- Theo Trí Thức Trẻ | 08/10/2015 02:36 PM
Các câu chuyện cổ tích được truyền lại qua một thời gian dài sẽ bị thay đổi khá nhiều so với nội dung vốn có của nó. Và có lẽ Disney là hãng phim hoạt hình nổi tiếng nhất trong việc biến những câu chuyện cổ tích có nguyên tác khá kinh dị trở thành những bộ phim đầy màu hồng dành cho trẻ em.
Hôm nay, hãy cùng GameK điểm lại những sự thật rùng rợn nhất đằng sau các câu chuyện cổ tích đẹp tuyệt vời mà Disney từng mang đến cho khán giả.
The Big Bad Wolf (1934)
Bộ phim được dựa trên câu chuyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ và có lẽ ai trong chúng ta cũng từng được nghe kể câu chuyện này ít nhất một lần khi còn bé. Tuy nhiên, khi câu chuyện lần đầu được xuất hiện vào thế kỉ thứ 10 thì sau đó đã có khá nhiều dị bản khác nhau của chuyện.
Phổ biến nhất trong số đó là câu chuyện mang màu sắc cực kì rùng rợn, thậm chí còn kinh khủng hơn bất kì bộ phim kinh dị nào mà bạn từng xem. Trong đó, con sói sau khi ăn thịt bà của cô bé còn lừa cho cô bé ăn thịt của bà mình. May mắn thay là phiên bản này không được Disney đưa vào trong The Big Bad Wolf (1934) chứ nếu không thì đây đã là một phiên bản phim kinh dị chứ không phải dành cho thiếu nhi nữa rồi.
Pinocchio (1940)
Những ai từng xem phiên bản phim hoạt hình về chú bé người gỗ Pinocchio hay nói dối với chiếc mũi dài, luôn mong muốn được trở thành người thì chắc chắn bạn sẽ còn nhớ tới chú dế Jiminy Cricket, người bạn thân thiết của Pinocchio trong phiên bản phim hoạt hình Disney năm 1940 phải không nào.
Tuy nhiên, phiên bản gốc của chuyện về chú nhóc người gỗ này lại khác hoàn toàn. Chú dế Jiminy Cricket mà bạn từng thấy đã bị Pinocchio vồ chết ngay trong lần gặp đầu tiên và sau đó, linh hồn của chú dế cứ đi theo ám ảnh Pinocchio mãi.
Frozen (2013)
Bom tấn hoạt hình Frozen (2013) đã làm bùng nổ hầu hết các bảng xếp hạng phim ăn khách với doanh thu cực kì "khủng". Ở nhiều nơi, người ta còn ghi nhận được cơn sốt Frozen không chỉ ở đối tượng trẻ em mà ngay cả người lớn cũng "phát cuồng" vì "bà chúa tuyết" xinh đẹp Elsa.
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng nguyên bản của câu chuyện về bà chúa tuyết lại khá buồn thảm. Tương truyền rằng khi xưa có một con yêu tinh khổng lồ đã tạo nên một tấm gương mà thứ gì càng đẹp đẽ thì hình ảnh phản chiếu lại qua chiếc gương sẽ càng trở nên xấu xí. Khi chiếc gương này bị vỡ ra, các mảnh vỡ đã văng ra khắp nơi, nếu nó văng trúng tim sẽ khiến con người ta trở nên băng giá, văng trúng mắt sẽ khiến con người không còn cảm nhận được cái đẹp. Một chú nhóc không may bị mảnh vỡ đâm vào cả mắt lẫn tim đã tìm đến và sống với bà chúa tuyết xinh đẹp và cuối cùng thì chú ta cũng... chẳng có được một happy ending.
The Little Mermaid (1989)
Hans Christian Andersen cũng là tác giả của câu chuyện nguyên gốc Nàng Tiên Cá, câu chuyện này sau đó đã được Disney dựng thành phim hoạt hình vào năm 1989. Phim mang màu sắc khá tươi sáng với những nhân vật luôn hạnh phúc ca hát mọi nơi mọi lúc. Thế nhưng ít ai biết rằng nguyên tác của chuyện lại mang một màu sắc buồn thảm khác hẳn với phim.
Trong đó thì khi nàng tiên cá đổi được đôi chân của con người, cô không thể đi lại như bình thưởng bởi mỗi bước đi, đôi chân cô lại nhói đau như bị ngàn vạn mũi dao nhọn đâm vào. Thế nhưng đau đớn hơn là hoàng tử cũng không biết cô đã cứu chàng nên đã đính hôn với một người con gái khác. Nàng tiên cá quá thất vọng và cô vẫn có thể lấy lại được chiếc đuôi cá của mình bằng cách đâm trúng tim của hoảng tử. Tuy nhiên, do quá yêu chàng mà nàng tiên cá đã quyết định nhảy xuống biển tự vẫn, cơ thể cô sau đó đã tan ra thành bọt biển.
Snow White and the Seven Dwarfs (1937)
Giống với rất nhiều các bộ phim hoạt hình chuyển thể từ cổ tích khác của Disney, các nhân vật phản diện luôn phải chịu sự trừng phạt đích đáng. Như bà hoàng hậu gian ác trong bộ phim Nàng Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn năm 1937 đã bị ngã xuống vực mà chết, thế nhưng cái chết này có lẽ còn quá nhẹ nhàng nếu so sánh với nguyên bản chuyện kể của anh em nhà Grimm.
Trong đó, sau khi Nàng Bạch Tuyết trở về, bà hoàng hậu độc ác đã phải chịu một sự trừng phạt khá... nặng. Bà ta đã bị bắt phải đi một đôi giày sắt nung đỏ và phải nhảy múa bằng đôi giày đó đến khi chết vì mệt và đau đớn mới thôi.
(còn tiếp)