Việc Hollywood thiếu ý tưởng đến mức quyết định bắt những tác phẩm thành công trong quá khứ phải “đội mồ” sống dậy bằng những phần phim làm lại, ăn theo… có thể được người xem chấp nhận nếu như đó là một bộ phim xứng đáng. Tuy nhiên, những dự án dưới đây thì còn lâu mới gọi là đáng chờ đợi, chứ đừng nói đến chuyện hứa hẹn vào một tác phẩm làm sống lại quá khứ.
"Dont' Look Now" năm 1973
Khi được biết tin StudioCanal sắp làm lại tác phẩm Don’t Look Now, diễn viên Donald Sutherland từng thẳng thừng tuyên bố: “Đừng tự bôi nhọ mình khi làm bộ phim đó. Cùng đừng tự bôi nhọ mình khi tham gia đóng cái phim đó. Toàn thứ dở hơi mà thôi”. Rõ ràng diễn viên gạo cội này đã ít nhiều hình dung được những thất bại rất có thể đang chờ đợi phiên bản remake này ở phía trước. Đây là một bộ phim thuộc dạng không bao giờ nên làm lại, vì rất khó có thể đạt tới mức độ ám ảnh của sự kinh hoàng mà một tác phẩm Anh quốc có thể tạo ra. Nếu không nói đến vấn đề lợi nhuận, thì khó có thể tìm thấy lí do nào phù hợp để StudioCanal quyết định làm lại bộ phim kinh điển này.
"The Wild Bunch" (1969)
Những người từng thề sống thề chết sẽ không bao giờ xem lại Wild Wild West, sẽ không muốn nhìn thấy Will Smith trong bộ dạng một cao bồi miền Tây hẳn sẽ phải hoảng hồn khi nghe tin anh này sẽ tham gia trong phiên bản làm lại tác phẩm kinh điển của đạo diễn Sam Peckinpah – The Wild Bunch. Điều kinh khủng hơn là bộ phim dự định biến tướng bối cảnh gốc năm 1913 thành phiên bản thời hiện đại với mấy cuộc đấu súng giữa Lực lượng phòng chống ma tuý Hoa Kỳ với những tay buôn ma tuý Mexico. Hiện tại chưa có đạo diễn, biên kịch nào đứng ra nhận dự án này, nhưng rõ ràng Hollywood vẫn đang tìm kiếm và chưa có vẻ gì gác lại ý tưởng này.
Poster của phim
The Raid về cơ bản là một tác phẩm hành động thuần tuý, không có nhiều phân cảnh hội thoại trong đó mà nếu có thì cũng rất ngắn ngủi. Phiên bản Mỹ của một bộ phim Indonesia sẽ làm gì nếu thiếu đi hai nhân tố chính là diễn viên Iko Uwais và đạo diễn Gareth Evans? Nhồi nhét thêm vài chuyện tình sến sẩm hay những câu thoại dài có vẻ sâu sắc, đó là những gì người ta tưởng tượng nếu như phiên bản làm lại cố gắng muốn chứng tỏ sự khác biệt so với bản gốc. Taylor Kitsch, người được chỉ định làm ngôi sao chính đã rời bỏ bộ phim, điều đó có nghĩa tất cả mọi chuyện gần như lại quay lại điểm xuất phát. Buồn thay, hãng XYZ Films vẫn tiếp tục cho chạy dự án và đang tìm kiếm những gương mặt mới.
Guy Pearce "Memento"
“Tội đồ” lần này là hãng phim có tên AMBI Pictures, mới được cấp quyền làm lại tác phẩm vốn đã hoàn hảo như Memento. Bộ phim gốc với kịch bản và chỉ đạo của hai anh em nhà Nolan kể về hành trình của người đàn ông tên Leonard (Guy Pearce) truy tìm dấu vết kẻ sát nhân đã giết hại vợ của mình. Đây được coi là tác phẩm đứng đầu kết tinh tài nghệ của Christopher Nolan. Chẳng có lí do gì để làm lại một tác phẩm như Memento, liệu có thể thêm thắt hay lược bỏ điều gì ở một bộ phim vốn đã hoàn hảo như thế?
