Phụ nữ mới | 22/08/2023 11:16 AM
Sau The Glory (Vinh Quang Trong Thù Hận), Netflix Hàn tiếp tục cho ra mắt mộ bộ phim thriller lấy nhân vật nữ làm trung tâm câu chuyện là Mask Girl (Cô Gái Mang Mặt Nạ). So với The Glory, Mask Girl thậm chí còn nặng đô hơn, đề tài và cách khai thác, triển khai câu chuyện cũng rất độc đáo, thú vị. Hiện phim đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người xem, đứng top 1 Netflix nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Mask Girl được chuyển thể từ một tác phẩm webtoon xếp vào hàng kinh điển của Hàn Quốc, xoay quanh cuộc đời một cô gái bất bình thường. Mo Mi (Lee Han Byeol) thích nhảy múa, ca hát, trở thành tâm điểm của đám đông và hơn nữa là thích được yêu mến. Tuy nhiên vì ngoại hình không đẹp, lớn lên trong những lời chê bai từ mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là cả những người không quen biết đã làm cho Mo Mi tự tin trở nên khép mình. Cô quyết định quay trở lại sống cuộc đời bình thường, làm một nhân viên công sở bình thường. Thế nhưng việc lớn lên với những bất ổn về tâm lý đã khiến Mo Mi không thể bình thường được nữa, cô ta thích cấp trên đã có vợ, khao khát nổi tiếng nên đã ăn mặc hở hang, đeo mặt nạ lên sóng livestream, nghe những lời tung hô trên mạng ảo.
Những biến cố xảy đến, những sinh mạng lìa đời và Mo Mi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, sống trốn chui trốn lủi cùng thân phận mới, có được nhan sắc, sự tung hô nhưng đến khi bị ốm lại chẳng dám tới bệnh viện, sợ rồi thân phận sẽ bại lộ. Chuỗi những bi kịch liên tục nối dài mà xuất phát điểm vẫn đến từ vấn đề ngoại hình. Sau liên tiếp những lần để bàn tay nhuốm máu, Mo Mi lại nhận ra bản thân mang bầu, rất có thể lại là một đứa trẻ không xinh đẹp. Nhưng Mo Mi hứa, dù có chuyện gì xảy ra, cô cũng nuôi lớn nó, nói với nó rằng nó rất xinh đẹp, bởi từ nhỏ, cô chưa từng được nghe điều này từ mẹ. Nhưng đó chỉ là ước mơ mãi mãi dang dở trong cuộc đời Mo Mi.
Xuyên suốt hành trình Mask Girl, không chỉ mình Mo Mi với chiếc mặt nạ thật mà rất nhiều những nhân vật khác cũng trang bị cho mình một chiếc mặt nạ vô hình bởi quá nhiều thành kiến trong xã hội. Mo Mi là phạm nhân nhưng cũng là nạn nhân, khi cô lớn lên trong quá nhiều sự miệt thị, ngay cả mẹ cũng chưa từng nhẹ nhàng với cô. Phim cho thấy hậu quả việc tổn thương tâm lý sẽ khiến con người ta trở nên lệch lạc, méo mó tới nhường nào. Cô bạn thân của Mo Mi - Kim Chun Ae - cũng vậy.
Cô không xinh đẹp nên luôn tự khép mình với thế giới, không thể tìm thấy tiếng nói với bất cứ ai. Chính bởi vậy, chỉ một sự quan tâm nhẹ nhàng từ một anh chàng điển trai cũng có thể khiến Chun Ae rung động. Sự tổn thương tâm lý đã hình thành nên một Chun Ae dễ bi lụy, dễ bị lừa gạt, lợi dụng. Bởi vậy, nhiều năm sau, khi đã trở nên xinh đẹp và gặp lại kẻ từng coi mình như một chiếc "ngân hàng", Chun Ae vẫn không thể dứt tình, cô là đưa gã về chăm sóc, yêu thương như chưa từng có chuyện gì xảy ra, điều này mở ra bi kịch lớn nhất trong cuộc đời cô.
Joo Oh Nam - là con trai - nhưng cũng chẳng tránh khỏi việc bị miệt thị về ngoại hình. Thậm chí vì là con trai, vừa xấu vừa lùn, nên anh còn bị đánh đập và cô lập một cách đáng sợ hơn. Cách duy nhất để Oh Nam sống là tự biến mình trở nên vô hình trong mắt tất cả mọi người, để không ai quan tâm, không ai phải chướng mắt vì anh. So với Chun Ae hay Mo Mi, Oh Nam thực sự méo mó về nhân cách và thế giới quan. Cuộc sống địa ngục của anh được chấm phá thêm những nét màu u ám, khi mà mẹ anh, bà Kim Kyung Ja thay vì đồng hành và thấu hiểu cho con, thì lại nhồi nhét vào đầu con và rất nhiều những người xung quanh một hệ tư tưởng. Rằng Oh Nam là một chàng trai hoàn hảo, đẹp trai, học giỏi, từ bỏ trường Y chỉ vì sợ máu, có rất nhiều phụ nữ vây quanh,... Oh Nam không cần những lời tung hô đó, anh khao khát có người kéo anh ra khỏi thế giới của riêng mình, nhưng chẳng một ai cả.
