Apple trong những lần Steve Jobs "vắng nhà"

Hồng Nhung  | 26/08/2011 05:00 PM

Các nhà đầu tư và fan của Apple đều mong rằng việc Jobs từ chức CEO sẽ không khiến lịch sử những lần ông vắng mặt lặp lại 1 lần nữa.

Khi Jobs và Steve Wozniak cùng sáng lập Apple năm 1976, chẳng ai có thể ngờ được công ty của họ - ít nhất là trong thập kỉ đầu tiên của thế kỷ 21 – lại có thể thay đổi cách thế giới sử dụng công nghệ. Từ khi thành lập đến nay, Apple đã trải qua hơn 10 năm mấp mé bờ vực phá sản.
 
Sau thành công của Apple II cuối những năm 70 đầu 80, sự chi tiền không thận trọng và quản lý thiếu kinh nghiệm của Jobs đã khiến Ban giám đốc của Apple quyết định rằng họ cần 1 CEO giàu kinh nghiệm hơn. John Sculley – chủ tịch cũ của Pepsi - được chọn để quản lý công ty cùng với Jobs. Nhưng Jobs không thích nghi được với vị trí mới và Ban giám đốc quyết định gạt ông ra khỏi Apple vào năm 1985. Jobs chỉ giữ lại 1 cổ phiếu của Apple và bán hết số còn lại – chứng tỏ rằng ông không tin công ty có thể thành công.
 
Từ lúc đó, Apple bắt đầu mất vị thế và bị Microsoft của Bill Gates cướp mất thị trường. Sculley đã không thành công. Sau Sculley, Apple đã thuê 2 CEO khác nhưng họ đều thất bại: Michael Spindler và Gil Amelio.
 
Jobs và Apple không liên lạc cho đến tận năm 1997 – khi Apple mua công ty máy tính cá nhân NeXT của Jobs và tất nhiên là Jobs cũng tham gia vào Apple cùng với NeXT. Từ năm 1997 trở đi, Apple đã bắt đầu vực dậy và vươn lên với các sản phẩm từ phần cứng như iBook đến iPhone và ý tưởng cách mạng App Store. Nhưng điều đã từng xảy ra với Apple khi vắng Jobs – có lặp lại 1 lần nữa không?
 
Sản phẩm tốt, quản lý kém.
 
Nhìn lại quá khứ thì những sản phẩm Apple sản xuất trong những năm vắng Jobs đều là những sản phẩm khá tốt, nhưng không được quản lý tốt hay không được quảng bá đủ để thành công. Đó chính là lý do các nhà đầu tư Apple đang lo ngại. Có lẽ nếu không có Jobs thì những sản phẩm tuyệt vời nhất cũng chẳng được ai chú ý.
 
The Newton – ra mắt năm 1993 – là 1 ví dụ về một sản phẩm rất tốt nhưng không được quan tâm. The Newton là một trong những mẫu PDA đầu tiên trên thế giới với màn hình cảm ứng, bút stylus và gần như chẳng có đối thủ nào trên thị trường. Nhưng dù có thiết kế độc đáo và mức giá “sang trọng” (2 điều Apple đã thành công với iPhone) thì The Newton vẫn thất bại. Có lẽ đó là do Apple để cho Motorola, Sharp, Digital Ocean chế tạo các thiết bị sử dụng Newton OS và thiếu sự hòa hợp giữa phần cứng và phần mềm. Apple đã tuyên bố dừng hệ điều hành này vào năm 1998 – 1 năm sau khi Steve Jobs trở lại công ty.
 

The Newton.
 
Sản phẩm tồi.
 
Phần lớn quãng thời gian không có Steve Jobs của Apple – ngoài 1 vài sản phẩm tốt không tìm được khách hàng – thì đều là những sản phẩm tồi.
 
1 ví dụ là năm 1991, Apple hợp tác cùng IBM và Motorola thành lập công ty Taligent để phát triển và đăng ký bản quyền hệ điều hành chạy trên PowerPC của IBM. Mục đích của sự hợp tác này là để cạnh tranh với Microsoft. Apple đã bỏ rất nhiều tài nguyên và công sức vào sản phẩm này, hi vọng nó sẽ thành công – bởi nó là kết quả của liên minh những công ty lớn nhất trong làng công nghệ.
 
Nhưng trong thời gian đó, thị phần của Apple trên thế giới giảm từ 12% xuống còn 3%, và thậm chí Apple còn từ chối đăng ký bản quyền cho hệ điều hành chạy trên PowerPC, và vì vậy IBM và Motorola chẳng thế thu được đồng nào từ sản phẩm này.
 
Một vấn đề lớn là lúc đó CEO của Apple cho rằng việc mở rộng thương hiệu với nhiều sản phẩm và hợp tác với các công ty khác (như vụ hợp tác PowerPC) là cách để cạnh tranh trong thế giới công nghệ. Đầu thập kỉ 90, Apple cho ra mắt cả Apple II và máy tính Macintosh – hướng tới 2 đối tượng khách hàng khác nhau. Sau đó Apple tiếp tục sản xuất rất nhiều các sản phẩm Micintosh “không có nhiều khác biệt” nữa. Lúc đó thì Windows lại được người sử dụng đón nhận và đặc biệt là sự tích hợp của Internet Explorer vào các phiên bản Windows khiến hệ điều hành này có nhiều lợi thế hơn.
 

 
Jobs cần Apple cũng như Apple cần Jobs.
 
Sự thành công của Jobs trong lần thứ 2 giữ chức CEO Apple không có nghĩa là mọi thứ ông làm đều thành công. Sau khi bị buộc phải rời khỏi Apple, Jobs thành lập NeXT. Công ty này cho ra mắt “The Cube” – một máy tính đắt giá và quý phái. Nhưng nó hoàn toàn thất bại. Nhưng Jobs đã được “cứu” khi Apple thuê ông làm cố vấn năm 1996 và Apple đã mua lại NeXT với giá 427 triệu USD.
 
Khi trở lại làm CEO Apple năm 1997, Jobs đã học được nhiều từ sai lầm của mình cùng như sai lầm của Apple trong những năm qua. Một trong những quyết định đầu tiên và đúng đắn nhất của Jobs khi trở về là dừng “sao chép” các máy tính Macintosh. Sau những thất bại trước của Apple khi cho phép các công ty khác sử dụng hệ điều hành của mình, Jobs chỉ ra rằng giữ sản phẩm chỉ trong công ty là cách tốt nhất – và nhờ đó Apple trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.  
 
Hôm nay, khi Jobs đã rút khỏi vị trí CEO lần đầu tiên từ năm 1997, các nhà đầu tư của Apple rất hi vọng rằng công ty này có thể tồn tại khi thiếu vắng ông. Đúng là tầm nhìn của Jobs rất tuyệt, nhưng đó là tầm nhìn đưa Apple vào guồng và tiến lên. Jobs đã dạy Apple những bài học mà công ty này không bao giờ quên.
 
Tham khảo PC World