Tạp chí truyện tranh Việt Nam là một cụm từ khá mơ hồ đối với đại đa số độc giả nước nhà. Có nhiều người đọc đại trà khi nghe đến cụm từ này còn tỏ ra khá ngạc nhiên và không tin rằng tại Việt Nam cũng có những tạp chí chuyên về truyện tranh giống như tại Nhật Bản.
Tạp chí truyện tranh Việt Nam nhiều nhưng chưa "chất"
Trên thực tế thì trong những năm gần đây, có không ít những tạp chí truyện tranh do người Việt thực hiện được ra mắt khán giả nhưng lại chỉ được một ít người hâm mộ biết đến. Vậy nguyên nhân do đâu mà các tạp chí truyện tranh Việt Nam chưa thể phát triển được? Hãy cùng tìm hiểu về điều đó qua bài phân tích dưới đây.
1, Sự yếu kém về truyền thông
Đầu năm 2014, làng truyện tranh Việt đã đón nhận thêm nhiều gương mặt mới như “Next”, “Tâm nguyện Red” và “Tạp Chí Giấc Mơ” (Dream Way). Ngoại trừ “Next” đã có tiếng với cộng đồng mạng từ trước, hai tạp chí còn lại đều khá non trẻ và chưa có cách quảng bá, truyền thông chuyên nghiệp. Thậm chí số đầu tiên của “Tạp Chí Giấc Mơ” phát hành trong thành phố Hồ Chí Minh gần 2-3 ngày mà phần đông đại lý trong nước vẫn chưa nhận được thông tin nào.
Rất ít người đọc biết đến sự tồn tại của các tạp chí truyện tranh thuần Việt
Đến cả những nơi phân phối còn chưa có được thông tin gì thì liệu người đọc đại trà có thể tiếp cận được với tạp chí hay không? Với nguồn thông tin hạn hẹp, khả năng phân phối tới tay người đọc kém như vậy thì cho dù tạp chí bán với giá phải chăng, in ấn đẹp với hình thức hấp dẫn.
2, Sự e ngại của các đại lý sách
Sự thất bại của việc truyền thông đều do đội ngũ làm truyện tranh chưa có kinh nghiệm cọ sát thực tế. Hầu hết các họa sĩ là những sinh viên trẻ tuổi, mang trong mình nhiều hoài bão và chỉ biết vẽ ra các ý tưởng của mình. Ngoài chuyên môn vẽ, các vấn đề như liên hệ in ấn, phân phối đại lý hay quảng bá đều không thuộc chuyên môn của họ.
Vì vậy đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười khi một vài nhóm họa sĩ in tạp chí với số lượng quá lớn, không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều này dẫn tới hiện tượng “đắp chiếu”của các tờ báo trẻ, thiếu chuyên nghiệp, không thể phát hành dài kỳ. Và nó càng khiến cho tạp chí truyện tranh Việt mất điểm lớn trong con mắt của hệ thống đại lý lẫn các tiệm sách. Họ trở nên e ngại, lo lắng khi phân phối một tờ báo còn non trẻ, thiếu định hướng và chưa có thương hiệu .
Các đại lý cũng khá e ngại khi phát hành tạp chí của Việt Nam
Chú A, một chủ tiệm truyện ở H.N chia sẻ: “Ngày xưa chưa có mạng, bạn đọc còn ủng hộ. Chứ tạp chí người Việt vẽ khó bán lắm, kể cả rẻ hơn 5k. Giờ học sinh chỉ chuộng tạp chí hay truyện tranh của nước ngoài thôi”. Quả thật, bất kì ai tới đại lý phân phối sách lớn nào trong thành phố có thể thấy các tạp chí nội hoàn toàn bị lấp át bởi tạp chí ngoại. Mỗi lần nhập hàng, các chủ tiệm truyện nhanh tay ôm từng chồng tạp chí Soul, Csmile hay Wings ( tạp chí Manhua) còn tạp chí truyện tranh Việt hoàn toàn bị “lãng quên”. Ngay cả khi đại lý đon đả mời chào lấy thử 1-2 cuốn, họ đều khéo léo từ chối.
3, Thiếu nguồn truyện tranh có chất lượng
Bài toán nan giải nhất đối với khá nhiều tạp chí truyện tranh được sinh ra và mất đi từ trước đến nay có lẽ chính là về nguồn truyện để đăng trên tạp chí. Số lượng họa sĩ truyện tranh tại Việt Nam cùng sự khó khăn của nghành này khiến cho số lượng truyện được ra mắt khán giả càng trở nên hạn chế.
Thủy Tề Ca, một trong số những tác phẩm có triển vọng nhưng lại chưa được phát triển
Số lượng đã không nhiều, chất lượng lại cũng chưa đạt được như sự kì vọng của phần đông khán giả. Rất ít những bộ truyện tranh có chất lượng được đăng trên tạp chí, chưa kể đến việc chỉnh sửa lại bản thảo, góp ý về truyện của người biên tập cũng chưa thực sự tốt nên các họa sĩ trẻ cũng khó có thể cải thiện và theo đuổi tác phẩm của mình một cách lâu dài.
4, Sự cạnh tranh của các site truyện online
Một điều nữa mà những người phát hành tạp chí tại Việt Nam cũng chưa thực sự để ý, đó là môi trường xuất bản tại Việt Nam không hề giống với Nhật Bản. Các tạp chí danh tiếng tại xứ sở hoa anh đào như Shounen Jump thực sự chỉ có thể tìm kiếm được sự thành công khi họ nắm trong tay được nguồn truyện độc quyền.
Các site truyện online cũng khiến thói quen đọc của người Việt Nam thay đổi
Việc độc giả chỉ có thể mua tạp chí, mua truyện mới có thể được trải nghiệm những tình tiết mới nhất trong tác phẩm ưa thích cũng là điều giúp cho các tạp chí tại Nhật có đất sống. Trong khi đó, tại Việt Nam, khi mà các site truyện tranh online được mở ra ngày một nhiều với số lượng đầu truyện lên tới con số hàng nghìn được chia sẻ hoàn toàn miễn phí thì việc đại đa số người đọc không muốn bỏ tiền ra để mua một tạp chí với những tác phẩm mình chưa rõ chất lượng cũng là điều khá dễ hiểu.
>> Black God - Truyện tranh huyền bí về Hắc Thần