Lenovo ThinkPad X220T
Cấu hình: CPU Intel Core I7 2620M 2.7 GHz (Turbo Boost 3,4GHz, 4 MB L3 cache), 4 GB DDR3 (max 8 GB), GPU Intel HD Graphics 3000, 320GB 5400RPM HDD, Wifi 802.11 a/b/g/n, Bluetooth 3.0, màn hình 12,5 inch 16:9 1366 x 768 pixel cảm ứng đa điểm hoặc đa điểm + điện dung.
Có vẻ ngoài khá là cục mịch bởi cục pin lồi ra trông rất vô duyên, tuy nhiên Lenovo ThinkPad X220T lại có khả năng biến hình bằng cách xoay lật màn hình rất thú vị. Chiếc laptop này chạy tốt hầu hết các ứng dụng đồ hoạ xử lý dữ liệu bằng CPU, rất tiếc GPU tích hợp trên máy của Intel quá yếu ớt nên không thể chạy được những phần mềm chuyên dùng chip đồ hoạ.
Các thiết bị vào ra chính được trang bị trên Lenovo ThinkPad X220T là bàn phím, touchpad, màn hình đều rất tốt. Bàn phím gõ rất thích bởi các nút có khoảng cách và độ nảy hợp lý, touchpad rộng, nhám, nhạy, trackpoint tiện lợi.
Cần lưu ý rằng hãng Lenovo đưa ra 2 tuỳ chọn màn hình cho laptop này, một loại dùng trong nhà có lợi thế khi sử dụng được cảm ứng cả bằng tay lẫn bằng bút, một loại dùng ngoài trời với khả năng chống loá tốt hơn nhưng nếu muốn dùng cảm ứng trên màn hình thì bạn phải cầm bút. Chúng đều có độ sáng cũng như tương phản cao, sắc nét, góc nhìn rộng có điều màu sắc không được suất sắc cho lắm.
Cảm ứng của ThinkPad X220T 4298-2YG khá là mượt mà với độ trễ chỉ vào khoảng 0 – 1 giây, bạn có thể dễ dàng chọn các icon, khởi động chương trình, gõ bàn phím ảo… Bên cạnh đó, người sử dụng cũng có thể vẽ hình trực tiếp vào máy tính thông qua các phần mềm đồ hoạ như Photoshop hoặc ArtRage.
HP TouchSmart TM2 2151nr
Cấu hình: CPU Intel Core i5 470UM 1.33GHz (3MB L3 cache), 4 GB DDR3 (max 8 GB), 500GB 7200RPM HDD, GPU AMD Radeon HD 5450M, Wifi 802.11 b/g/n, màn hình 12,1 inch 1280 x 800 pixel công nghệ LED cảm ứng đa điểm + điện dung.
Cũng có khả năng biến hình từ laptop thành tablet bằng cách xoay lật màn hình như ThinkPad X220T 4298-2YG nhưng HP TouchSmart TM2 2151nr có phần trội hơn ở vẻ bề ngoài với lớp vỏ kim loại màu bạc có vân cùng kiểu dáng vuông thành sắc cạnh khá bắt mắt.
Cấu hình phần cứng của HP TouchSmart TM2 2151nr khiến cho laptop này khá đa dụng, bạn có thể dùng nó trong hầu hết mọi công việc từ học tập, chạy ứng dụng văn phòng, lập trình, đồ hoạ (hơi đuối khi render) tới giải trí, lướt web, xem phim, nghe nhạc, chơi game.
Màn hình 12,1 inch tích hợp cả cảm ứng đa điểm lẫn điện dung nên bạn có thể dùng cả ngón tay lẫn bút một cách dễ dàng mà cảm giác vẫn mượt mà. Tuy nhiên với độ phân giải cao nhất 1280 x 800 pixel, các icon trên win 7 có vẻ hơi bé nên khó có thể chọn chính xác bằng ngón tay được nên dùng bút thích hơn. Ngoài ra, màn hình này có độ sáng, độ nét, màu sắc, tương phản tốt nhưng góc nhìn hơi hẹp.
