11 kỳ phùng địch thủ của Microsoft
Vi Dũng | 13/02/2011 0:00 AM
Từ trước đến giờ, Microsoft luôn phải đối đầu với số lượng đáng kể đối thủ luôn tìm cách phá rối và lấy đi thị phần của họ trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.
Từ trước đến giờ, Microsoft luôn có khá nhiều đối thủ luôn luôn tìm cách phá rối và lấy đi thị phần của họ trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề là chúng ta chẳng biết đâu mới là cái làm cho Steve Ballmer mất ăn mất ngủ. Apple? Google? Hay thậm chí là Linux?
Tập đoàn Microsoft có vẻ như luôn muốn thống lĩnh cả thị trường doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Bằng chứng là Windows cũng như Microsoft Office không hề thỏa mãn những quan chức ở Redmond (trụ sở Microsoft). Họ muốn vươn xa, xa, xa nữa. Và thế là lần lượt những cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, email, công cụ tìm kiếm, trình duyệt web, điện thoại và máy tính bảng, thậm chí là cả trò chơi điện tử được gắn mác Microsoft nối đuôi nhau ra đời.
Một điều tất yếu là khi dính dáng đén càng nhiều lĩnh vực, thì số lượng đối thủ của họ cũng sẽ tăng theo. Đầu năm 2011 này, GenK.vn xin giới thiệu 11 công ty, 11 kỳ phùng địch thủ của tập đoàn khổng lồ Microsoft.
Apple
Trong các cuộc họp báo, Microsoft chĩa mũi dùi vào Google nhiều hơn Apple không có nghĩa là Apple “ít nguy hiểm” hơn đối với Microsoft. Thực tế là Apple đã thành công trong việc qua mặt hãng để trở thành tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới với số vốn điều lệ lớn hơn.
Điều này kể ra cũng dễ hiểu. Trong khi Microsoft từ lâu nay đã hạ gục hoàn toàn Apple trên lĩnh vực máy tính cá nhân với Windows, thì Steve Jobs và các cộng sự đã rất khôn ngoan chuyển hướng đầu tư chiến lược vào thị trường tiềm năng với những sản phẩm nổi tiếng như iPod, iPhone hay iPad. Trong khi 9/10 máy tính (cả để bàn lẫn xách tay) trên thế giới đang chạy Windows, thì Microsoft lại “còn khướt” mới đuổi kịp Apple ở thị trường điện thoại lẫn máy tính bảng. Thậm chí Zune của họ cũng đã thất bại về mọi mặt trước iPod của Apple. Windows Phone 7 cũng chẳng thể nào là một vật cản đủ sức ngăn bước "Quả táo".
Cuối cùng, Microsoft cũng nhận ra Windows 7 sẽ chẳng bao gờ là lựa chọn số 1 của người dùng máy tính bảng. Kết luận: Trừ phi những người sử dụng iPad muốn chạy Windows 7 trên chiếc máy của họ, còn lại khả năng bắt kịp Apple của Microsoft gần như là bằng không.
Google
Đây chính là tập đoàn công nghệ thứ hai “có nguy cơ” vượt mặt Microsoft, mặc dù xét về vốn điều lệ thì 232 tỉ USD của Microsoft vẫn cứ hơn 195 tỉ của Google. Nhưng nếu xét về thành tích đối đầu thì cả 2 phe đều ngang cơ, và thậm chí Google còn vượt trên Microsoft ở một số khía cạnh. Thử kể tên một số cuộc chiến “nho nhỏ” giữa hai kỳ phùng địch thủ này: Google vs Bing, Android vs Windows Phone 7, Gmail vs Hotmail, Windows Azure vs Google App Engine, Microsoft Office vs Google Apps, Internet Explorer vs Chrome, and Windows vs hệ điều hành sắp ra mắt Chrome OS…
Vấn đề đối với Microsoft là Google hoàn toàn có thể thâm nhập vào thị trường mới và độc chiếm chúng, giống như năm xưa Microsoft đã làm với Windows.
