Napoleon của Stanley Kubrick
Sau khi gây tiếng vang với bộ phim kinh điển 2001: A Space Odyssey vào năm 1968, nhà làm phim đại tài Stanley Kubrick cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị cho dự án phim sử thi hoành tráng về nhân vật đại đế Napoleon. Quá trình này kéo dài hai năm và vị đạo diễn dự định sẽ sử dụng một kịch bản mà ông từng viết từ năm 1961.
Quá trình tiền kỳ của bộ phim đã diễn ra, với địa điểm quay tại Pháp và Rumani được ấn định. Thậm chí, quân đội Rumani cũng xác nhận sẽ tình nguyện tham gia vào quá trình quay phim. Tuy nhiên, kinh phí dự kiến dành cho dự án phim quá lớn, cộng thêm thất bại tại phòng vé của một bộ phim khác cùng chủ đề mang tên Waterloo đến từ nền điện ảnh Liên Xô vào năm 1970 khiến cho giấc mộng mang tên Napoleon của Stanley Kubrick không thể trở thành hiện thực.
Dẫu vậy, quá trình nghiên cứu thực hiện Napoleon không hề bị bỏ phí khi Stanley Kubrick tận dụng tối đa những kiến thức có được để thực hiện bộ phim Barry Lyndon vào năm 1975. Sau này, ông nhiều lần úp mở về việc trở lại thực hiện dự án Napoleon cho tới tận lúc qua đời vì một cơn đau tim vào năm 1999. Tới năm 2011, một cuốn sách tư liệu mang tên Stanley Kubrick’s Napoleon: The Greatest Movie Never Made (tạm dịch: Napoleon của Stanley Kubrick: Bộ phim vĩ đại nhất chưa từng được thực hiện) được xuất bản, hé lộ thêm nhiều chi tiết thú vị, chẳng hạn như việc vị đạo diễn từng tới gặp Audrey Hepburn để mời bà nhận vai Nữ hoàng Joséphine, nhưng bị từ chối.
Mới đây nhất, vào tháng 3/2013, đạo diễn lừng danh Steven Spielberg tuyên bố ông sẽ chuyển thể kịch bản Napoleon của Stanley Kubrick thành một loạt phim truyền hình ngắn trong tương lai gần. Trước đây, Spielberg từng cộng tác với Kubrick trong dự án phim A.I. Artificial Intelligence và là một người cực kỳ hâm mộ vị đạo diễn quá cố. Như vậy, trải qua hơn bốn thập kỷ, câu chuyện về Napoleon của Stanley Kubrick cho tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Kaleidoscope của Alfred Hitchcock
Năm 1960, đạo diễn Alfred Hitchcock khiến cả thế giới sững sờ bởi kiệt tác Psycho. Sau một vài tác phẩm không quá ấn tượng vào giữa thập niên 1960, ông quyết định bắt tay vào thực hiện một dự án phim có kinh phí thấp mang tựa đề Kaleidoscope. Theo dự kiến, bộ phim mới chỉ có kinh phí khoảng 1 triệu USD, sử dụng một dàn diễn viên vô danh, với nội dung kể về một huấn luyện viên thể hình bị chứng ám ảnh về dòng nước, mỗi khi thấy dòng nước chảy là lại nảy sinh hứng thú giết người.
Theo như kịch bản, Kaleidoscope dự kiến chứa đựng nhiều cảnh quay nhạy cảm và bạo lực như bóp cổ, cưỡng hiếp, giao cấu với xác chết, những cơ thể tan rữa trong dung dịch a-xít… Đạo diễn Alfred Hitchcock tiết lộ ông lấy cảm hứng từ bộ phim Red Desert của Michelangelo Antonioni để viết nên kịch bản này. Thậm chí, một vài buổi thử vai đã được vị đạo diễn tổ chức.
Tuy nhiên, Kaleidoscope không nhận được sự chào đón của các hãng phim bởi tính bạo lực trong câu chuyện. Ngay cả người bạn thân của Alfred Hitchcock, đạo diễn François Truffaut, cũng không tán thành dự án phim đầy táo bạo này. Dẫu Kaleidoscope trở thành một dự án dở dang, nhưng một số ý tưởng kịch bản từ đây lại được đưa vào bộ phim Frenzy năm 1972 của Hitchcock sau này.
Ronnie Rocket của David Lynch
Sau Eraserhead, đạo diễn thể loại phim siêu thực David Lynch bắt tay vào một dự án mới mang tên Ronnie Rocket. Bộ phim dự kiến xoay quanh một nhân vật thám tử chỉ cao hơn 1 mét, có khả năng kiểm soát dòng điện và đứng bằng một chân.
