Mangaka, những người đứng sau thành công của nền anime Nhật Bản

Mặt Trứng  - Theo Helino | 30/05/2018 10:05 AM

Bạn có biết rằng, phần lớn các bộ anime của Nhật Bản đều gắn liền với những tựa manga nổi tiếng ở đất nước này. Không khó để kể ra những cái tên nổi tiếng như Dragon Ball, Naruto hay One Piece đâu nhỉ.

Thậm chí, theo thống kê, có tới 30% các ấn phẩm bán ra mỗi ngày tại Nhật là manga (hoặc tạp chí manga). Không quá khi nói rằng đây là một ngành công nghiệp đặc thù mà chỉ riêng đất nước mặt trời mọc này sở hữu, với 420 tỷ yên (khoảng 5.5 tỷ USD) và có xu hướng còn tăng lên trong những năm sắp tới. Các tác phẩm này được đông đảo người Nhật mến mộ, từ trẻ em, người lớn ở mọi lúc, mọi nơi thông qua rất nhiều hình thức, và bài viết sau đây sẽ đề cập tới những mangaka – các tác giả luôn được coi là xương sống của nền công nghiệp manga tại Nhật Bản.


Đa phần các anime đều có nguồn gốc từ các manga nổi tiếng

Đa phần các anime đều có nguồn gốc từ các manga nổi tiếng

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy, mangaka là người chịu trách nhiệm chính cho sự thành công hoặc thất bại của một tác phẩm manga. Họ liên quan tới mọi thứ về sáng tạo, từ tiêu đề, nội dung cho tới những bản vẽ thực tế. Điều này khác hoàn toàn với những người đồng nghiệp bên Mỹ, khi tại đây, người viết sẽ chịu trách nhiệm về kịch bản, họa sĩ sẽ chỉ khắc họa câu chuyện thông qua các bản vẽ. Còn tại Nhật, mangaka là người chịu trách nhiệm chung cho tới khi các tác phẩm manga được chuyển thể tới phòng in.

Ở đây, các mangaka đôi khi không thể đảm đương được hết khối lượng công việc quá nhiều, và đó là lý do mà họ cần thuê thêm các trợ lý đắc lực, nhưng bản thảo cuối cùng vẫn là phần việc của các mangaka. Vậy nhưng, cũng đừng nên bỏ qua vai trò của các trợ lý, khi đây được coi là bước đầu tiên cho tất cả mọi người có ước mơ trở thành mangaka, và hầu hết các mangaka nổi tiếng cũng đều từng có thời gian dài đảm nhiệm vai trò trợ lý đấy.


Các mangaka thường làm việc liên tục không nghỉ và tương đối stress

Các mangaka thường làm việc liên tục không nghỉ và tương đối stress

Hầu hết các tựa game manga đều được xuất bản trong các ấn phẩm manga hàng tháng hoặc hàng tuần. Và cũng chính vì như vậy, phần khó nhất trong công việc của một mangaka chính là theo kịp thời hạn đã được ấn định từ trước. Trong một ngành công nghiệp manga đang phát triển và cạnh tranh như hiện tại, mangaka bắt buộc phải theo kịp nếu muốn thành công. Đó là lý do tại sao các mangaka thường luôn rất bận rộn và gặp nhiều stress trong công việc. Akira Toriyama – người sáng tạo ra Dragon Ball từng nói rằng anh ta chỉ có thể ngủ khi chuyển sang tác phẩm Dr.Slump, còn đâu, với 7 viên ngọc rồng, thời gian đi vệ sinh còn rất hạn chế. Eiichirou Oda, tác giả của One Piece cũng chỉ được ngủ có 3 tiếng một ngày.

Mangaka là một nghề nghiêm túc và khá mệt mỏi, nhưng tiếc là số tiền mà họ được trả lại thường không tương xứng. Các trợ lý thường được mangaka thuê trực tiếp chứ không phải từ phía nhà xuất bản, và nhiều mangaka thậm chí còn không có tiền ăn vào cuối tháng sau khi thanh toán mọi chi phí liên quan tới các tác phẩm. Không phải cứ làm mangaka là giàu có, số ít đó chỉ rơi vào những người có tác phẩm nổi tiếng tới mức họ kiếm được tiền từ bản quyền và các ấn phẩm bán ra mà thôi. Đa phần các mangaka vẫn thường gắn bó với nghề chỉ vì đam mê cũng như hy vọng sẽ có ngày thành người nổi tiếng mà thôi. Hãy cứ nhìn gương của Hajime Isayama, người đã từ số không trở thành người nổi tiếng với Attack on Titan.


Nhưng một tác phẩm nổi tiếng có thể khiến mangaka đổi đời chỉ sau một đêm

Nhưng một tác phẩm nổi tiếng có thể khiến mangaka đổi đời chỉ sau một đêm

Bên cạnh đó, các mangaka cũng phải có mối quan hệ tốt với nhà xuất bản. Đa phần các ấn phẩm đều phải được gửi, chờ xét duyệt từ các biên tập viên. Và đó cũng là cơ hội quý giá cho những người mới vào nghề có thể nhận được những lời khuyên bổ ích. Nếu trình độ đủ tốt, các mangaka sẽ được chỉ định gắn bó với một biên tập viên, nhưng điều ấy cũng không thể đảm bảo sự thành công của bạn, khi số lượng mangaka bị thải hồi mỗi năm là tương đối lớn. Đó cũng là lý do mà khá nhiều nhà xuất bản thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác manga nhằm tìm các gương mặt mới mẻ cho nền công nghiệp này.