Mỗi nhân vật trong Mask Girl đều có một tập phim riêng, những câu chuyện, khúc mắc riêng và không ai trong số họ là người tốt hay xấu hoàn toàn. Cuộc đời của họ, tất thảy đều gói gọn trong chữ bi kịch, họ giãy dụa trong thứ bi kịch đó, khao khát, mệt mỏi và ngạt thở. Kỳ thị ngoại hình, nền tảng giáo dục từ gia đình, bạo lực học đường, kỳ vọng từ xã hội, yêu đương "bệnh hoạn", sự đáng sợ của mạng xã hội,... quá nhiều vấn nạn trong xã hội được gói gọn trong 7 tập phim. Dĩ nhiên đó chỉ là một phần căn nguyên dẫn dắt tới bi kịch, còn sự lựa chọn vẫn tùy thuộc ở mỗi nhân vật, đáng tiếc, quá nhiều nhân vật ở Mask Girl lại chọn cách để bản thân "nhúng chàm".
Phải dành một tràng pháo tay dài cho tác giả webtoon và biên kịch Mask Girl khi thành công xây dựng những nhân vật rất thú vị, cài cắm quá nhiều câu chuyện về hiện thực cuộc sống vào nội dung phim, từ đó mang tới cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ. Cái kết của phim không bất ngờ, thậm chí còn gây ra cảm giác chưng hửng so với tổng thể quá nhiều cú twist trải dài suốt tác phẩm, nhưng lại là một cái kết thỏa đáng cho tất cả những người vừa là phạm nhân vừa là nạn nhân trong cuộc đời của họ. Sau mộ hành trình gặm nhấm chính cuộc đời tàn tạ của mình thì có lẽ đó là kết thúc thỏa đáng nhất.
Như đã nói ở trên, Mask Girl kể về một cô gái đeo mặt nạ thật nhưng những nhân vật khác cũng có mặt nạ của riêng họ. Và mỗi tập phim sẽ đứng trên góc nhìn của chính nhân vật ấy. Từ Mo Mi đến Chun Ae, Joo Oh Nam hay thậm chí là Mi Mo (con gái của Mo Mi), tất cả đều có những tập phim riêng và khán giả được chứng kiến câu chuyện thông qua góc nhìn của những nhân vật đó. Lối kể chuyện mới mẻ này mang đến cho khán giả nhiều trải nghiệm hơn sau 7 tập phim, từ đó, các thông điệp xoay các nhân vật cũng được khắc họa một cách rõ nét hơn.
Không thể phủ nhận sự độc đáo, thú vị của lối kể chuyện này, nó là điểm cộng thế nhưng lại cũng là điểm trừ của phim. Chính việc kể chuyện thông qua góc nhìn của nhiều nhân vật dẫn tới việc nhịp phim đôi lúc khá chậm, thậm chí là tạo cảm giác dài dòng, dù phim chỉ gói gọn trong 7 tập. Như ở tập 3 - 4, người xem mất kiên nhẫn khi phải chờ đợi quá lâu cho việc quan sát bộ phim dưới góc nhìn một nhân vật phụ và phải mất quá lâu mới thấy được sự xuất hiện của nữ chính Mo Mi (Nana đảm nhận). Thêm vào đó, việc thay đổi ba vai diễn cho ba giai đoạn của nhân vật là cần thiết nhưng cũng phần nào làm ảnh hưởng đến trải nghiệm liền mạch của khán giả.
Cảm giác mà Mask Girl mang lại cho khán giả có thể gói gọn trong cụm từ “mãn nhãn”. Hình ảnh, cách sắp xếp bố cục, bối cảnh phim, tạo hình của các nhân vật hay thậm chí là cả tập phim sử dụng tông đen trắng, tất cả đều tạo cho người xem cảm giác đây là một tác phẩm điện ảnh nối dài chứ không còn là phim truyền hình. Sau Kill Boksoon thì Netflix Hàn tiếp tục có thêm cho khán giả một bộ phim với phần nhìn đậm chất nghệ thuật, dù nội dung lại về giết chóc, báo thù, lừa lọc. Ngay cả những cảnh phim nặng đô, khi các nhân vật để bàn tay nhúng máu cũng được đánh giá cao về mặt hình ảnh. Thậm chí với nhiều khán giả, phần hình ảnh phim còn gợi nhắc đến những tác phẩm của các nhà làm phim lão làng, như Park Chan Wook, Lee Chang Dong hay Bong Joon Ho.
Kết hợp với phần hình ảnh, âm thanh “đánh thức giác quan” của người xem là diễn xuất không có bất cứ điểm nào để chê của dàn diễn viên. Cả ba diễn viên đóng vai Mo Mi là Lee Han Byeol - Nana - Go Hyun Jung đều thể hiện xuất sắc nhân vật của mình. Đặc biệt, Lee Han Byeol là một mảng màu mới rất thú vị, một “phát hiện” mới của đạo diễn Kim Yong Hoon mà lẽ ra với năng lực của mình, cô nên được chú ý từ lâu. Yeom Hye Ran sau thành công từ The Glory thì tiếp tục trở thành gương mặt thân quen của Netflix. Lần này tiếp tục là một vai diễn đầy điên cuồng, một người phụ nữ có thể làm mọi thứ vì con. Những diễn viên khác như Ahn Jae Hong, Choi Daniel, Moon Sook hay cả cô bé Shin Ye Seo đều khiến người xem choáng ngợp với màn thể hiện của mình.
Điều làm nên sự khác biệt của Mask Girl? Đó có lẽ là sự độc đáo điên rồ. Đây không phải là một bộ phim giải trí đơn thuần, thậm chí nó còn không dành cho số đông. Nó giống như sự pha trộn giữa đen tối, gai góc và rất nhiều twist, làm thổi phồng tâm trí của người xem đến tận giây phút cuối cùng. Một tác phẩm thực sự đáng xem!
Nguồn ảnh: Netflix