VMware
Nếu như iOS và Android của 2 tên tuổi kể trên phần nào làm lu mờ sự ảnh hưởng của Windows, thì VMware có lẽ đủ sức để gạt Windows Server ra khỏi thị phần hệ điều hành cho máy chủ. Được hậu thuẫn tài chính từ EMC và sở hữu nhiều cựu chuyên viên một thời dưới trướng Microsoft, VMware đã từng bị mang tiếng rằng công cụ quản lý của họ chỉ là một thứ ăn cắp từ Windows Server.
Quay lại vấn đề, hiện tại VMware có khoảng 190.000 khách hàng; và toàn bộ những công ty trong danh sách danh giá Fortune 100 đều là khách hàng của họ. Nhưng Microsoft có thể sẽ chiếm lợi thế hơn nhờ vào nền tảng ảo Hyper-V miễn phí của mình. Microsoft luôn thường trực ở hội thảo của VMware với mục đích câu kéo khách hàng, mặc dù sự thật chua chát là hầu hết những khách hàng của VMware đều đã từng là khách hàng của Windows. Chốt lại vấn đề, để vượt lên trên Microsoft, tất cả những gì VMware phải làm đó là hạ giá thành đi một chút.
Red Hat
Microsoft từ rất lâu đã không còn mấy quan tâm đến những phần mềm mã nguồn mở, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ bỏ qua Linux. Thực tế cho thấy người khổng lồ ở Redmond ghét cay ghét đắng chú cánh cụt, thậm chí 1 thập kỷ trước, Steve Balmer đã nói Linux “là một căn bệnh ung thư” trong giới công nghệ. Đến năm 2007, Microsoft cáo buộc Linux đã ăn cắp 235 bằng phát minh của mình.
Red Hat được coi như là công ty đi đầu trong lĩnh vực Linux, đến mức Microsoft hiện tại phải có một trang web so sánh giữa Windows Server và Red Hat Linux “How can '"free" be this expensive?” (Làm thế nào một phần mềm mã nguồn mở miễn phí lại có thể đắt đến như thế?)
Red Hat đã kiếm ra 235,6 triệu USD chỉ trong quý vừa rồi. Điều đó cho thấy mặc dù vẫn còn rất khó, nhưng Red Hat hoàn toàn có khả năng hất cẳng Microsoft khỏi bộ phận người dùng khá lớn.
Oracle
Tại sao Oracle lại được đứng trong danh sách này? Đơn giản lắm, vì Steve Ballmer nói như vậy. Vị CEO của Microsoft đã liệt danh sách những đối thủ đáng gờm của họ, trong đó có Apple, Google, Vmware (đã nói ở trên), Oracle, và phần mềm mã nguồn mở nói chung.
Cơ sở dữ liệu là nguồn thu nhập chủ yếu của Oracle. Theo Gartner, trong năm 2009, họ đã kiếm ra 9 tỉ USD lợi nhuận, chiếm 48% thị phần. IBM đứng thứ 2 với 4,1 tỉ, và Microsoft đứng kế tiếp với 3,3 tỉ. Vì thế, Microsoft vẫn cứ muốn vin vào số liệu của IDC (Internet Data Corporation), khi nó chỉ ra SQL Server của Microsoft vẫn chiếm 41% thị phần, tính theo đơn vị được bán ra.
Không chỉ có vậy, Oracle còn đe dọa vị thế của Microsoft ở nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như việc mua lại Sun Microsystem cùng 2 sản phẩm nổi tiếng Java và OpenOffice đã khiến cho CEO Larry Ellison của Oracle có thể “một chọi một” với .NET framework và MS Office.
Amazon
Mặc dù Microsoft có thể “san bằng” những chướng ngại điện toán đám mây đến từ Force.com hay Google App Engine, nhưng họ vẫn phải đối diện với dịch vụ trực tuyến của Amazon “Amazon Web Services”, và nổi bật trong đó là dịch vụ vô cùng thành công “Elastic Compute Cloud”.
