Theo cách nghĩ bình thường, thông tin về tính năng sản phẩm, ngày ra mắt... phải được công bố bởi bộ phận truyền thông của hãng dưới dạng các thông cáo báo chí. Tuy nhiên, dường như cách này đã lỗi thời.
Lộ hàng đang ngày càng trở nên phổ biến
iPhone 4 lộ thiết kế, Windows 8 lộ những hình ảnh đầu tiên, laptop siêu mỏng của
Samsung lộ ngày ra mắt,
lộ thông tin hàng loạt máy tính bảng... Nếu theo dõi đều đặn thông tin hàng ngày, bạncó thể nhận thấy hầu như rất nhiều sản phẩm đều "bị lộ" thông tin trước ngày ra mắt.
Hầu hết các thông tin này được bật mí từ nhiều nguồn khác nhau như: một nhà máy sản xuất sản phẩm, một hãng bán lẻ, một lần "lỡ lời" của ông chủ, một tin đồn không rõ nguồn gốc... Càng ngày, cách thức truyền thông kể trên đang trở nên tinh vi và đa dạng hơn. Thậm chí, gần đây, Microsoft còn "cài" thông tin
IE 10 vào... IE 9 để phục vụ mục đích này.
Một vụ rò rỉ của Samsung Galaxy Tab.
Nguyên nhân và thực chất
Ngay cả những người ngây thơ nhất, cả tin nhất cũng biết rằng không phải tất cả những thông tin bị lộ đều là... sự thật. Nếu như bảo mật kém đến vậy, có lẽ các hãng lớn như Microsoft, Apple... đều đã phá sản từ lâu. Ai cũng biết việc giữ gìn thông tin hay các sản phẩm sắp ra mắt trong các công ty công nghệ luôn là điều cực kỳ quan trọng nên việc "lộ" các thông tin là không hề dễ dàng.
Hãy nhớ lại một vụ lộ hàng gần đây:
iPhone 4. Câu chuyện được kể là một nhân viên của Apple cầm bản dùng thử của chiếc smartphone này đi uống rượu, say và để quên. Rồi thật trùng hợp, chiếc điện thoại đến tay biên tập viên của Gizmodo. Sau đó, có những thông tin về việc Apple "đòi" lại chiếc máy, thậm chí dọa kiện Gizmodo. Bạn có tin câu chuyện này hay không?
Nguyên nhân nào khiến cho cách thức quảng bá này trở nên phổ biến? Hết sức đơn giản, nguyên nhân tại chính chúng ta - những khách hàng, người đọc. Bạn ngạc nhiên ư? Hãy thử suy nghĩ một chút về vấn đề này.
Mục đích sau cùng của bất cứ hãng nào cũng là bán được nhiều, thật nhiều sản phẩm (trừ một số trường hợp sản xuất ra lấy tiếng hoặc NSX chỉ có khả năng cung cấp được số lượng hạn chế). Để đạt được mục đích, ngoài việc có chất lượng, tính năng thật tốt, sản phẩm phải được mọi người biết đến. Cho dù sản phẩm bạn tốt đến thế nào đi nữa, hiện đại ra sao đi nữa mà không ai biết đến thì doanh số của bạn cũng chỉ ở mức làng nhàng. Đây cũng chính là nhiệm vụ thiết yếu của bộ phận truyền thông trong bất cứ công ty nào.
Trong công tác truyền thông, việc giới thiệu hình ảnh sản phẩm là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Rõ ràng, để khách hàng mua sản phẩm A, đầu tiên, họ phải biết là sản phẩm A có tồn tại trước khi biết đến sản phẩm A tốt ra sao, dùng như thế nào - đây là nguyên nhân và động lực chính của các tin đồn.
Hàng loạt thiết bị "lộ" thông tin.
Muốn giới thiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng, các công ty có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ở đây tạm chia ra làm hai cách tiếp cận: chủ động và bị động.
Chủ động là cách truyền thông truyền thống: tung ra các thông cáo báo chí, quảng cáo, giới thiệu hình ảnh sản phẩm. Có vẻ như, trong hoàn cảnh mà mỗi tháng trung bình có khoảng vài ba loại sản phẩm ra mắt cách thức này không hiệu quả cho lắm. Đặc biệt, các thông tin kiểu thông cáo báo chí thường không được quan tâm và thậm chí phải trả tiền để được đăng.
Bị động (hoặc giả vờ bị động) là cách "tuồn" các thông tin ra ngoài dưới dạng các thông tin bị lộ, các thông tin không chính thức. Với cách truyền thông này, thông tin sẽ được các báo và người dùng quan tâm hơn, bàn tán nhiều hơn và đôi khi là tin tưởng hơn. Thậm chí, gọi là bị động nhưng cách truyền thông này đem lại sự chủ động cho các công ty. Họ được quan tâm hơn, săn đón hơn, tốc độ lan truyền nhanh hơn và có thể phủ nhận thông tin nếu nhận thấy nó gây bất lợi cho sản phẩm. Về phần khách hàng, chắc chắn họ cũng sẽ thích những thông tin kiểu này hơn. Người dùng sẽ biến đây thành chủ đề bàn tán, trao đổi trong các câu chuyện mà nhờ đó thông tin, hình ảnh về sản phẩm sẽ lan rộng. Đương nhiên, bản chất của con người là tò mò, với những thông tin mang dấu "tuyệt mật" chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự chú ý.
Hãy nhìn lại trường hợp của iPhone 4: chính nhờ việc "lộ hàng", nó được quan tâm, chú ý trong suốt một thời gian dài. Hàng loạt những chủ đề thảo luận, khen chê về phiên bản này xuất hiện trên các diễn đàn, trong những câu truyện hàng ngày và hiệu quả của nó, tất nhiên, vượt xa một thông cáo báo chí kiểu: "chúng tôi, Apple sẽ ra iPhone 4 vào ngày ...".
Tất nhiên, với tần suất "lộ hàng" nhiều như vậy, người dùng cũng bắt đầu chán ngán với các thông tin này. Trừ một số sản phẩm quá "khủng" như iPhone, iPad,... các sản phẩm khác dù có cố "lộ" đến mấy cũng không mấy ai quá quan tâm. Và rồi, biết đâu một ngày nào đó, việc công bố thông tin sản phẩm qua các kênh chính thức lại trở thành mốt?