Mất 7 triệu mua PS4 rồi, chọn tivi nào chơi game là "sướng" nhất?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/10/2016 0:00 AM

Các yếu tố bạn cần quan tâm đối với TV khi chơi game console, mà đặc biệt là PS4 và Xbox One

Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu các bạn một số yếu tố cần quan tâm khi lựa chọn và sử dụng TV để kết hợp với các hệ máy chơi game console như PS4 hay Xbox One. Không như PC với những màn hình "chuyên chơi game", máy console thường được kết hợp với TV vốn được quảng bá nhờ khả năng trình chiếu phim hơn là chơi game.

Trước hết chúng ta cũng cần lưu ý là bạn vẫn có thể dùng màn hình máy tính để chơi game, tuy nhiên do các hệ máy console được tối ưu cho TV nên bạn sẽ không tận dụng được những tính năng nâng cao (đối với các dòng chuyên game) cũng như không cảm nhận được "độ sướng" khi chơi trên màn hình lớn. Loa tích hợp của TV cũng thường tốt hơn so với loa tích hợp trên màn hình máy tính, phù hợp với các bạn muốn tiết kiệm chi phí nhưng vẫn muốn một hệ thống giải trí toàn diện. Và dĩ nhiên, điểm cộng là bạn có thể xem luôn "TV trên TV".

Các yếu tố bạn cần quan tâm đối với TV khi chơi game console

Kích thước​

Việc lựa chọn kích thước TV tuỳ thuộc vào khoảng cách mà bạn xem, về cơ bản nó cần đáp ứng tiêu chí: "đủ lớn nhưng xem không bị rỗ". Bạn có thể tham khảo bài "Hướng dẫn chọn kích thước TV" để lựa chọn kích thước TV cho phù hợp với mình.

Tần số quét​

Trái với lầm tưởng của nhiều bạn, các hệ máy console hiện nay xuất tín hiện ở 50 Hz (hoặc 60 Hz tuỳ theo vùng), tương đương với 50 khung hình/giây (60 khung hình/giây). Tốc độ khung hình này cao hơn nhiều so với phim (24 khung hình/giây) và chương trình truyền hình (25-30 khung hình/giây), do đó bạn không cần phải tận dụng những tín năng nội suy khung hình để giúp cho chuyển động mượt hơn. Trên thực tế do bản chất của game là nội dung tương tác vốn khó dự đoán, bật những tính năng giúp hình ảnh mượt hay rõ nét có thể sẽ phản tác dụng khi xuất hiện những chi tiết thừa (đặc biệt là ở những dòng TV phổ thông giá rẻ). Trong khi đó do tốc độ khung hình bị giới hạn ở 50/60, các máy console cũng không thể tận dụng tần số quét cao của các dòng màn hình máy tính chuyên chơi game.

Nói một cách đơn giản, tần số quét của ngay cả các TV giá rẻ hiện nay (50/60 Hz) thực chất là đủ để đáp ứng yêu cầu chơi mượt các game console. Do đó bạn cũng không cần thiết phải cố lựa chọn những TV 100/120 Hz nếu chỉ dùng để chơi game. Dĩ nhiên, TV cao cấp có tần số quét cao sẽ còn những lợi thế khác mà mình sẽ giới thiệu bên dưới để bạn cân nhắc, nhưng tần số quét không phải là một trong số đó.

Độ phân giải

2 chiếc máy console phổ biến nhất hiện nay là PS4 và Xbox One đều dựng hình ở độ phân giải 1080p, vì vậy bạn thực chất chỉ cần TV độ phân giải FullHD là đủ. Ngay cả khi bạn lựa chọn xuất tín hiệu 4K@60Hz, thực chất bản thân máy console sẽ tự động nội suy (upscale) từ độ phân giải FullHD lên 4K rồi xuất ra TV, chất lượng dĩ nhiên là không thể bằng được độ phân giải 4K chuẩn. Được cái tín hiệu do bản thân máy console tự nội suy nên thường có độ chi tiết tốt hơn xuất tín hiệu 1080p để TV nội suy lên 4K.