Trong khi Microsoft luôn luôn nghĩ rằng những công cụ phát triển sẽ thỏa mãn nhu cầu khách hàng hơn là truy nhập máy chủ ảo hay dịch vụ lưu trữ, thì tầm nhìn IaaS (infrastructure-as-a-service, dịch vụ cơ sở hạ tầng) của Amazon lại đang thắng thế. Theo lời của chuyên gia phân tích Richard Watson của Gartner, PaaS (Platform-as-a-service, dịch vụ nền tảng hệ thống) hiện tại khá yếu ớt khi so sánh với dịch vụ điện toán đám mây của Amazon. Trong năm 2010, lợi nhuận của dịch vụ PaaS mang tên Azure của Microsoft là 140 triệu USD, trong khi đó dịch vụ của Amazon mang về cho họ khoản lợi nhuận là 2,7 tỉ USD. Một trời một vực đúng không?
IBM
Một điều khá bất ngờ khi Gartner nói rằng Gmail chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số địa chỉ email của các công ty. Chúng ta đang nói đến nền tàng Lotus Notes của IBM, sự thật là họ chiếm thị phần lớn hơn Google rất nhiều trong lĩnh vực email doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp ở đây không phải là “nhỏ và vừa”, mà là những doanh nghiệp và tập đoàn lớn. Theo tập đoàn khảo sát Radicati, trong năm 2009, nền tảng Lotus của IBM là nền tảng của khoảng 156 triệu hòm thư điện tử, bằng phân nửa nền tảng của Microsoft cũng trong năm ấy. Dự đoán IBM sẽ “cuỗm trắng” thị phần của Microsoft trong tương lai được cho là khá khả thi.
Như đã đề cập ở trên, IBM thắng Microsoft ở khoản lợi nhuận mang về từ nền tảng cơ sở dữ liệu. Không chỉ có vậy, IBM và Microsoft cũng là hai địch thủ cứng đầu ở nhiều lĩnh vực khác.
Sony và Nintendo
Tất nhiên Sony và Nintendo cũng là 2 kỳ phùng địch thủ chứ cũng chẳng phải là bạn bè thân thiết gì; nhưng trong khuôn khổ bài viết này, trên lĩnh vực giải trí thì Microsoft phải e dè cả 2 gã kổng lồ mang quốc tịch Nhật Bản này.
Đội quân của Steve Ballmer đã không tiếc sức lực đầu tư phát triển hệ máy Xbox 360 và công cụ cảm biến chuyển động Kinect. Và ở mức độ nào đó, họ cũng thành công hơn Nintendo với hệ máy Wii và Sony với PlayStation Move, khi cho phép game thủ (hay cả gia đình) có thể chơi game bằng chính cơ thể của họ thay vì việc giữ 2 chiếc tay cầm và vung vẩy.
Chỉ trong 60 ngày, Microsoft đã bán ra được 8 triệu thiết bị Kinect. Tuy nhiên, néu tính tổng quan, 50 triệu máy Xbox 360 được bán ra vẫn chưa là gì so với 85 triệu máy Wii, trong khi Sony lúc nào cũng nhăm nhe thị phần của họ với 48 triệu máy PlayStation 3 đã được tẩu tán.
Research in Motion (RIM)
Trong khi Apple và Google cố gắng triệt hạ Microsoft ở nhiều chiến tuyến, thì RIM chỉ cần đánh vào một thị trường duy nhất: Điện thoại di động (smartphone và nay có thêm cả máy tính bảng). Cũng giống như "Quả Táo" hay Google, BlackBerry của RIM cũng vượt khá xa Windows Mobile 7. Trong khi Microsoft cố gắng dùng Windows Phone 7 để lấy lại thị phần những người sử dụng Android hay iPhone, thì RIM có thể yên chí vì việc đụng vào thị phần của họ hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng gì.
Trong quý 4 năm ngoái, theo Canalys, chỉ có 3,1% trong số những chiếc smartphone được bán ra dùng HĐH cũng như phần cứng Microsoft, trong khi RIM chiếm đến 14,4%, chỉ đứng sau Android, Nokia và Apple. Và nếu như RIM gặp rắc rối, thì đó chỉ có thể là do Android hay iOS.
Mozilla Corp.