Thermalright Venomous X-RT
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II OC
Bộ nhớ trong: 4x4 GB Kingston HyperX Genesis 1600 cas 9-9-9-27 @1,65v (Quad Channel)
2x4 GB Kingston HyperX Genesis 1600 cas 9-9-9-27 @1,65v (Dual Channel)
Ổ cứng: WD Caviar Black 500 GB
Nguồn: Seasonic X660
Các phép thử lý thuyết: AIDA64 – MaxxMem – Sisoft Sandra
Khởi động nhẹ nhàng với 3 phần mềm đo tốc độ bộ nhớ. Với AIDA64 và MaxxMem, tốc độ Quad Channel chỉ tăng “chút ít gọi là” so với Dual Channel. Riêng Sisoft Sandra thì Quad Channel cho băng thông tăng đột biến: 38 GB/s so với 21,66 GB/s.
7zip – Excel – Photoshop CS4
Đây là 3 ứng dụng khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày.
7zip - ứng dụng giải nén cực mạnh, tận dụng được lợi thế nhiều luồng xử lý. Tôi sử dụng trình benchmark tích hợp sẵn trong chương trình, kết quả cho thấy cả tốc độ nén và giải nén của Quad Channel đều tăng chút ít không đáng kể, lần lượt là 2% và 0,3%. Thực tế sử dụng người dùng sẽ không thể nào nhận ra sự khác biệt này. Đối với 7zip, có lẽ CPU mới đóng vai trò quyết định tới tốc độ, còn RAM thì không quan trọng lắm, chỉ cần đủ dung lượng phục vụ chương trình.
Excel – đại diện tiêu biểu nhất cho ứng dụng văn phòng. Tôi sử dụng bảng benchmark dựng sẵn để Excel tự động lập biểu đồ từ hơn 13000 số liệu rồi đo thời gian. Kết quả: Dual Channel hoàn thành biểu đồ sau 17 phút chẵn, còn Quad Channel lại chậm hơn 8 giây!
Dual Channel (trái) và Quad Channel (phải)
Ở chế độ test nhanh Fast Backtest – đại diện cho những thao tác nhanh khi sử dụng văn bản, Quad và Channel cũng hoàn toàn không có khác biệt với thời gian 4 giây. Có thể kết luận Quad Channel không có tác dụng đối với Excel.
Dual Channel (trái) và Quad Channel (phải)
Trong phép thử Photoshop CS4, tôi tạo hiệu ứng Blur Radian (Zoom – Max) cho một bức ảnh độ phân giải cao nặng tới 50 MB. Dual Channel hoàn thành công việc sau 245,3 giây, trong khi Quad Channel cần nhiều hơn một chút: 246,6 giây.
Phép thử render: Cinebench 11
Cả trong 2 trường hợp render bằng CPU và GPU, Quad Channel chỉ cho kết quả nhỉnh hơn chút chút chút ít so với Dual Channel.
Phép thử đồ họa: 3DMark 06 – 3DMark 11
Đây là 2 phần mềm kiểm nghiệm sức mạnh xử lý đồ họa của toàn bộ hệ thống.
Mở đầu là 3DMark 06. Sở dĩ tôi chọn chương trình “cổ lỗ sĩ” này bởi 3DMark 06 rất đề cao khả năng xử lý của CPU. Ở những ứng dụng đòi hỏi nhiều CPU, luồng dữ liệu trao đổi giữa CPU và RAM diễn ra liên tục. RAM chậm thì kéo theo CPU chậm theo vì phải chờ đợi dữ liệu xử lý qua RAM. Tuy thế, Quad Channel vẫn chẳng tạo ra được khác biệt nào so với Dual Channel. Điểm số của cả 2 là ngang nhau.
Dual Channel (trái) và Quad Channel (phải)
Sang đến 3DMark 11 – phép thử DX 11 thông dụng nhất hiện nay, tổng điểm của cả 2 hệ thống cũng tương đương nhau, Quad Channel chỉ nhỉnh hơn chút chút ít. Chỉ có bài test vật lý Physics Test, Quad Channel cho điểm cao hơn hẳn: 11403 so với 10897. Lý do bởi bài test này phụ thuộc hoàn toàn vào CPU, mà như tôi đã nói ở trên: ứng dụng càng dựa nhiều vào CPU thì đòi hỏi RAM càng phải nhanh.
Dual Channel (trái) và Quad Channel (phải)
Phép thử game: Batman Arkham City (DX 9) – StarCraft II (DX 9) – Dirt 3 (DX 11) – Crysis 2 (DX 11)
Tất cả các game đều được thiết lập mức cấu hình cao nhất có thể, khử răng cưa 4x AA, độ phân giải 1280 x 1024.
Như vậy, có thể tạm rút ra nhận xét: Quad Channel không có tác dụng đối với game.
Kết luận
Từ các tác vụ thông thường như giải nén, excel cho đến công việc nặng như render, xử lý ảnh hay chơi game, Quad Channel dường như không tỏ ra được chút lợi thế nào so với Dual Channel. Thậm chí ở một số bài test, 4 luồng còn chậm hơn 2 luồng một chút. Thậm chí kết quả của các phép thử AIDA64 và MaxxMem còn đem lại hồ nghi khá lớn khi nền tảng X79 cho tốc độ đọc, ghi, copy và độ trễ tệ hơn Z68 khá nhiều.
Có lẽ cũng giống như PCI-Express 3.0, Quad Channel là một tính năng sinh ra… trước thời đại. Card đồ họa chuẩn PCI-Express 3.0 sẽ sớm ra mắt vào năm sau, nhưng phải một quãng thời gian lâu hơn thế nhiều mới xuất hiện ứng dụng có khả năng tận dụng rõ rệt lợi thế của 4 luồng trao đổi dữ liệu giữa CPU và bộ nhớ RAM.