Apple đưa máy Mac trở lại chứng nhận bảo vệ môi trường

MT  | 17/07/2012 08:00 AM

Không lâu sau khi loại bỏ 39 sản phẩm ra khỏi chứng nhận "xanh" EPEAT.

Không lâu sau khi loại bỏ 39 sản phẩm trong đó có máy Mac ra khỏi chứng chỉ thân thiện với môi trường EPEAT, Apple bất ngờ đưa tất cả các sản phẩm này trở lại hệ thống đánh giá này và cho rằng quyết định rút lui trước đó là do "nhầm lẫn". 

"Chúng tôi đã lắng nghe nhiều phản hồi từ người dùng và nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng khi Apple rút nhiều sản phẩm khỏi hệ thống đánh giá EPEAT. Chúng tôi thừa nhận đây là một quyết định vội vàng và sai sót. Bắt đầu từ hôm nay, tất cả các sản phẩm của Apple vẫn sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn môi trường EPEAT như trước" - Phó chủ tịch cấp cao bộ phận phần cứng của Apple cho biết.

EPEAT là hệ thống đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của một số sản phẩm công nghệ như laptop, desktop, màn hình...nhưng không bao gồm điện thoại và tablet. Đây là hệ thống được thành lập bởi liên minh nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó Apple chính là một trong những hãng đầu tiên nêu ra ý tưởng và sáng lập nên chứng chỉ này. EPEAT nhấn mạnh tới khả năng tháo rời các linh kiện trong một sản phẩm để tiến hành tái chế và lấy đi một số thành phần độc hại (thường nằm trong pin, chip xử lý). Nhiều chính phủ, cơ quan trên thế giới chỉ mua các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn mà EPEAT đề ra. 

MacBook Pro phiên bản Retina được cho là nguyên nhân khiến Apple rút lui khỏi EPEAT.

Động thái rút lui khỏi EPEAT của Apple được cho có nguyên nhân từ chiếc MacBook Pro dùng màn hình Retina mới đây. Các chuyên gia dự đoán rằng do thiết kế của sản phẩm này khiến việc tháo rời linh kiện là cực kì khó khăn bởi pin máy được dán keo chặt vào bên trong. Có thể Apple sợ rằng laptop mới của họ sẽ không đạt được các tiêu chuẩn mà EPEAT đã đề ra nên đã chủ động rút lui. 

Quyết định này đã khiến "Táo khuyết" chịu nhiều chỉ trích. Thành phố San Francisco thậm chí còn tuyên bố không dùng ngân sách mua các sản phẩm của công ty này. Đáp lại, Apple nhấn mạnh khi nói về quyết định của mình: "các sản phẩm của Apple đều đạt tiêu chuẩn về môi trường, thậm chí có cả những tiêu chuẩn nằm ngoài hệ thống đánh giá của EPEAT. "Chúng tôi cố gắng loại bỏ vỏ nhựa và thay bằng các chất liệu dễ tái chế hơn, bền hơn, hiệu quả hơn, để sản xuất sản phẩm. Có lẽ, quan trọng nhất, máy tính của Apple đã đạt được chứng chỉ tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt ENERGY STAR 5.2 mà chính phủ Mỹ đề ra. Không công ty nào trong ngành công nghiệp đạt được chứng chỉ đó" - Apple 

Tuy nhiên, có lẽ những lời giải thích trên vẫn không làm dịu đi làn sóng chỉ trích và Apple đã quyết định đưa 39 sản phẩm quay trở lại tham gia hệ thống EPEAT. Tổ chức môi trường Greenpeace cũng vừa lên tiếng ủng hộ quyết định quay lại này của Apple, nhưng cho biết công ty vẫn cần chứng minh được rằng sản phẩm của họ có thể được tái chế dễ dàng. "Nhiều người dùng sản phẩm của họ muốn Apple trở thành hãng công nghệ đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, dù là việc tham gia EPEAT, báo cáo phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, hay ở việc dùng năng lượng tái chế để vận hành dịch vụ đám mây iCloud" - Đại diện Greenpeace cho biết.

Tham khảo: CNN