10 năm Windows XP: Thành công biến thành "lời nguyền"

Thành Luân  | 28/10/2011 0:00 AM

Windows XP có thể coi là một trong những hệ điều hành thành công nhất, nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay cho dù đã được 10 năm tuổi.

Windows XP chính thứ được bán vào ngày 25 tháng 10 năm 2001, cách đây 10 năm. Cho dù Microsoft không còn phân phối hệ điều hành này nữa nhưng cái bóng của nó vẫn bao trùm ngành công nghiệp PC hiện nay, một lượng người dùng không nhỏ vẫn còn sử dụng XP.
 
Windows XP không đem lại nhiều tính năng nổi bật hay sự thay đổi quá lớn nào, nhưng nó lại ra đời đúng vào thời điểm then chốt trong lịch sử phát triển của Microsoft. Đây là hệ điều hành đầu tiên trong dòng Windows NT dành cho thị trường đại chúng. Và cũng là hệ điều hành đầu tiên hỗ trợ đầy đủ khả năng bảo vệ bộ nhớ, xử lý đa nhiệm, hỗ trợ chip đa nhân và bảo mật dành cho nhiều người dùng.
 
Sự chuyển giao lên hệ điều hành 32-bit là một quá trình rất lâu, khi Windows NT 3.1 ra mắt vào năm 1993, yêu cầu cấu hình và sự thiếu tương thích với các phần mềm khiến đây trở thành một hệ điều hành yếu kém. Windows 3.1 và 3.11 đều chỉ chứa một phần code 32-bit nhỏ, dòng Windows 95 lại lai giữa code 16-bit và 32-bit. Phải đến khi Windows XP xuất hiện thì dòng Windows NT mới tương thích đầy đủ, đa số các ứng dụng đều được cập nhật để hoạt động cùng với giao diện lập trình Win32 của Microsoft.
 
 

Trong lịch sử hệ điều hành máy tính, Windows XP xứng đáng có một chỗ đứng vững chắc. Ngay cả Windows 95 được coi là một hiện tượng cũng phải lui vào hậu trường trong năm 2005. Chưa từng có và có lẽ sẽ không bao giờ có một hệ điều hành nào tồn tại lâu được như XP. Đáng nói là hệ điều hành này đã thống trị thị trường trong một thời gian dài, đỉnh cao là cột mốc chiếm tới 80% người dùng máy tính.
 
Đây là một thành công rất ấn tượng bởi hệ điều hành này được quảng bá rất ít. Sau sự kiện ngày 11/9 tại Mỹ, sự ồn ào của các kênh truyền thông đã lấn át kế hoạch quảng cáo của Microsoft. Thay vì ra mắt hoành tráng, XP dường như chỉ lặng lẽ xuất hiện trên thị trường. Thị trường bán lẻ, vốn chưa bao giờ là cách chính để phân phối hệ điều hành thì phát triển rất chậm chạp, tốc độ bán ra chậm hơn rất nhiều so với Windows 98 3 năm về trước.
 
Chính XP cũng gặp phải  đối thủ sừng sỏ, những hệ điều hành khác của Microsoft. Windows 2000 ra mắt trước đó gần 2 năm được khen ngợi bởi khả năng tương thích bảo mật, hỗ trợ USB, plug-and-play, hỗ trợ nhiều driver và được giới kinh doanh đón nhận nồng nhiệt. Đối với người dùng Windows 2000, Windows XP giống như một phiên bản nâng cấp nhỉ với giao diện Luna theme đẹp mắt hơn, thanh Start mới và nhiều tính năng nhỏ như firewall, UPnP, System Restore và ClearType.
 
Những điều làm nên sự thành công của Windows XP
 
Đối với người dùng gia đình đã quen dùng Windows 95, Windows XP đem lại nhiều cải tiến hơn nhờ sự ổn định và bảo mật, đặc biệt là phiên bản Service Pack 2. Nhưng ngay cả khi phiên bản này ra đời, người dùng cũng chưa vội vàng nâng cấp lên hệ điều hành này. Yêu cầu cấu hình của Windows XP tuy chả là gì so với ngày nay, nhưng tại thời điểm đó vẫn khá cao và đôi khi các driver không thể hỗ trợ nổi. Điều này khiến các gamer đặc biệt khó chịu và chỉ trích Windows XP, nhiều người còn thề rằng sẽ quyết tâm gắn bó với Windows 98SE. Trong năm đầu tiên ra mắt Windows XP, Microsoft đã cố gắng thuyết phục người dùng quên đi Windows 95, bằng cách cho rằng nó đã lỗi thời.
 
