10 chiếc máy tính thay đổi cả thế giới

Thành Luân  | 03/10/2011 0:00 AM

Trải qua 30 năm phát triển không ngừng, máy tính cá nhân đã đạt được rất nhiều thành công rực rỡ và trở thành một phần không thể thiếu của thế giới công nghệ.

30 năm về trước, IBM cho ra mẫu máy tính 5150, đánh mốc khai phá ra máy tính cá nhân ngày nay. Thị trường sản xuất máy tính ngày càng mở rộng và đòi hỏi những hãng sản xuất liên tục phải cải tiến chất lượng, mẫu mã cùng với những ý tưởng đột phá.
 
Cho dù khó khăn, vô số công ty đã gia nhập cuộc chơi chế tạo máy tính cá nhân và tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong những thập kỷ qua. Dưới đây là tập hợp những chiếc máy tính cá nhân có đột phá mang tính cách mạng trong thế giới máy tính kể từ khi chiếc PC đầu tiên của IBM ra đời.
 
1981: PC đầu tiên của IBM
 
 
Nó phá vỡ mọi quan niệm về máy tính, từ khái niệm thiết bị cồng kềnh, xa xỉ đến chiếc máy tính cá nhân giá cả phù hợp và nhỏ nhắn.
 
1982: Franklin Ace 100
 
 
Chiếc máy tính này là khởi nguồn cho việc tranh chấp bản quyền phần mềm, nó có thiết kế giống với Apple II và cũng sử dụng hệ điều hành tương tự. Sau nhiều tranh cãi, quan tòa nghiêng về phía Apple và chính thức công nhận phần mềm máy tính có tính bản quyền.
 
1982: Commodore 64
 
 
Commodore là chiếc máy tính cá nhân nổi tiếng nhất so với những đối thủ cùng lứa. Từ năm 1982 đến 1993, gần 30 triệu chiếc Commodore được bán ra trên thế giới.
 
1982: ZX Spectrum
 
 
Spectrum là hiện tượng tại nước Anh, cũng giống như Commodore 64 tại Mỹ. Người dùng luôn thèm muốn sản phẩm này và rất nhiều công ty đã bắt tay phát triển phần mềm cho nó. Spectrum được nhào nặn dưới bàn tay của Clive Sinclair, người sau này được phong tước hiệp sĩ nhờ những đóng góp của ông cho nền kinh tế nước Anh. Đã có khoảng 5 triệu chiếc Spectrum được bán ra thị trường.
 
1983: IBM PC XT
 
 
Một bản nâng cấp của chiếc IBM PC nguyên thủy, XT được trang bị ổ cứng 10 MB, một dung lượng khổng lồ tại thời điểm đó. Và ngay lập tức chiếc máy tính này trở thành một tiêu chuẩn trong làng sản xuất máy tính cá nhân.
 
1983: Apple Lisa
 
 
Lisa là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên có giao diện tương tác bằng đồ họa. Tuy nhiên cái giá lên đến 10.000 USD là một rào cản lớn của Lisa đối với người dùng thông thường.
 
1984: Macintosh
 
 
Chiếc máy tính này là một phát kiến vĩ đại của Apple và 30 năm sau, con cháu của nó vẫn đang tung hoành khắp thế giới. Macintosh có giao diện tương tác đồ họa giống như Lisa, nhưng giá bán hợp lý hơn rất nhiều và bắt đầu lôi kéo được sự quan tâm của người dùng.
 
1990: NeXT Turbo Dimension Cube
 
 
NeXT là hãng sản xuất máy tính được Steve Jobs thành lập, sau khi ông bị chính công ty mình sáng lập là Apple sa thải. Điểm khác biệt lớn nhất của NeXT chính là người sử dụng nó, ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra thế giới World Wide Web.
 
1996: Deep Blue
 
 
Sau khi thất bại trong một trận đấu cờ vua với đại kiện tướng Garry Kasparov, các kỹ sư của IBM quyết tâm nâng cấp Deep Blue (tên của phiên bản nâng cấp này là Deeper Blue). Chiếc máy tính sau đó quay lại và đánh bại Kasparov vào năm 1997, trở thành minh chứng sống cho khả năng xử lý tuyệt vời của máy tính.
 
1998: iMac
 
 
Trước khi iMac xuất hiện, máy tính chỉ là những chiếc hộp xấu xí. Apple tiến một bước đột phá trong việc thiết kế máy tính cá nhân với những đường cong mềm mại và màu sắc bắt mắt.
 
2010: iPad
 
 
Thực ra iPad được coi là một thiết bị di động hơn là máy tính cá nhân. Nhưng nếu chúng ta nhìn xa hơn một chút về tương lai, máy tính cá nhân sẽ phát triển theo hướng nhỏ gọn, tiện lợi như iPad. Nói cách khác, iPad chính là hình mẫu của một chiếc máy tính cá nhân trong vài năm tới.
 
Tham khảo BusinessInsider