Giống như Memento, Ghost In The Shell dường như là một trong những bộ phim cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác mới cần đem remake. Để làm lại một bộ phim hoạt hình Nhật Bản có bối cảnh phức tạp như thế, một tác phẩm Hollywood nếu không phải là bom tấn thì ngay cả khi đó là Scarlett Johansson vào vai chính đi chăng nữa thì vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thất bại. Bên cạnh đó,tác phẩm của Rupert Sanders sẽ bị “soi” dưới con mắt dò xét của fan hâm mộ của bộ hoạt hình nguyên tác nếu có ý định thay đổi dàn diễn viên và cả nội dung câu chuyện cho hợp thời.
Thật buồn cười khi người ta có ý định làm lại một bộ phim như Escape From New York. Các tác phẩm của John Carpenter luôn mang tính thời đại, tức là đại diện cho khoảng thời gian mà nó được ra mắt. Cũng như vậy, Escape From New York là một bộ phim thấm đẫm chất thập niên 80 và đại diện cho văn hoá thập niên 80 thế kỉ trước. Kurt Russell trong vai nhân vật phản anh hùng Snake Plissken siêu ngầu, được gửi tới để giải cứu tổng thống trong một New York bị biến thành nhà ngục khổng lồ. Dự án remake bộ phim đã manh nha từ hồi 2007 và Gerard Butler từng được mời nhận vai Snake. Hãy nhìn xem sau 8 năm ngôi sao của 300 đã đi xa tới đâu, trong khi dự án của Escape From New York vẫn còn đang rậm rịch với 20th Century Fox.
Làm lại một bộ phim của Hitchcock đã là một ý tưởng tệ lắm rồi, vậy mà lần này người ta nỡ trao The Birds vào tay Michael Bay. Tuy nhiên đạo diễn bản remake này sẽ là Diederik van Rooijen, người không có nhiều tên tuổi trong giới đạo diễn phim điện ảnh mà lại nổi danh nhờ vào thành công của các phim ngắn. Dù gì đi nữa, The Birds là một tác phẩm xuất sắc của Hitchcock, việc làm lại nó bằng một đạo diễn người Hà Lan chuyên về phim ngắn và sự trợ giúp tới từ ông đạo diễn của Teenage Mutant Ninja Turtles đúng là một cơn ác mộng.
Al Pacino trong vai diễn để đời trong "Scarface"
Hãng Universal đúng là đang tỏ ra thật tàn nhẫn khi bất chấp lời thỉnh cầu từ phía người hâm mộ vẫn quyết tâm cho chạy dự án remake của Scarface. Những người thuyết phục được hãng phim này bật đèn xanh cho bản làm lại không ai khác ngoài biên kịch Jonathan Herman và đạo diễn Pablo Larraínm, hầu như vô danh tại Hollywood. Thực ra cũng không đúng cho lắm khi vốn dĩ bản Scarface năm 1983 có sự tham gia của Al Pacino cũng chỉ là bản remake lại bộ phim năm 1932 của đạo diễn Howard Hawks. Tuy nhiên, thế giới có quá đủ Scarface khi diễn xuất cảu Al Pacino và tài chỉ đạo của Brian De Palma đã đánh dấu một vị trí vững chắc trong lòng người xem, phản ánh cả những vấn đề xã hội đầy nhức nhối khi đó. Đã hơn 30 năm trôi qua, phiên bản remake định làm gì để xứng đáng với tác phẩm gốc của nó?
Ai mà không yêu Big Trouble In Little China? Ai mà không yêu The Rock cơ chứ? Nhưng như thế không có nghĩa có thể đem những tình cảm ấy nhồi nhét trong một phiên bản làm lại sẽ ra mắt vào năm sau và hi vọng nó vẫn còn vẹn nguyên.
Ngay cả khi có sự xuất hiện của Dwayne Johnson, thì tin tức về bộ phim làm lại của Big Trouble In Little China vẫn khiến nhiều fan nghi ngờ. Sở dĩ bởi bộ phim của John Carpenter từ thời ấy vốn đã là một bộ phim chế, sinh ra để “mỉa” mấy đòn đánh kungfu, còn gì để có thể làm lại trong một phiên bản hiện đại nữa? Vậy mà đạo diễn này của bản gốc lại sẵn sàng tuyên bố: “Tôi cũng băn khoăn về bản làm lại, hay nói cách khác là nó còn tuỳ thuộc vào việc tôi được trả bao nhiêu tiền để làm bộ phim này.” Nếu Carpenter chỉ đạo cho phần làm lại, cũng chưa thể đảm bảo vào một thành công của Big Trouble In Little China, vì đơn giản thị hiếu của khán giả đã thay đổi quá nhiều kể từ năm 1986 ấy.