 
Nhưng cuối cùng những khó khăn đó vẫn chẳng ảnh hưởng nhiều đến Windows XP. Thời gian chính là chìa khóa thành công của Windows XP. Máy tính nhanh hơn, khả năng hỗ trợ rộng rãi, các driver được cải thiện đáng kể. Từ chỗ là một gánh nặng cho các hệ thống thông thường, khiến người dùng phải đắn đo xem xét cấu hình và phần mềm của mình có tương thích hay không, cho tới việc được chấp nhận rộng rãi và được coi là sự lựa chọn tất yếu dành cho máy tính. Sự bùng nổ Internet và mối quan tâm đến vấn đề bảo mật tiếp tục khiến cho dòng Windows 95 dần bị lãng quên. Windows XP lúc đó trở thành sự lựa chọn duy nhất cho người dùng, và chỉ vài năm sau khi ra đời, các đối thủ như Windows 95, Windows 98, Windows NT 4 và Windows 2000 đều phải nhường sân chơi cho XP.
 
Chặng đường dài của Windows XP
 
Trong khi còn tung hoành, Windows XP được Microsoft không ngừng cải tiến. Service Pack 2 ra mắt vào năm 2004 là một quá trình đại tu dành cho XP. Phiên bản này được nâng cấp để dễ dàng điều khiển các hệ thống máy tính mới nhất, tăng cường hỗ trợ Wifi và Bluetooth, và vấn đề bảo mật được chăm chút kỹ càng. Firewall được bật mặc định, Internet Explorer 6 có thêm thanh pop-up chặn quảng cáo và tính năng bảo mật ActiveX, Data Execution Protection giúp hệ thống hoạt động ổn định hơn.
 
Ngoài ra Microsoft cũng đã cho ra nhiều phiên bản khác của hệ điều hành này. Hai cái tên nổi bật nhất là Windows XP Media Center Edition và Windows XP Tablet Edition, nhằm giúp Windows tiến sâu hơn vào thị trường mới – TV kết nối với máy tính gia đình và tablet dùng bút. Tuy nhiên cả 2 đều không mấy thành công về mặt thương mại, rồi tới khi Vista ra đời, những tính năng này được bổ sung vào một sản phẩm duy nhất chứ không còn tách thành các phiên bản hệ điều hành khác như trên XP.
 
 
Ngay cả Vista cũng không thể làm gì nổi Windows XP.
 
Nhưng cũng có thể nói sự thành công của Windows XP cũng một phần bởi chẳng có hệ điều hành nào đủ mạnh để đánh bại nó. Longhorn, một dự án đầy tham vọng của Microsoft với kế hoạch chỉnh sửa lại toàn bộ Windows với những giao diện lập trình và cơ sở dữ liệu mới, đã bị hoãn lại và sau này chính thức bị gạch tên. Windows Vista ra mắt năm 2006 tuy có nhiều cải tiến đáng kể nhưng tại thời điểm đó Windows XP đang thống trị thị trường, người dùng lúc này không mong muốn một hệ điều hành khác. Vista lúc đó vẫn còn gặp nhiều vấn đề như yêu cầu cấu hình cao, driver màn hình và nhiều lỗi nhỏ nhặt khác càng khiến người dùng cần XP hơn. Người dùng doanh nghiệp bị mắc kẹt với Windows XP trong khi Vista không thể tìm cách vượt qua đối thủ của mình. Cho tới những ngày Windows 7 chuẩn bị ra mắt, Windows Vista chỉ chiếm khoảng 19% thị trường.
 
Nếu như Longhorn thành công và Vista ra đời sớm hơn, có lẽ  Windows XP đã không thể thành công đến như vậy. Windows 7 sau này được chấp nhận rộng rãi và nếu may mắn thì có thể chiếm được 50% thị trường trước khi Windows 8 chính thức ra mắt. Với kế hoạch cứ mỗi 2 hoặc 3 năm là cho ra hệ điều hành mới, các hệ điều hành cũ sẽ không có đủ thời gian vươn lên thống trị thị trường.
 
