Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn bước ra đường chỉ với một thiết bị nhỏ gọn như cây bút viết, bấm nút trên đó để làm xuất hiện bàn phím ảo trong không trung cho phép nhập liệu và tìm kiếm bất cứ thứ gì mình thích. Bạn cũng sẽ chẳng phải sợ mỗi khi lạc đường vì sẽ có một màn hình hiện ra ngay lập tức, hiển thị đầy đủ các thông tin chi tiết về bản đồ, quán ăn, quán cà phê hay nhà hàng khách sạn gần đó.
Mong muốn đó, giờ đây, không chỉ tồn tại trong những câu chuyện viễn tưởng nữa – công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality) sẽ giúp bạn hiện thực hóa trí tưởng tượng của mình. Đã có quá nhiều bài viết và ý kiến chia sẻ về AR, vậy nên bài viết dưới đây sẽ mang tính chất tổng hợp, cung cấp tới độc giả một số thông tin cơ bản và những lợi ích mà công nghệ độc đáo này đem lại.
Augmented Reality là gì?
Trước khi nói tới Augmented Reality, chúng ta cần làm rõ khái niệm Virtual Reality (Thực tế ảo). VR là thuật ngữ dùng để miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính. Đa phần các môi trường tạo ra bởi VR chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính hay thông qua kính nhìn ba chiều, tuy nhiên một vài mô phỏng cũng liên quan các loại giác quan khác khác như thính giác hay xúc giác.
Sử dụng AR trong tìm kiếm thông tin.
Được phát triển từ VR, Augmented Reality (AR) được hiểu là công nghệ cho phép con người quan sát những vật trong thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử nào đó. Khi đó ngoài những gì mắt thường ta nhìn thấy, thiết bị điện tử còn cho ta biết những thông tin khác liên quan đến vật đang được quan sát. Tóm lại, trong khi VR thay thế hoàn toàn thực tại bởi một thế giới mô phỏng, AR chỉ bổ sung các chi tiết vào thế giới thực tại.
Một số sản phẩm ứng dụngcông nghệ Augmented Reality
Star Walk, Distant Suns, SkyView và Night Sky
Với sự trợ giúp của công nghệ la bàn (compass) và gia tốc kế (accelerometer), các ứng dụng trên là những ví dụ tiêu biểu về việc áp dụng công nghệ AR. Sau khi đã được cài đặt, chỉ cần trỏ thiết bị lên bầu trời đêm, các ứng dụng này sẽ tự động kết nối đến hệ thống máy chủ, sử dụng các dữ liệu GPS và công nghệ nhận diện hình ảnh, qua đó mô phỏng và đưa ra thông tin chi tiết về các chòm sao, hành tinh hay tàu không gian theo thời gian thực.
Aurasma
Được phát triển bởi Autonomy Corporation, Aurasma là một nền tảng tương tác thực tế tích hợp với các thiết bị 3G, 4G sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS. Aurasma sử dụng camera của thiết bị để nhận biết và trình chiếu các thông tin đã được lưu lại từ trước về địa điểm mà thiết bị trỏ tới. Đừng bất ngờ nếu bạn tham quan bảo tàng quốc gia Scotland và bắt gặp một chú Tyrannosaurus rex trong iPad của mình như video dưới đây:
Blippar
Được trang bị công nghệ nhận diện hình ảnh, Blippar có khả năng cung cấp các thông tin bổ sung về sản phẩm, nhãn hiệu, công ty mỗi khi người dùng trỏ thiết bị vào các mẩu quảng cáo trên báo, tạp chí, poster hay bao bì sản phẩm. Những đối tác lớn của Blippar bao gồm cả một số nhãn hiệu đã nổi tiếng trên khắp thế giới như Unilever, Nestle, Xbox, Samsung, LG.
Hình ảnh hiển thị khi dùng smartphone trỏ vào chai ketchup HEINZ.
Lấy ví dụ, bức ảnh trên cho thấy: Khi người dùng sử dụng Blippar để quan sát một chai ketchup mang nhãn hiệu HEINZ, trên màn hình thiết bị sẽ xuất hiện các đường link đến sách dạy nấu ăn hay thậm chí là … Facebook của hãng này. Trong tương lai, khi công nghệ Augmented Reality trở nên phổ biến hơn, Blippar hứa hẹn sẽ trở thành một trong những công cụ marketing đắc lực và hiệu quả.
Tương lai của Augmented Reality
Tiềm năng phát triển
Các sản phẩm trên cho thấy, AR có thể đem đến những trải nghiệm người dùng hết sức độc đáo, chưa từng có tiền lệ. Từ đó, có thể nhận định, tiềm năng phát triển của AR trong thời gian tới là rất sáng sủa. Tuy nhiên, tồn tại một số luồng ý kiến cho rằng: AR rốt cuộc cũng chỉ là một chiêu thức tiếp thị hào nhoáng của các nhà sản xuất công nghệ. Ý kiến này không phải là không đúng, vì các ứng dụng AR tại thời điểm hiện tại chưa mang tính thực tiễn cao, và chưa áp dụng được trên phạm vi rộng lớn. Do đó, để AR trở thành công nghệ của tương lai, các nhà sản xuất cần tập trung nguồn lực vào cả hai mặt: Nội dung và phần cứng.
