Truyện tranh Việt cần đổi mới nội dung, hình thức hơn nữa để đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm ngoại nhập (ảnh: THUẦN THƯ)
Áp lực cạnh tranh trước sản phẩm ngoại nhập
Có một thời gian, thị trường tràn ngập truyện tranh kiếm hiệp Trung Quốc và sau đó là những bộ truyện manga Nhật Bản. Thành công nhất trong truyện tranh ngoại nhập là “Doraemon” và “Thám tử lừng danh Conan” được NXB Kim Đồng ký hợp đồng tác quyền năm 1996 và 2000, đến thời điểm này vẫn đang “ăn nên làm ra”. Ngoài NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, Vàng Anh Comics… hay nhiều đơn vị phát hành khác, hàng năm cũng đưa về hàng chục đầu truyện tranh từ xứ sở hoa anh đào.
Nếu không kể đến những tác phẩm “lậu” in lén lút rồi tuồn ra thị trường hay sự bùng nổ của những website đọc truyện online, thì có thể thấy truyện tranh Việt khó lòng cạnh tranh được trước sự tấn công của những sản phẩm ngoại nhập.
Xưa nay, các truyện tranh trong nước vẫn nằm ngoài sự quan tâm của độc giả. Đơn giản bởi lẽ truyện tranh Việt phải gánh một trọng trách lớn, không mang tính chất giáo dục, giới thiệu văn hóa, lịch sử thì cũng “nặng” về triết lý. Trong khi đó, những tác phẩm mang tính giải trí, phản ánh tư tưởng, tình cảm của giới trẻ… thì lại không nhiều. Đó là chưa kể đến chi phí để in ấn, phát hành là rất lớn. Trên website Comicola - trang web quảng bá cho truyện tranh Việt Nam có bản quyền, để sản xuất ra một tác phẩm truyện tranh cần ít nhất 100 triệu đồng.
Nếu không nhờ mô hình “crowdfunding” - gây quỹ cộng đồng và sự ủng hộ của những người tâm huyết với truyện tranh thì những tác phẩm của những họa sỹ trẻ tâm huyết khó có thể được in. Trước sự cạnh tranh gắt gao từ tác phẩm nước ngoài, nhiều đơn vị xuất bản không dám mạnh dạn đầu tư vào một tác phẩm truyện tranh Việt Nam và đây là điều hết sức dễ hiểu.
Không chạy theo thị trường
Nói như vậy, không phải truyện tranh Việt hoàn toàn yếu thế trong cuộc đua với các tác phẩm ngoại nhập. Trước đây, Việt Nam có “Dũng sỹ Hesnan” của họa sỹ Hùng Lân từng được nhiều độc giả biết đến hay truyện tranh lịch sử có “Thần đồng Đất Việt”, “Cậu bé rồng”… cũng đủ làm nên hiện tượng của truyện tranh Việt Nam một thời. Nếu theo dự đoán năm 2015 được coi là thời điểm bùng phát truyện tranh Việt Nam thì đến nay, sự thành công của những “Long Thần tướng”, “Học viện bóng đá”, “Nhật ký Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”… đã cho thấy sự đi lên của dòng truyện này.
Điểm chung của những tác phẩm này đó là mỗi tác giả nói không với xu thế thị trường. Khánh Dương và Thành Phong - cha đẻ của bộ “Long Thần tướng” khẳng định sẽ trung thành với cốt truyện lịch sử nhằm xác lập chỗ đứng của truyện tranh thuần Việt, dù biết rằng đầu tư cho tác phẩm kén chọn độc giả như vậy cũng là một sự mạo hiểm. Còn Phan Kim Thanh - người đỡ đầu cho “Vàng Vàng” cho biết, chị vẫn sẽ theo đuổi con đường truyện tranh thời sự và sẵn sàng đứng ra bảo vệ tác phẩm của mình nếu gặp phải những phản ứng trái chiều.
Không phải ngẫu nhiên mà bộ truyện về chú mèo máy Doraemon hay “Thám tử lừng danh Conan” được tái bản nhiều lần, được người đọc khắp nơi trên thế giới ngưỡng mộ, chờ đón. Ngoài những nhân vật cá tính, đi vào lòng biết bao thế hệ, thì các tác giả biết khơi gợi được sự sáng tạo, tư duy và ước mơ của độc giả bằng cốt truyện giàu sáng tạo, khiến người đọc có thể đọc đi đọc lại mà không chán.
Điều các tác giả truyện tranh Việt Nam thiếu không phải là ý tưởng, mà là chiến lược dài hơi đủ sức lôi kéo độc giả. Có cốt truyện hay, có kịch bản chặt chẽ, có nhân vật đủ sức hấp dẫn là điều kiện cần. Nhưng người cầm bút cũng phải xây dựng được chiến lược dài hơi, để không hụt bước trong cuộc chạy đua với sức ép của thị trường, hiểu được nhu cầu của người đọc cũng là chìa khóa hết sức quan trọng.
(Theo Anninhthudo)