Tuy nhiên, những khó khăn về kinh phí khiến dự án Ronnie Rocket đi vào ngõ cụt. Một số nhà sản xuất tỏ ra hứng thú với bộ phim như Dino de Laurentiis hay Francis Ford Coppola. Nhưng những công ty của họ đều phá sản trước khi đạt được hợp đồng thỏa thuận với David Lynch. Sau khi quyết định “xếp kệ” dự án, David Lynch thực hiện một kịch bản khác mà ông viết từ trước, và kết quả là bộ phim nổi tiếng The Elephant Man ra đời vào năm 1980.
Trong một số cuộc phỏng vấn sau này, vị đạo diễn cho biết Ronnie Rocket vẫn chỉ đang tạm thời “đóng băng” và tới thời điểm thích hợp, ông sẽ quay trở lại thực hiện nó.
King Kong Appears in Edo
Có vô số những tin đồn xoay quanh quá khứ bí ẩn của dự án phim đến từ xứ sở mặt trời mọc. Đây được coi là dự án phim đầu tiên về nhân vật King Kong của Nhật Bản khi nó được dự kiến khởi chiếu trong năm 1938. Tuy nhiên, Thế chiến thứ II nổ ra khiến King Kong Appears in Edo bị thất lạc bản phim giống như nhiều bộ phim khác trong lịch sử.
Nhiều người từng hoài nghi về sự tồn tại của một trong những bộ phim Nhật Bản đầu tiên sử dụng hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh đặc biệt. Mãi sau này, một số hình ảnh hậu trường hiếm hoi của bộ phim được tìm thấy và hoàn toàn dập tắt những nghi ngờ này. Thậm chí, Fuminori Ôhashi - người tạo ra bộ đồ đầu tiên của quái vật Godzilla trong lịch sử, tiết lộ rằng ông từng tham gia vào quá trình thực hiện King Kong Appears in Edo trong quá khứ.
Rendezvous with Rama của Morgan Freeman và David Fincher
Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1972, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Rendezvous with Rama của nhà văn Arthur C. Clarke được Morgan Freeman hết sức yêu thích. Trong suốt gần một thập kỷ qua, nam diễn viên gạo cội luôn cố gắng tìm đủ mọi cách để tìm cách đưa tác phẩm văn học này lên màn ảnh.
Trong đầu thế kỷ XXI, đạo diễn David Fincher là cái tên luôn được nhắc tới song song với Rendezvous with Rama phiên bản điện ảnh. Nhưng tới năm 2008, ông cho biết dự án phim không thể được thực hiện do cả ông và Morgan Freeman vẫn chưa có được kịch bản chuyển thể phù hợp, cũng như sức khỏe của người nam diễn viên là một trở ngại không nhỏ.
Bất chấp điều đó, Morgan Freeman vẫn tiếp tục tìm kiếm những hy vọng mới dành cho Rendezvous with Rama trong một vài năm qua. Ngoài kịch bản, một trong những điều khó khăn mà ông vấp phải chính là việc phải vận động đầu tư kinh phí sản xuất. Để truyền tải đầy đủ tác phẩm văn học, các nhà làm phim sẽ phải cần đến những công nghệ kỹ xảo hình ảnh tối tân nhất, sánh ngang với siêu phẩm Avatar của James Cameron. Đây là một vấn đề không hề đơn giản đối với nam diễn viên vừa bước sang tuổi 77.
Night Skies của Steven Spielberg
Bộ phim kinh điển Close Encounters of the Third Kind của Steven Spielberg dù có quá trình sản xuất diễn ra không hề suôn sẻ nhưng cuối cùng vẫn gặt hái được thành công vang dội tại các phòng vé với doanh thu lên tới hơn 300 triệu USD. Sau đó, vị đạo diễn liền bắt đầu lên ý tưởng cho phần tiếp theo mang tên Night Skies, dự kiến kể về một cô bé tuổi teen và cậu em mắc chứng bệnh tự kỷ buộc phải chiến đấu lại một sinh vật đến từ ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, ý tưởng của Steven Spielberg không bao giờ trở thành hiện thực. Thay vào đó, nó truyền cảm hứng để ông tạo nên một tác phẩm kinh điển khác về người ngoài hành tinh là E.T. the Extra-Terrestrial, cũng như kịch bản bộ phim Poltergeist.