Cho dù ra đời đã lâu, nhưng về cơ bản Windows XP vẫn còn hoạt động tốt. Không kể đến sự thành công và vòng đời rất dài, việc XP cho tới ngày nay vẫn có thể được sử dụng đã là quá ấn tượng. Windows XP đủ mạnh, đủ tính năng, đủ hiện đại để giúp nó sống được cho tới ngày hôm nay. Nó không chỉ là hệ điều hành đầu tiên (và có thể sẽ là duy nhất) sống sót sau 10 năm mà còn mạnh đến mức 10 năm sau vẫn còn dùng tốt. Windows 98 không bảo mật và ổn định bằng, Windows 2000 không đủ bảo mật và dễ dùng, Mac OS X 10.1 về hiệu năng, sự đa dạng của các giao diện lập trình và hỗ trợ phần cứng vẫn còn thua kém nhiều.
 
Mặt trái của sống lâu
 
Trong cả một thập kỷ, người dùng doanh nghiệp tỏ ra hài lòng với Windows XP, tuy nhiên dòng đời quá dài và sự thống trị của nó cũng có mặt trái. Windows XP giờ đây là một hệ điều hành già cỗi và không thể đủ sức theo kịp sự phát triển của công nghệ. Cài đặt XP vào một hệ thống có RAID hay SATA hoặc không có ổ đĩa quang học là một sai lầm. Cho dù Service Pack 2 là một bước nhảy vọt về bảo mật nhưng vẫn còn kém xa so với Vista và Windows 7. Công nghệ mà XP dùng đã quá hạn sử dụng, Windows 7 và Mac OS X đều sử dụng khả năng xử lý 3D của card đồ họa để hỗ trợ giao diện trong khi XP không thể. Windows XP cũng thiếu phiên bản 64-bit, cho dù phiên bản dành cho bộ xử lý x86-64 đã ra mắt nhưng đây chỉ là bản chỉnh sửa của Windows Server 2003, một hệ điều hành vốn gặp nhiều vấn đề về tương thích.
 
Những hệ điều hành Windows mới cũng hỗ trợ các nhà phát triển tốt hơn. Ví dụ như Direct3D 10 chỉ hỗ trợ Windows Vista và Windows 7. Việc hệ điều hành XP vẫn còn được sử dụng rộng rãi khiến các nhà phát triển gặp khó khăn trong việc viết tính năng mới, bởi mỗi khi ra mắt một sản phẩm mới họ phải chấp nhận một khả năng là có đến phân nửa người dùng không thể sử dụng nó.
 
 
Windows 7 đủ sức thay thế Windows XP.
 
Với những xu hướng phát triển này, Windows 7 sẽ hoàn toàn lấn lướt XP trong năm tới, nhiều người dùng doanh nghiệp sẽ từ bỏ hệ điều hành này. Những công ty và chính phủ cũng sẽ loại bỏ XP để dễ dàng nâng cấp phần cứng, chính khả năng bảo mật lỗi thời và thiếu hỗ trợ công nghệ cao cấp của XP đã trở thành gánh nặng. Windows 7 có thể đáp ứng những đòi hỏi trên và chứng tỏ nó vượt trội hơn Vista.
 
Tuy nhiên sẽ phải mất vài năm nữa thì các nhà phát triển phần mềm mới có thể quên được XP. Hệ điều hành này sẽ được hỗ trợ cho đến ngày mùng 8 tháng 4 năm 2014, và cho đến lúc đó thì vẫn còn nhiều nơi tiếp tục sử dụng XP.
 
10 năm là một quãng đời dài dành cho một hệ điều hành, nhưng đã tới lúc nó phải nhường lại thị phần của mình. Windows 7 chắc chắn sẽ thay thế tốt vai trò của Windows XP bởi nó hoạt động tốt hơn và tương thích với các phần cứng và phần mềm hiện nay. Được người dùng ưu ái trong 10 năm là cả một thành công quá lớn, nhưng nếu quá tham quyền thì sẽ dẫn đến những hệ quả xấu và khiến cho các nhà phát triển phần mềm gặp nhiều khó khăn. Có nhiều yếu tố khiến cho Windows XP trở thành một hệ điều hành độc nhất vô nhị trên thị trường: Sự chuyển giao lên 32-bit, Longhorn thất bại, Mac OS X không đủ tính cạnh tranh. Và chúng ta nên mong rằng điều này đừng bao giờ xảy ra thêm lần nữa, Windows XP là hệ điều hành sống tốt qua 10 năm, và cũng chỉ nên là hệ điều hành duy nhất làm được điều này.
 
Tham khảo Arstechnica