ASUS Eee PC T101MT – EU27 – BK
Cấu hình: CPU Intel ATOM N455 1.66GHz (512KB L2 cache), 1GB DDR2, GPU Intel GMA 3150, 250GB 5400RPM HDD, Wifi 802.11 b/g/n, màn hình 10,1 inch 1024 x 600 pixel cảm ứng đa điểm (cảm ứng chỉ hoạt động khi cài Windows 7 Home Premium hoặc phiên bản cao hơn).
Thuộc dòng netbook cấu hình thấp Eee PC của Asus, khó có thể trông đợi ở mặt hiệu năng của T101MT – EU27 – BK, với chiếc máy này bạn chỉ có thể lướt web, chạy các ứng dụng văn phòng nhẹ nhàng, giải trí đơn giản như nghe nhạc. Nói chung là không hơn gì một chiếc tablet ngoài việc có bàn phím vật lý.
Với trọng lượng chỉ 1,3kg và sự cơ động ở khả năng xoay gập màn hình, ASUS Eee PC T101MT – EU27 – BK là sự lựa chọn thay thế tablet khá hữu hiệu cho những ai cần bàn phím cứng trong những một số tình huống cụ thể như sinh viên dùng ghi bài trên lớp, doanh nhân cần thảo hợp đồng… Khi không cần bàn phím vật lý, bạn có thể gập máy lại và sử dụng cảm ứng điện dung mượt mà trên màn hình 10,1 inch của laptop này.
Dell Inspiron DUO
Cấu hình: CPU Intel Atom N550 1.50 GHz (1MB L2 cache), 2 GB DDR3, GPU Intel Graphics Media Accelerator (GMA) 3150, 250GB 5400RPM HDD, Wifi 802.11 b/g/n, kết nối 3G, Bluetooth v3.0, màn hình 10.1 inch 1366 x 768 pixels cảm ứng điện dung.
Nhìn chung thì Dell Inspiron DUO không khác mấy so với ASUS Eee PC T101MT – EU27 – BK về tính năng và mục đích sử dụng. Chiếc máy này hơn đối thủ đến từ ASUS ở chỗ cấu hình cao hơn đôi chút cho phép chạy ứng dụng mượt mà hơn và kết nối 3G tiện lợi, chủ sở hữu có thể sử dụng internet ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng cũng bất tiện hơn nếu dùng thuần cảm ứng ở dạng tablet bởi độ phân giải cao hơn, các icon trên window 7 khá bé, khó mà chạm chuẩn được.
Ngoài ra, Dell Inspiron DUO có lớp vỏ cao su chống trượt khi cầm, cách xoay lật màn hình khá độc đáo, khớp quay cứng cáp, chắc chắn, bàn phím chiclet đẹp gõ khá sướng.
Acer Iconia – 6120
Cấu hình: Intel Core i5 480M 2.66GHz (3MB L3 cache), 4GB DDR3, 640GB 5400RPM HDD, GPU Intel HD Graphics 3000, Wifi 802.11 b/g/n, 2 màn hình 14 inch 1366 x 768 pixels, cả hai đều được trang bị công nghệ cảm ứng đa điểm Gorilla Glass.
Cấu hình của Acer Iconia – 6120 thuộc dạng khá, bạn có thể chạy được hầu hết các ứng dụng thường dùng trong công việc vẽ vời như Photoshop, ArtRage, AutoCAD… tuy nhiên render thì sẽ khá là mất thời gian.
Chiếc laptop này có thiết kế khá độc đáo, một màn hình sẽ đóng vai trò hiển thị như bình thường, màn hình còn lại rất đa năng, nó thay đổi theo ý muốn của người sử dụng, khi thì đóng vai trò như một chiếc bàn phím, lúc lại là giá vẽ, bạn cũng có thể dùng nó để chứa những tuỳ chọn điều khiển cho một chương trình cụ thể.
Mặc dù cảm ứng trên màn hình thứ hai của Acer Iconia – 6120 khá tốt, tuy nhiên khi dùng nó với vai trò như một bàn phím bạn sẽ thấy khá là khó chịu bởi nó không có cảm giác phím nên không thể nhận biết bằng xúc giác làm cho bạn không thể nào gõ nhanh được mà chỉ có thể dò dò từng chữ cái. Bù lại, laptop này đem lại sự tiện lợi cho người dùng khi vừa vẽ trên màn hình song song mặt bàn vừa check được thông tin hiển thị tại màn hình chính.