Về cơ bản, nếu muốn tiết kiệm thì bạn có thể lựa chọn TV FullHD để chơi game PS4 và Xbox One. Tuy nhiên nếu có khả năng thì đầu tư lên hẳn TV 4K vào thời điểm này vẫn rất hợp lý, bởi phiên bản tiếp theo là PS4 Pro và Xbox Scorpio được giới thiệu là có khả năng dựng hình ở độ phân giải gốc 4K. PS4 Pro sẽ được bán ngay vào tháng 11 tới, còn Xbox Scopio thì là cuối năm sau.

Màu sắc ​

Điều thú vị là trong tất cả các yếu tố, yếu tố chủ quan nhất sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định giá chiếc TV mà bạn lựa chọn: màu sắc. Nói một cách đơn giản, các TV cao cấp sẽ có chất lượng hiển thị màu sắc tốt hơn các TV giá rẻ, đồng thời nó cũng quyết định chất lượng cuối cùng mà bạn trải nghiệm. Liệu bạn có hài lòng với màu sắc của TV hay không thì còn tuỳ vào cảm nhận của mỗi người. Một điều cũng cần đề cập là hình ảnh của game thiên về hướng đồ hoạ 3D, vì vậy các TV bị chê "màu sắc loè loẹt" khi xem phim vẫn có thể là chiếc TV "màu sắc rực rỡ" khi chơi game.

Thiết lập TV để chơi game console​

Việc thiết lập TV để chơi game rất đơn giản: chuyển qua chế độ GAME (trò chơi) và tắt hết các hiệu ứng hình ảnh. Giải thích ra thì có hơi dài, bạn có thể tìm hiểu ở bên dưới.

Vì sao nên tắt hết các hiệu ứng cải thiện hình ảnh khi chơi game

Một thông số mà gần như không mà sản xuất TV nào công bố đó là độ trễ tín hiệu (input lag), nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác mượt của bạn khi chơi game. Về cơ bản, độ trễ tín hiệu thể hiện thời gian tính từ lúc TV nhận được tín hiệu hình ảnh cho đến lúc hình ảnh đó được thể hiện trên màn hình, càng thấp thì càng tốt. Đối với các màn hình chơi game, con số này có thể dao động trong khoảng vài chục ms (mili-giây) nhưng đối với TV thì trên dưới 100 ms là chuyện bình thường. Đối với phim ảnh thì độ trễ cao không ảnh hưởng gì bởi bạn thưởng thức một cách thụ động, trừ trường hợp bạn dùng hệ thống loa ngoài mà độ trễ cao quá thì hình tiếng có thể bị lệch. Tuy nhiên đối với nội dung tương tác như game, độ trễ tín hiệu cao sẽ khiến bạn cảm thấy những thao tác của mình không phản hồi nhanh, rất khó chịu.

Sở dĩ độ trễ tín hiệu trên TV cao là bởi vì nó luôn được tích hợp rất nhiều công nghệ cải thiện chất lượng hình ảnh. Đó là lý do mà cùng một nguồn phát, hình ảnh trên TV luôn "lung linh" hơn là trên màn hình máy tính. Tuy nhiên cái giá của điều này chính là việc TV cần thời gian xử lý nhiều, dẫn đến hình ảnh hiển thị trên màn hình bị trễ. Bạn càng bật nhiều hiệu ứng thì độ trễ sẽ càng cao, dẫn đến cảm giác không mượt khi chơi game.

Vì vậy để có được trải nghiệm mượt mà nhất, bạn nên tắt hết tất cả các hiệu ứng cải thiện chất lượng hình ảnh và chuyển qua chế độ GAME. Đối với một số dòng TV cao cấp, chế độ GAME được thiết kế để giảm đến mức tối thiểu độ trễ tính hiệu. Và về cơ bản, các trò chơi trên PS4 và Xbox One thực chất được thiết kế để không quá đòi hỏi vào phản xạ đến mức tích tắc của người chơi.

Chẳng hạn như các trò chơi đấu võ đối kháng kiểu như Street Fighter V, mặc dù nổi tiếng với tốc độ đánh nhanh nhưng thực tế thì nó chú trọng vào cách bạn nối chiêu hơn, bấm nút như điên thì cũng không ra chiêu nhanh hơn được. Hay các trò kiểu Bloodborne áp dụng cơ chế "khung hình bất tử" kéo dài khoảng vài khung hình (vài trăm ms) khi né đòn để tránh quá phụ thuộc vào phản xạ khi chiến đấu.

Chúc các bạn vui vẻ!

(Tham khảo Tinh Tế)