Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo?

PV  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 11/01/2014 11:01 AM

Không thể phủ nhận Đất Rồng là một trong những bộ truyện tranh Việt Nam có nét vẽ đẹp và chau chuốt, nhưng có lẽ nó thất bại trong việc chinh phục độc giả là vì quá chú trọng đến kỹ thuật vẽ mà quên mất các yếu tố khác.

Nếu theo dõi sát sao thị trường truyện tranh Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết hồi tháng 08 năm 2012, Dimensional Art Studio từng tiến hành xuất bản phiên bản giấy của truyện tranh Đất Rồng. Nhóm cũng khá tự tin vì bộ truyện này được nhiều lời khen ngợi trên một số kênh truyền thông (như Kenh14, VnSharing).


Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo? 1

Truyện tranh Đất Rồng.

 

Thất bại vì phô trương kỹ thuật vẽ

 

Thế nhưng trên thực tế, sau thời gian ngắn ra mắt thì phiên bản giấy của Đất Rồng đã bị nhận xét là "thất bại". Truyện còn thừa rất nhiều tại các gian hàng nếu không muốn nói là ế nghiêm trọng, thậm chí chủ hàng còn bảo trả lại nơi phân phối, còn độc giả thì dửng dưng chả buồn ngó.

 

Thất bại của Đất Rồng cho tới nay vẫn được lý luận là vì giới trẻ Việt quá quen với manga Nhật Bản, nhưng có phải thực sự là vậy? Theo tôi, Đất Rồng thất bại chủ yếu là vì quên mất mấu chốt làm nên sự hấp dẫn của một bộ truyện tranh, trong khi đó chỉ chăm chăm tập trung phô trương kỹ thuật vẽ vời.


Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo? 2

Đất Rồng thất bại về doanh số, dù được quảng bá rầm rộ.

 

"Tranh vẽ đẹp nhưng cách thể hiện chưa ra truyện tranh. Các tình tiết bị kéo dãn và thừa quá mức. Kết thúc một tập truyện ngay trong mạch truyện, chứng tỏ chưa tính toán kĩ số trang", đó là nhận định của rất nhiều người đọc. Theo tôi thì nhận định ấy là hoàn toàn chính xác.

 

Đọc Đất Rồng, ngay từ những tập đầu tiên bản thân tôi đã cảm thấy rất khó theo dõi mạch truyện. Đơn giản vì tranh vẽ rối, sử dụng kỹ thuật đồ họa Photoshop để tạo bóng (BG) quá nhiều khiến mắt người đọc dễ mỏi và bị loạn. Có linh cảm tác giả truyện không biết phải đầu tư vẽ cho chi tiết nào và giản hóa chi tiết nào.

 

Trong Đất Rồng, cảm giác như nhóm vẽ hồi trước không vẽ được BG, sau khi luyện hì hục vất vả mới vẽ được nên nghĩ rằng BG là nhất, phải phô trương kỹ năng vẽ BG của mình nên truyện bị bội thực. "Các bạn tỉa khung tranh đẹp kinh hồn, chỗ nào cũng chi tiết rồi các bạn không biết nhét khung thoại vào đâu", một độc giả tâm sự.


 Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo? 3

Truyện quá phô trương kỹ thuật vẽ mà quên mất bố cục hợp lý.

 

Căn bệnh chung của truyện tranh Việt

 

Âu vấn đề xảy ra với Đất Rồng cũng là vấn đề chung của truyện tranh Việt Nam: Quá chú trọng nét vẽ, cố công cố sức vẽ thật đẹp mà quên mất rằng một trang truyện vẽ đẹp mà bố cục kém, phân khung yếu thì cũng hoàn toàn bỏ đi. Ví dụ như có những chi tiết chỉ cần một khung độ 1/3 trang, vậy mà lấn tới gần một trang (lại còn là trang đôi), kèm theo lời thoại cụt lủn, thiếu cảm xúc.

 

Sai lầm hơn nữa, nhóm sáng tác Đất Rồng còn đăng đàn... chửi rủa độc giả trên Facebook của mình. Thậm chí có thành viên còn thốt lên: "Kệ m*** chúng nó, lũ fan kpop não phẳng đ*** chấp". Quả thật, họ đã quên rằng để thành công thì mình cần biết tiếp thu, quay lưng lại với các góp ý cũng có nghĩa họ đang tự chặt mất chặng đường tiến bộ của chính mình.


 Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo? 4

Nhóm tác giả sẵn sàng chê bai độc giả phê bình mình.

 

Hành động thiếu suy nghĩ trên thể hiện căn bệnh thứ hai của truyện tranh Việt, đó là sự thiếu trầm trọng kinh nghiệm và nghiêm túc. Nhiều bạn trẻ vẽ và chỉ mong nhận được những lời tung hô có cánh, hoặc muốn được mọi người tôn thờ khả năng vẽ của mình chứ không thực sự muốn đi cùng với nghề này cho tới cuối con đường.

 

Hy vọng rằng sau Đất Rồng, các nhóm vẽ truyện tranh Việt Nam sẽ tự rút kinh nghiệm cho mình để không đi lại vào vết xe đổ bên trên. Hãy nhớ rằng, một bộ truyện tranh thành công cần tạo cảm hứng cho người đọc, chứ không phải phô trương kỹ thuật đơn thuần.


Truyện tranh Việt: Đất Rồng bị thất bại là do kiêu ngạo? 5

Vẽ đẹp, với truyện tranh không phải là tất cả.


Theo Vitaku