Những bộ phim nổi bật trong nửa đầu năm 2015 (phần 2)

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/07/2015 02:00 PM

Không phải bộ phim nào cũng giành được sự chú ý của đông đảo khán giả và có doanh thu cao, nhưng chúng vẫn được coi là những phim có chất lượng tuyệt vời.

Năm 2015 là năm của rất nhiều bom tấn, bên cạnh đó thì cũng có những bộ phim có kinh phí thấp nhưng chất lượng vẫn cực kì ấn tượng. Hãy cùng điểm qua những bộ phim đó.

1. Ex Machina

Dù không được chào đón rầm rộ như “đồng loại” Terminator: Genisys, nhưng nàng Ex Machinadịu dàng và sâu sắc vẫn chiếm được cảm tình của khán giả. Sau nhiều năm dòng phim khoa học viễn tưởng không có ý tưởng mới nào đột phá thì Ex Machina thực sự là làn gió mát thổi vào vùng đất khô cằn này. Một ý tưởng không quá mới lạ nhưng các chi tiết trong kịch bản thì cực kỳ chặt chẽ, kết hợp với hiệu ứng kỹ xảo mượt mà và diễn xuất tinh tế của diễn viên là những yếu tố làm nên thành công của phim.

love-ee65d

Câu chuyện về nàng robot Ava trong phim dường như được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển “Frankenstein” và cũng không kém phần bi đát như thế. Nội dung bên trong hàm chứa khá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề giới tính, trí thông minh, định kiến, khác biệt, xung đột… trong xã hội. Những câu thoại trong phim không bị rơi vào tình trạng quá cao siêu hoặc sáo rỗng. Còn Ava thực sự là một trong những nữ nhân vật xuất sắc nhất của dòng phim khoa học viễn tưởng.

Trailer của "Ex Machina"

2. Me and Earl and the Dying Girl

Cũng là một phim lấy chủ đề tình yêu và bệnh hiểm nghèo nhưng nếu bạn tìm hiểu kỹ, Me and Earl and the Dying Girl có cách thể hiện hoàn toàn khác với The Fault in Our Stars năm ngoái. Bối cảnh phim là môi trường trung học điển hình trong đó mỗi học sinh thuộc về một nhóm, một thế giới riêng khác hẳn nhau.

Cậu bé Greg Gaines 17 tuổi cảm thấy mình lạc lõng và không thuộc về nhóm nào. Thế rồi theo “lệnh” của mẹ, Greg buộc phải đến thăm nom cô bé Rachel Kushner sau khi cô bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu. Greg bắt đầu thuyết phục Rachel để cậu quay lại những thước phim cuối đời cô, và giữa hai đứa trẻ cô đơn bỗng khởi đầu một tình cảm gắn bó lạ kỳ. Sự hài hước, duyên dáng, đau thương mà không bi lụy là những điểm cộng cho Me and Earl and the Dying Girl. Thông qua phim, người lớn sẽ hiểu hơn về cuộc sống của thanh thiếu niên còn những người trẻ tuổi sẽ tìm thấy hình ảnh của bản thân mình trong các nhân vật.

Trailer của "Me and Earl and The Dying Girl"

3. It follows

Xuất phát điểm chỉ là một phim độc lập kinh phí thấp và được công chiếu hạn chế, It Follows bỗng trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ hiệu ứng truyền miệng. Khi dòng phim kinh dị đang đi theo motif cũ mòn cùng những chiêu trò dọa ma cũ rích, It Follows trở thành điểm sáng nhờ tư duy sáng tạo của đạo diễn kiêm biên kịch David Robert Mitchell. Không ma quỷ, không hù dọa, sinh vật đáng sợ mang tên “It” trong phim xuất hiện đường hoàng giữa thanh thiên bạch nhật và bước đi rất chậm rãi nhưng cũng đủ khiến khán giả hết hồn. Ý tưởng về loài sinh vật ma quái lan truyền từ người này qua người khác cũng hết sức thú vị. Cũng giống như Friday the 13th năm nào, It Follows ẩn chứa khá nhiều chi tiết giễu cợt các phim kinh dị truyền thống.

4. A Girl Walks Home Alone at Night

Điện ảnh Iran đã làm thế giới phải ngạc nhiên với bộ phim ma cà rồng đầu tiên. Thế nhưng nó lại không đi theo hướng câu khách giật gân với những màn hút máu và giết chóc kinh dị. Tất nhiên, khán giả vẫn cảm thấy một chút lạnh gáy khi chứng kiến cô gái ma cà rồng lang thang khi màn đêm buông xuống thị trấn điêu tàn trong bộ đồ với khăn trùm đầu đen tuyền, kín mít – thứ phục trang truyền thống của phụ nữ Iran.