Leningrad: The 900 Days của Sergio Leone
Sau bộ phim kinh điển lấy đề tài gangster mang tên Once Upon a Time in America, Sergio Leone muốn đem tới cho người hâm mộ một tác phẩm nữa ấn tượng không kém. Khi đó, vị đạo diễn người Ý lên kế hoạch chuyển thể cuốn sách The 900 Days: The Siege of Leningrad lên màn ảnh, với diễn viên chính là một nhiếp ảnh gia người Mỹ bị kẹt giữa chiến trận do Robert De Niro thủ vai.
Phải tới năm 1989, tức bảy năm kể từ ngày Once Upon a Time in America đóng máy, Sergio Leone mới vận động đủ 100 triệu USD kinh phí sản xuất cho dự án mới từ các nhà đầu tư độc lập. Leningrad: The 900 Days được dự kiến khởi quay trong năm 1990, nhưng vị đạo diễn đột ngột qua đời chỉ hai ngày trước khi các hợp đồng làm phim được chính thức ký kết. Dự án phim kể từ đó bắt đầu bị rơi vào quên lãng.
Tới đầu năm 2003, một nhà làm phim người Ý lừng danh khác là Giuseppe Tornatore tuyên bố ông sẽ thực hiện dự án phim mang tựa đề Leningrad, dựa trên những ý tưởng trong quá khứ của Sergio Leone. Tornatore đồng thời bày tỏ mong muốn có được kiều nữ Nicole Kidman thủ vai nữ chính cho dự án phim của ông. Tuy nhiên, đã hơn một thập kỷ trôi qua mà số phận của Leningrad do Giuseppe Tornatore thực hiện vẫn nằm trong bóng tối. Giống như người tiền nhiệm, ông gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư cho một dự án phim chiến tranh có kinh phí sản xuất khổng lồ.
Dune của Alejandro Jodorowsky
Câu chuyện về một trong những dự án dang dở nhất trong lịch sử điện ảnh xuất phát từ năm 1973. Khi đó, nhà sản xuất Arthur P. Jacobs đang nắm trong tay quyền chuyển thể tác phẩm văn học cùng tên của Frank Herbert nhưng lại qua đời trước khi dự án đi vào sản xuất. Hai năm sau, đạo diễn Alejandro Jodorowsky giành được bản quyền này và đưa Dune đi vào giai đoạn tiền kỳ. Ban nhạc lừng danh Pink Floyd được vị đạo diễn tiếp cận để mua bản quyền sử dụng nhạc. Bên cạnh đó, nhiều cái tên khủng trong làng nghệ thuật thời bấy giờ đều được nhắm tới để tham gia vào trong phim, như Salvador Dalí, Orson Welles, Gloria Swanson, David Carradine, Mick Jagger, Amanda Lear…
Đến năm 1976, khi nhà văn Frank Herbert tới gặp gỡ Alejandro Jodorowsky, ông phát hiện ra rằng đội ngũ làm phim đã tiêu tốn tới 2 triệu USD trong tổng số 9,5 triệu USD kinh phí chỉ cho riêng quá trình tiền kỳ. Điều đáng nói hơn là kịch bản của Jodorowsky được Herbert mô tả là “dày như một cuốn niên giám điện thoại”, và nếu chuyển thể nó lên màn ảnh thì bộ phim sẽ kéo dài… 14 tiếng đồng hồ. Bất chấp những khó khăn và khác biệt trong công việc, cả hai vẫn giữ mối quan hệ thân tình. Nhưng những khó khăn về kinh phí khiến cho dự án Dune không thể tiến xa hơn.
Khi Jodorowsky mất quyển chuyển thể Dune vào năm 1982, nhà làm phim Dino De Laurentiis người Ý lập tức vào cuộc và kết quả chính là phiên bản điện ảnh năm 1984 của đạo diễn David Lynch. Tuy nhiên, bộ phim này không được giới phê bình cũng như khán giả đại chúng đón nhận. Trên thực tế, đạo diễn David Lynch thậm chí còn chủ động cô lập bản thân khỏi Dune, cho rằng các nhà sản xuất và đầu tư đã can thiệp quá sâu vào quá trình thực hiện bộ phim của ông. Trong một số phiên bản phim sau này, cái tên David Lynch được thay thế bằng Alan Smithee, một biệt hiệu được các đạo diễn sử dụng khi họ không muốn tên thật của mình xuất hiện trong phim.
>> Nam diễn viên chính Guardians of the Galaxy từng là kẻ vô gia cư