5 việc Microsoft có thể sẽ làm với "món hàng" Skype trị giá 8,5 tỷ USD

TrungNK  | 17/05/2011 12:00 PM

Với 8,5 tỷ USD bỏ ra, Microsoft sẽ nhận lại được những gì?

Tuần trước, gã khổng lồ Microsoft một lần nữa gây chấn động làng công nghệ thế giới khi công bố hoàn tất việc mua lại Skype với giá 8.5 tỷ USD. Nhưng chắc chắn rằng không phải ai trong số trong số 660 triệu khách hàng của VoIP này cũng quan tâm đến những tác động kinh tế của vụ mua bán. Điều mà người dùng quan tâm là liệu việc sử dụng Skype có gì thay đổi? Họ sẽ nhận được gì khi Skype về tay Microsoft.
 
Thậm chí, những người không sử dụng Skype nhưng sở hữu các máy tính, điện thoại, máy chơi game cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thương vụ mua bán này.
 
Từ một số bình luận được CEO của Microsoft Steve Ballmer vào thứ ba tuần trước, có thể dự đoán 5 tính năng mới Microsoft có thể thực hiện với Skype:
 
1. Tích hợp trên Xbox:
 
Hơn 10 triệu khách hàng của Microsoft đã có camera tích hợp sẵn trong thiết bị của họ (đây là số lượng người đang sở hữu Xbox Kinect vừa được giới thiệu vào năm ngoái).  Khi sở hữu công nghệ chat video tân tiến nhất hiện nay, Microsoft sẽ tích hợp nó lên dòng máy chơi game mới nhất của mình, để nâng cấp dịch vụ Xbox Live.
 

 
Xbox 360 đã có tính năng chat, nhưng phần đông game thủ không thể hài lòng với nó. Đây là một trong số những lý do khiến cho họ bỏ Xbox sang lựa chọn các máy chơi game khác như Playstation bởi chúng cho phép giao tiếp trong thời gian thực - một điều rất hữu ích với các game multiplayer.
 
 
Tương tự, Skype hiện đã hỗ trợ tính năng TV-compatible (khả năng tương thích với TV) dành cho webcam. Nhưng nó chưa thật sự hữu dụng và được coi trọng bởi không có nhiều ứng dụng thực tế khi Skype là một công cụ chat đơn thuần. Thế nên, việc kết hợp Skype và Xbox sẽ nâng cả 2 sản phẩm lên tầm cao mới.
 
2. Nâng cấp các smartphone chạy hệ điều hành Windows
 
Thành thực mà nói, các smartphone dùng hệ điều hành Window chưa thể so sánh với iPhone hay các điện thoại dùng hệ điều hành Android trong tương lai gần.
 

 
Một phần nguyên nhân là các máy dùng Windows 7 chưa có tính năng video call ấn tượng như ứng dụng FaceTime của iPhone hoặc Google Talk của các máy chạy Android. Nhưng giờ đây, mọi chuyện sẽ thay đổi, khi Microsoft có trong tay Skype - công cụ chat voice và video tốt nhất.
 
Đương nhiên, cả iOS và Android đã đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ Skype. Vì vậy cuộc đua này sẽ rất thú vị (Microsoft cam kết không loại bỏ Skype trên các nền tảng máy khác).
 
Skype đã được sử dụng hơn 6 năm nay và đã có lực lượng người sử dụng cực kì đông đảo (660 triệu người), vì thế rất khó để Microsoft ngăn cấm các nền tảng di động khác hỗ trợ Skype” trích blog công nghệ GigaOM. “Nhưng chắc chắn, trong tương lai, những tính năng và dịch vụ quan trọng mới của Skype sẽ được cung cấp độc quyền và trước hết trên các smartphone sử dụng Windows Phone 7”.
 
3. Cung cấp dịch vụ video conferencing
 
Một trong những lí do khiến Microsoft “khao khát” sở hữu Skype có thể là để tránh nó rơi vào tay 2 đối thủ: Google và Cisco (có lời đồn cả hai đều muốn mua lại Skype).
 

 
Trong lĩnh vực giao tiếp văn phòng, khi nhắc đến video conferencing (dịch vụ hỗ trợ cho các cuộc họp trực tuyến) hay teleconferencing, người ta sẽ nghĩ ngay đến Cisco.
 
Tuy nhiên, Microsoft đã thâm nhập lĩnh vực này bằng Lync và việc tích hợp các tính năng của Skype sẽ giúp phần mềm này tiến thêm một bước nữa trong việc thay thế Cisco đảm nhận các giao tiếp điện tử trong công sở.
 
Rất “tình cờ” là CEO Tony Bates của Skype (được Microsoft giữ nguyên vị trí) lại là một cựu nhân viên cao cấp của Cisco, cũng như nhiều thành viên trong đội ngũ Skype.
 
Gói phần mềm Microsoft Office 365 (gói office online của Microsoft và chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết trong thời gian tới) được dự đoán được phát hành trong vài tháng tới sẽ bao gồm cả Microsoft Lync.
 
4. Xuất hiện trên Facebook
 
Facebook cũng được đồn đại tham gia cuộc chạy đua để sở hữu Skype. Rất có thể, ông trùm mạng xã hội Mark Zuckerberg muốn có Skype để tích hợp thêm tính năng video chat vào công cụ Facebook Chat của mình.
 
Thứ ba vừa qua, chính Ballmer(CEO của Microsoft) đã đề cập “tính năng mạng xã hội” sẽ là một trong những ứng dụng Microsoft có thể xem xét phát triển với Skype.
 

 
Và nên nhớ, Microsoft cũng đã sở hữu một phần nhỏ của Facebook sau khi mua lượng cổ phần của Facebook trị giá 240 triệu Mỹ kim vào năm 2007. Hơn nữa, Microsoft và Facebook đang được cho là hai đối tác thân thiết (ít nhất là việc có cùng "kẻ thù" Google). Hiện Bing đang là công cụ tìm kiếm duy nhất có thể "lục lọi" thông tin trong Facebook.
 
Chắc hẳn, Microsoft chẳng dại gì không chia sẻ Skype với “anh bạn thân” Facebook của mình để hưởng lợi từ hơn 600 triệu người sử dụng của trang mạng xã hội này. Hiện tại, trên giao diện mặc định của Skype đã có nút Facebook.
 
5. Làm hồi sinh Hotmail
 
Nhờ những mối quan hệ chặt chẽ với các dịch vụ của Microsoft nên Hotmail vẫn đông đảo người sử dụng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, có lẽ phần lớn khách hàng không mấy ấn tượng với dịch vụ e-mail này. Trong 2 năm gần đây, Hotmail đã mất dần khách hàng cho đối thủ Gmail.
 

 
Mọi thứ rất có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt cho Hotmail nếu Microsoft tích hợp thành công tính năng Video chat chất lượng của Skype với công cụ thư điện tử này. Biết đâu, nhờ đó, nó sẽ có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của Google.
 
Tham khảo CNN
Xem thêm:

Microsoft