Về nội dung cung cấp, công nghệ AR cần tập trung đến những khía cạnh mang tính giáo dục hay giải trí cao. Có thể khẳng định, thành bại của AR được quyết định bởi hai xu thế chính: Nhận diện hình ảnh và nhận diện âm thanh. Tính năng nhận diện hình ảnh cho phép người dùng tìm hiểu sâu về sản phẩm và thúc đẩy sáng tạo. Tính năng nhận diện âm thanh mở ra cơ hội mới cho các công cụ truyền thông trong việc tương tác với người tiêu dùng.
Để phát huy tối đa hiệu quả mà AR đem lại, các tính năng như GPS, la bàn cần đạt được độ chính xác cao.
Những ý tưởng về nội dung cũng phải đi đôi với những nâng cấp trong phần cứng. Tốc độ truyền dữ liệu của mạng di động chưa đủ nhanh, các hệ thống GPS và gia tốc kế hoạt động chưa chính xác – đó là những trở ngại mà các nhà sản xuất cần vượt qua để phát triển bền vững công nghệ AR.
Người hưởng lợi từ Augmented Reality?
Google
Project Glass - bom tấn sắp được Google tung ra thị trường.
Không thể không nhắc đến đáp án Google cho câu hỏi này –
Google Glass hiện thực hóa tham vọng thống trị công nghệ AR của gã khổng lồ tìm kiếm này. Hình thức, tính năng và hiệu quả của chiếc kính thông minh này còn cần được kiểm chứng; nhưng cần phải khẳng định rằng, Google và Google Glass sở hữu lợi thế đặc biệt mà không có công ty nào khác trên thế giới có thể so sánh được: Google Search.
Với cỗ máy tìm kiếm này, Google là tổ chức
điều khiển toàn bộ luồng thông tin của thế giới online. Vai trò của Google trên Internet giống hệt vai trò của một hướng dẫn viên khi bạn đi du lịch ở những vùng đất hoàn toàn mới lạ. Thông tin có đầy đủ ở khắp mọi nơi nhưng việc bạn xem gì, biết gì, cảm nhận được gì hoàn toàn phụ thuộc hay phụ thuộc rất nhiều vào việc người hướng dẫn viên chỉ gì cho bạn.
Sự ra mắt của Google Glass hoàn toàn có thể đưa công nghệ tìm kiếm và cung cấp thông tin lên một tầm cao mới – tạm gọi với cái tên “Tìm kiếm tương tác” – khi người dùng hoàn toàn có thể tìm kiếm mà không cần bất cứ thao tác nào của đôi tay, tất cả đều được thực hiện qua công cụ nhận diện giọng nói. Kết hợp nó với lượng thông tin khổng lồ mà Google điều khiển, có thể thấy Glass đã sẵn sàng khuấy đảo thế giới công nghệ trong tương lai gần.
Công nghệ in ấn
Có thể nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên, nhưng loại công nghệ vốn được cho là đã hết thời - in ấn sẽ được hưởng lợi lớn từ AR. Nhưng bằng cách nào? Nhược điểm lớn của các loại ấn phẩm bao gồm poster, báo giấy, sách, tạp chí, … so với các phương tiện truyền thông hiện đại như báo điện tử là việc chúng không mang tính cập nhật. Lấy ví dụ, đọc bình luận hay xem clip tình huống của các trang báo mạng sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều so với việc chờ mua và lật giở từng trang báo in.
Sử dụng iPad và AR xem thử trang báo giấy của tờ Financial Times.
Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ AR, một hướng đi mới đã được gợi mở. Hãy tưởng tượng, bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết, bạn muốn biết thêm thông tin về tác giả và bình luận về tác phẩm đó? Bạn cần tìm hiểu thêm về sự kiện công nghệ đang được đăng trên trang nhất tờ báo ABC XYZ này? Chỉ cần bật chiếc smartphone lên và trỏ vào cuốn sách, một vài giây sau, các thông tin đã sẵn sàng. Các thao tác trên thậm chí còn đơn giản hơn việc copy và search trên các thiết bị di động – đó chính là tính ưu việt mà AR có thể mang lại cho các ấn phẩm loại này.
Kết luận
Với những bước tiến trong thế giới công nghệ gần đây, có thể nhận định, Augmented Reality không còn là giấc mơ xa vời mà đang từng bước được hiện thực hóa. Bất chấp những giới hạn về phần cứng hay những rủi ro về an ninh mạng có thể phát sinh, AR vẫn cho thấy tiềm năng phát triển to lớn của mình.
Ở phần trên của bài viết, tác giả có đề cập đến “Những người được hưởng lợi từ AR” – nhưng chỉ nhìn từ góc độ các nhà sản xuất. Đối với người tiêu dùng, công nghệ mới, trải nghiệm mới chính là những gì chúng ta hướng đến; và với Augmented Reality, có lẽ cả một chân trời đang mở ra trước mắt …
Tổng hợp