Những điều ít biết về Lục Mạch Thần Kiếm - Tuyệt thế võ công trong truyện Kim Dung

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 22/04/2015 03:40 PM

Lục Mạch Thần Kiếm
02/12/2015 NCB: Trung Quốc NPH:

Lục Mạch Thần Kiếm được xưng tụng là một trong những môn võ công tuyệt thế, sánh ngang với Dịch Cân Kinh huyền thoại của thánh địa võ học Thiếu Lâm.

Nếu như Dịch Cân Kinh được coi là tuyệt học trấn phái của ngôi chùa Thiếu Lâm có cả ngàn năm đứng vững tại vị trí Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm, thì Lục Mạch Thần Kiếm lại là bảo vật truyền đời của Đoàn Thị Đại Lý. Đặc biệt hơn, môn võ học này thậm chí còn không được truyền lại cho chính con em của họ Đoàn, kể cả kẻ đó có là vương hầu hay thiên tử.

Rất nhiều người đọc nhầm lẫn khi cho rằng Lục Mạch Thần Kiếm là tuyệt học gia truyền của Đoàn Thị Đại Lý, nhưng thật ra môn võ công truyền đời của dòng họ hoàng gia này chỉ là Nhất Dương Chỉ. Lục Mạch Thần Kiếm đúng là của họ Đoàn, nhưng lại được giao cho các lão tăng của Thiên Long Tự (ngôi chùa tại Đại Lý có danh vọng, địa vị như Thiếu Lâm Tự tại Trung Nguyên). Tại ngôi chùa này, các đời vua của họ Đoàn sau khi từ giã ngai vàng sẽ xuất gia và trở thành một thiền sư. Chỉ khi đó, họ mới có thể được chạm vào Lục Mạch Thần Kiếm - môn võ công huyền thoại của giang hồ.

Không phải ngẫu nhiên mà Kim Dung lại để môn võ công tuyệt thế ấy được giữ gìn bởi các vị cao tăng đắc đạo, giống như Dịch Cân Kinh. Thứ võ công có uy lực bá đạo, khó chống đỡ vào bậc nhất ấy sẽ trở thành đại họa của võ lâm, nếu như chúng lọt vào tay những kẻ tâm địa bất thiện. Chính vì vậy, các cao tăng đã buộc phải dùng trăm phương ngàn kế để giữ gìn, thậm chí không tiếc nuối hủy đi để tránh rơi vào tay kẻ xấu (Pháp sư Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn).

Lục Mạch Thần Kiếm cũng là một trong những môn võ công khó luyện thành vào bậc nhất. Dù được giao để gìn giữ bí kíp này, các vị cao tăng chùa Thiên Long cũng không thể nào tập luyện, chỉ có thể chia nhỏ thành nhiều phần, giao cho các đại cao thủ về chỉ pháp tham ngộ. Yêu cầu để nhập môn của Lục Mạch Thần Kiếm cao tới nỗi suốt nhiều năm trời, các cao tăng của Thiên Long không tìm ra nổi một người cuối cùng để hoàn thiện nó, chỉ tới khi Bảo Định Đế - đệ nhất cao thủ của hoàng tộc Đại Lý, đồng thời là quốc vương - quyết tâm xuất gia, họ mới đủ người để miễn cưỡng tạo thành thứ kiếm trận hao hao như Lục Mạch Thần Kiếm.

Không giống như tên gọi, Lục Mạch Thần Kiếm không phải là kiếm pháp . Nó là môn khí công thượng thừa, dùng chỉ lực hóa thành vô hình kiếm khí, đả thương người từ xa. Trong truyện Kim Dung, hầu như có rất ít môn võ công có thể đả thương người mà không cần chạm vào đối thủ. Điều này khác xa với phim ảnh, khi những môn võ công được xây dựng biến hóa và lợi hại hơn thế rất nhiều. Trong Thiên Long Bát Bộ, Tiêu Phong chỉ cần thể hiện Cầm Long Công, cách không hút lấy thanh đao cũng đủ khiến cho Nhất Trận Phong Phong Ba Ác tái mặt vì sợ hãi. Còn với thứ kiếm khí vô hình có khả năng giết người hệt như súng đạn, cảm giác của các cao thủ khi phải đối diện với nó sẽ khủng khiếp ra sao?

Sự lợi hại nhất của Lục Mạch Thần Kiếm ngoài việc đả thương đối thủ từ xa còn phải nói tới sự linh hoạt phi thường. Được xây dựng từ nền tảng chỉ pháp, kiếm khí được bắn ra từ đầu ngón tay nên cực kì đa dạng và khó lòng đoán biết. Cộng với việc không thể bằng mắt nhìn thấy luồng kiếm khí vô hình ấy, đối thủ gần như chỉ có thể phán đoán đường đi của Lục Mạch Thần Kiếm bằng cảm giác để chống đỡ mà thôi.

Uy lực của Lục Mạch Thần Kiếm chỉ được đại hiển rõ ràng một lần duy nhất, khi chàng thư sinh Đoàn Dự dùng nó đấu với Cô Tô Mộ Dung Phục - kẻ có một thân võ công tuyệt đỉnh, từng đả bại không biết bao nhiêu võ lâm hào kiệt. Trái ngược với đối thủ, Đoàn Dự chỉ là anh thư sinh trói gà không chặt, chưa từng luyện qua võ công, sở hữu tuyệt chiêu giữ mạng duy nhất là... chạy trốn. Tuy nhiên, Đoàn Dự lại là người duy nhất thấu hiểu được Lục Mạch Thần Kiếm và trong một đôi lúc, anh có thể ngẫu nhiên sử dụng loại kiếm khí lợi hại này.

 

>> Những tác giả truyện kiếm hiệp nổi tiếng nhất với gamer Việt