Nếu là một fan hâm mộ dòng
truyện tranh Comic thì chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy xa lạ gì với cái tên Stan Lee. Thế nhưng có một sự thật ít ai biết rằng Stan Lee hiện vẫn chưa phải là một họa sĩ truyện tranh lớn tuổi nhất và kỉ lục này đã được trao cho bạn của ông, họa sĩ Ken Bald. Được biết, Ken Bald năm nay 93 tuổi (nhiều hơn Stan Lee 1 tuổi) và đã theo nghiệp vẽ truyện tranh trong suốt 83 năm.
Ken Bald (93 tuổi) bên cạnh người bạn Stan Lee (92 tuổi). Chúng ta hãy cùng đến với bài phỏng vấn với họa sĩ truyện tranh lớn tuổi nhất còn hoạt động nghệ thuật này.
Q: Điều gì đã tạo cảm hứng cho ông với truyện tranh và gắn bó với nó cho đến nay?A: Khi 7 tuổi, tôi nhìn thấy cuốn truyện tranh Tarzan của Hal Foster và ngay lập tức bị nó mê hoặc. Tôi vẫn còn nhớ chính xác nội dung của câu truyện và tên của nó là “Nghĩa địa voi”. Cốt truyện và nội dung khá rất hấp dẫn nhưng điều khiến tôi thích thú nhất lại chính là phong cách vẽ của Foster. Sau này, tôi đã rất cố gắng để sáng tạo ra một phong cách của riêng mình, nhưng cũng vẫn đi theo trường phái của Foster.
Q: Trong thời kì hoàng kim của truyện tranh Comic, sự nghiệp của ông có thuận lợi không?Những ngày đầu khởi nghiệp truyện tranh. A: Vào cái lúc được cho là thời kì hoàng kim đó, sự nghiệp của tôi phát triển khá thuận lợi. Lúc đó, tôi đã tốt nghiệp Học viên Pratt và xin được việc làm trong Studio truyện tranh của Jack Binder ở Englewood, bang New Jersey.
Trong suốt những năm 40, ngành truyện tranh đã thực sự bùng nổ. Ban đầu, chúng tôi phải làm việc phòng khách của Jack Bunder. Nhưng do công ty phát triển khá nhanh, Jack đã biến nhà kho của mình thành một xưởng vẽ rất lớn. Và ở đó có khoảng 30 họa sĩ cùng làm việc. Ở trong xưởng của Binder, tôi rất nhanh chóng được thăng chức lên làm Giám đốc nghệ thuật và là người vẽ hầu hết các bìa truyện. Tôi đã vinh dự được vẽ minh họa cho rất nhiều cuốn truyện siêu anh hùng nổi tiếng như: Captain Marvel, Captain Midnight, Bulletman, Bulletgirl, Doc Savage và Mandrake the Magician.
Q: Ông đã từng làm việc ở Marvel từ khi nó còn chưa được đổi sang cái tên đó. Vào thời điểm đó, có bao giờ ông nghĩ rằng nó có thể phát triển thành một công ty giải trí tầm cỡ lớn như hiện nay hay không?
A: Lần đầu tiên tôi gặp Stan Lee là vào lúc cả hai đang ở độ tuổi đôi mươi. Lúc đó Stan đang khá nổi tiếng với “The Boy Wonder”. Cho đến năm 1946 thì tôi đã nhận ra rằng Stan Lee chắc chắn sẽ có thể làm được một việc cực kì vĩ đại.
Khi Stan tuyển tôi vào công ty, lúc đó có tên là Timely, thì nó chỉ là một nhánh nhỏ chuyên về truyện tranh của nhà xuất bản Goodman. Phải đến những năm 1960, công ty mới đổi tên thành Marvel. Lịch sử truyện tranh cũng chứng kiến nhiều lúc thăng trầm, nhưng nhờ có những đóng góp lớn của Stan, một người có tầm nhìn xa trông rộng đã giúp cho Marvel có thể vượt qua giai đoạn khó khăn để tồn tại và phát triển lớn mạnh như bây giờ. Vậy nên nếu anh hỏi tôi có ngạc nhiên về thành công rực rỡ của Marvel hay không, thì câu trả lời là không hẳn, bởi tôi biết với sự lèo lái của Stan, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Q: Bên cạnh việc là bạn của Stan Lee, ông cũng đã làm việc trong ngành công nghiệp này trong nhiều thập kỉ và đã được chứng kiến rất nhiều chuyện. Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện “hậu trường” thú vị từng gặp không?A: Khi vợ tôi có một hợp đồng đi hát 6 tháng ở Paris, Pháp từ năm 1946 đến 1947, tôi đã nói với Stan Lee là tôi cũng phải đi. Sau đó anh ấy hỏi tôi rằng liệu có thể sáng tác “Millie the Model” với bối cảnh ở Pháp được không, tôi đã đồng ý. Kết quả là cuốn Miillie kì 9 được tôi đặt tên là “Off to Paris”, vẽ minh họa và soạn thảo từ đầu đến cuối trong thời gian sống ở Pháp với vợ. Tôi cược rằng đó là series truyện tranh Mỹ duy nhất được tạo ra ở Pháp.
Q: Ông nghĩ như thế nào về sự bùng nổ hiện nay của bộ phim bom tấn làm về chủ đề anh hùng như Iron Man, the Avengers, X-Men,…? Ông có cảm thấy lạ lẫm với phiên bản người thật của các siêu anh hùng này không?
A: Tất cả những bộ phim anh hùng thực sự đã truyền cảm hứng yêu truyện tranh đến cho khán giả. Tôi nghĩ Marvel đã làm một việc rất tuyệt vời khi đưa những anh hùng truyện tranh ra ngoài đời thực.