Truyện tranh Việt không phát triển được vì "cái tôi" quá lớn

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 01/08/2014 0:00 AM

Theo nhận định của nhiều độc giả thì nền công nghiệp truyện tranh Việt Nam hiện nay rất khó phát triển bởi cái tôi quá lớn của giới họa sĩ khiến cho khả năng hợp tác giữa họ với nhau gần như bằng không.

Truyện tranh Việt Nam tại sao lại không thể bứt lên được dù đã trải qua hàng chục năm phát triển? Câu hỏi này có lẽ là điều mà rất nhiều người trong giới họa sĩ cũng như những ai quan tâm đến nền truyện tranh nước nhà trăn trở bấy lâu nay nhưng vẫn chưa tìm được lời giải đáp hợp lý.

Họa sĩ Việt Nam chưa thực sự chọn lựa được những đề tài phù hợp với giới trẻ

Họa sĩ Việt Nam chưa thực sự chọn lựa được những đề tài phù hợp với giới trẻ

Trong một topic bàn luận về các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam, có khá nhiều ý kiến cho rằng việc làng truyện tranh Việt cứ mãi dậm chân tại chỗ là do các họa sĩ nước nhà có cái tôi quá lớn khiến họ khó có thể hợp tác với nhau hay thậm chí là tiếp thu ý kiến của người trong nghề, của độc giả để hoàn thiện tác phẩm của mình.

Nhận định trên thực sự cũng khá đúng với tình hình thực tế của làng truyện tranh Việt Nam hiện nay bởi rõ ràng xét về thực lực thì các họa sĩ trẻ của chúng ta không hề thiếu, có chăng chỉ là thiếu đi tinh thần học hỏi, tiếp thu ý kiến từ phía độc giả mà thôi. Đa phần họa sĩ trẻ mới bước vào nghề đều rất hăng hái và muốn làm được một tác phẩm để đời, mang ý nghĩa lớn lao, lý tưởng cao đẹp của riêng mình chứ ít khi để ý xem khán giả Việt Nam thích gì, cần gì.

Họa sĩ Việt Nam thường chỉ quan tâm mình muốn vẽ gì chứ chưa thực sự tìm hiểu xem độc giả muốn đọc gì.

Họa sĩ Việt Nam thường chỉ quan tâm mình muốn vẽ gì chứ chưa thực sự tìm hiểu xem độc giả muốn đọc gì.

Không những vậy, hầu hết họa sĩ truyện tranh hiện nay đều chọn hướng đi khá cổ điển đó là vẽ và giữ bí mật về tác phẩm của mình cho đến phút cuối để rồi tự xuất bản và thu tiền từ việc bán truyện tranh. Hướng đi này thực sự chỉ phù hợp ở những quốc gia nơi mà luật bảo vệ bản quyền được thực hiện một cách nghiêm túc, nơi mà khán giả chỉ có thể đọc truyện nếu họ chịu bỏ tiền ra mà thôi.

Còn ở Việt Nam, khi mà các trang truyện tranh Online đang ngày càng phát triển thì con đường Vẽ - Xuất Bản lại trở nên vô cùng chông gai. Bởi lẽ chỉ sau ngày đầu phát hành, chắc chắn sẽ có rất nhiều người "yêu mến" truyện tranh "tốt bụng" scan lại từng trang tác phẩm của bạn và phát tán chúng trên mạng cho mọi người cùng xem. Chưa kể đến việc người đọc đã quá quen với việc đọc truyện tranh miễn phí trên mạng nên dần nảy sinh tâm lý ngại mua truyện giấy để đọc hơn.

Phải chăng các họa sĩ trẻ nên chuyển hướng "xuất bản online"

Phải chăng các họa sĩ trẻ nên chuyển hướng "xuất bản online"

Trước đây, khi thực hiện bài phỏng vấn với cô nàng họa sĩ trẻ Wazza Pink, tác giả của bộ truyện tranh Bốn Người Con Gái, phóng viên của GameK đã nêu ra câu hỏi rằng liệu Wazza Pink có lo lắng rằng việc bán sách sẽ rất khó khăn bởi hầu như ai cũng từng đọc truyện của bạn trên mạng rồi hay không? Cô họa sĩ trẻ này cho rằng việc tung bộ truyện của mình lên mạng sẽ giúp khán giả hiểu rõ hơn về tác phẩm cũng như đưa tác phẩm tới gần hơn với độc giả, từ đó sẽ thu hút những người hâm mộ thực sự mua sách. Giống như One Piece, khán giả Việt Nam hầu như ai cũng đọc tác phẩm này trên mạng rồi nhưng tại sao họ vẫn chịu bỏ tiền ra mua truyện? Đơn giản là bởi vì độc giả yêu thích và mua chúng vì lòng hâm mộ của mình mà thôi.

Bốn Người Con Gái - Bộ truyện tranh giản dị đi theo phong cách mới

Bốn Người Con Gái - Bộ truyện tranh giản dị đi theo phong cách mới

Như vậy, phải chăng đã đến lúc các họa sĩ trẻ Việt Nam chúng ta cần bỏ qua cái tôi của mình, tạm gác lý tưởng của mình qua một bên để vẽ những tác phẩm bị coi là "thị trường" nhưng phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay. Bên cạnh đó, các họa sĩ trẻ cũng nên cân nhắc đến việc xuất bản online thay vì đi theo hướng xuất bản truyện tranh giấy truyền thống "mạo hiểm" tại thị trường Việt Nam.

 

>> Cậu Bé Cờ Lau - Phim hoạt hình 3D Việt bị chê vì quá... "xấu"