Tranh cãi vì gối ôm in hình nhạy cảm tại lễ hội truyện tranh Việt

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/05/2015 05:23 PM

Cộng đồng Otaku Việt Nam đang nảy sinh khá nhiều tranh cãi sau khi xuất hiện clip phỏng vấn cho rằng một số sản phẩm bày bán tại lễ hội truyện tranh mang tính dung tục, phản cảm.

Trong những ngày vừa qua, cộng đồng Otaku cũng như các bạn trẻ yêu thích văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đang nảy sinh khá nhiều tranh cãi xung quanh đoạn clip phỏng vấn do VTV thực hiện tại lễ hội truyện tranh diễn ra ở Hà Nội.

Trong đoạn clip này, người xem dễ dàng nhận ra được những ý kiến của các bạn trẻ được phỏng vấn, cho rằng các sản phẩm nhạy cảm, thậm chí là dung tục đang được bày bán công khai tại các lễ hội truyện tranh, điển hình là chiếc gối ôm cỡ bự in hình nhân vật nữ trong anime.

Cá biệt hơn nữa, có một cậu bé được phỏng vấn trong clip đã phát biểu: "Tởm lắm ạ" và cho rằng các sản phẩm trên là những thứ dung tục, phản cảm.

Ngay lập tức, đoạn clip trên đã tạo nên một làn sóng tranh luận diễn ra liên tục trong cộng đồng Otaku suốt những ngày vừa qua giữa một bên là những người ủng hộ còn một bên lại là những người phản đối đoạn clip phỏng vấn nói trên.

Đối với đa phần các Otaku tại Việt Nam thì các sản phẩm như gối ôm, lót chuột "nhạy cảm" như vậy thực sự quá đỗi bình thường bởi lẽ các sản phẩm như vậy vẫn được sản xuất, được chấp nhận và bán rất chạy tại thị trường Nhật Bản. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một chiếc gối ôm mang hình nhân vật nữ với kích thước người thật hay những chiếc lót chuột mô phỏng đường cong của nhân vật nữ trong phòng của một Otaku hard-core.

Điều này là hoàn toàn bình thường tại Nhật Bản và thậm chí đôi khi nó còn được coi như một biểu hiện của sự đam mê của các Otaku bởi có gì là sai khi mà bạn muốn sở hữu cho mình những sản phẩm "độc" về thần tượng mà mình yêu thích.

Thế nhưng một nhóm bạn trẻ khác lại phản bác lại và cho rằng có thể tại Nhật Bản, những sản phẩm nhạy cảm như vậy là chấp nhận được nhưng đối với văn hóa tại Việt Nam hiện tại thì nó thực sự chưa phải là một sản phẩm phù hợp để bày bán công khai tại một không gian mang đậm chất văn hóa như vậy.

Điểm mấu chốt ở đây đó là nếu các sản phẩm trên nếu chỉ được bày bán cho những fan hâm mộ đủ tuổi trưởng thành, đủ nhận thức về niềm đam mê của mình với anime, với văn hóa Nhật Bản thì sẽ không có gì đáng bàn. Thế nhưng các sản phẩm trên lại được bày bán rộng rãi, công khai tại lễ hội nơi cũng có rất nhiều người già và trẻ nhỏ thì lại là chuyện khác.

Có thể đồng ý rằng các Otaku Việt hiểu rõ văn hóa Nhật và không thấy phản cảm, không suy diễn lung tung về các sản phẩm này nhưng có ai dám đảm bảo rằng những người lớn tuổi, những trẻ nhỏ tham gia lễ hội sẽ hiểu được điều này.

Như vậy phải chăng các gian hàng hay cả ban tổ chức lễ hội nên xem xét đến việc đặt ra những khu trưng bày đặc biệt giới hạn đối tượng khách hàng tham quan để các sản phẩm mang tính nhạy cảm, dễ bị hiểu nhầm như vậy không xuất hiện quá công khai trước những đối tượng khách tham quan không phù hợp như người già và trẻ nhỏ.

 

>> Toàn cảnh lễ hội anime dành cho dân Otaku tại Nhật Bản

    betterchoice