Nhưng trên tất cả, cái đáng sợ nhất vẫn là sự cô đơn đến ngột ngạt bao trùm lên tất thảy, che khuất những cảnh đời éo le bên dưới. Không màu sắc, không âm nhạc, cả bộ phim chỉ có bóng tối mù mờ và những âm thanh buồn tẻ, hệt như thân phận những con người – và cả ma ca rồng – sống trong đó vậy.

Trailer của "A Girl Walks Home Alone At Night"

5.  Kumiko – The Treasure Hunter

Kumiko - The Treasure Hunter là câu chuyện lạ kì của người phụ nữ quyết đi tìm chiếc vali chứa một triệu đô được giấu bởi nhân vật của Steve Buscemi – Carl Showalter trong bộ phim Fargo (1996) của anh em nhà Coen. Hai đạo diễn chưa từng xác nhận nó có thật, thậm chí còn lấp lửng về dòng chữ DỰA TRÊN CÂU CHUYỆN CÓ THẬT đầu phim nhưng Fargo vẫn làm một cô gái 29 tuổi tại Nhật tin hoàn toàn. Bỏ lại công việc nhàm chán tại quê nhà cô dấn thân đến vùng tuyết trắng nước Mỹ tìm sự thật.

Đây là một bộ phim đẹp và có những khung hình chỉn chu. Những cảnh quay khi Kumiko lang thang ở nước Mỹ thực sự quyến rũ: một cô gái châu Á mặc áo khoác đỏ lang thang vừa khiến người ta bị thu hút vừa gợi chút gì đó ma mị không thực.

Từ đoạn đầu phim khi Kumiko đi tàu điện ngầm trong buổi chiều ảm đạm cho tới lúc cô gặp gỡ bạn bè, thả chú thỏ cưng đi mất đều thể hiện rõ sự cô đơn và bế tắc. Cô bị chết dần chết mòn vì những định kiến về một cô gái 29 tuổi không chồng không con ở một đất nước nhiều cái lạ lùng nhưng vẫn còn đi vào lối mòn lề thói xã hội. Đến tận lúc Kumiko xem được cuộn băng cũ và lên đường đi tìm kho báu cô mới bược giải thoát. Dấn thân vào hành trình nguy hiểm nhưng đỡ tẻ nhạt hơn cuộc sống trước mắt, đó chẳng phải là một điều có hậu ngay từ khi bắt đầu phim đó sao? Và kết thúc thật của phim, nó chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ.

Trailer của "Kumiko The Treasure Hunter"

6. Love and Mercy

Đây được coi là một trong những phim tiểu sử xuất sắc nhất của thời đại này. Lựa chọn nói về giai đoạn đen tối nhất trong cuộc đời nghệ sĩ thiên tài Brian Wilson (nhóm The Beach Boys) là khi ông sa đà vào ma túy và bị chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, đây là thách thức lớn với cả đoàn làm phim.

Nhưng nhờ diễn xuất xuất thần của Paul Dano (người thủ vai Brian Wilson lúc trẻ) cùng với những bản phối tuyệt vời của nhà soạn nhạc nổi tiếng Atticus Ross, Love & Mercy đã dành được sự ngợi khen nhiệt liệt từ các nhà phê bình. Cả bộ phim như một giai điệu chói gắt và hỗn loạn như cuộc đời đầy sóng gió, lắm vinh quang mà cũng nhiều cay đắng của người nghệ sĩ, và kết thúc của nó là  những nốt nhạc dịu dàng khi Brian Wilson được cứu sống bởi tình yêu của đời mình.

Trailer của "Love & Mercy"

7. Slow west

Là bộ phim đầu tay của đạo diễn/ biên kịch John Maclean, Slow west mang lại một cảm nhận khá khác so với những phim đề tài miền viễn tây khác. Phim của anh mang đến sự trong trẻo và ngây thơ hơn, kiểu hòa quyện rất đáng yêu giữa sự non tay của một đạo diễn lần đầu làm phim truyện dài và tính chất tàn nhẫn, khốc liệt của sự việc. Phim còn là bài học trưởng thành của cậu trai Jay từ người đồng hành trưởng thành và tàn khốc Silas. “Tồn tại không phải là biết lột da thỏ rừng mà lúc nào thì nói, lúc nào thì im lặng”. Phim còn nhiều câu thoại ngắn mà chất như thế.

Hình ảnh, đặc biệt là nhạc phim được trau chuốt chỉn chu. Có lúc cực khốc liệt, có những lúc đầy lãng mạn. Đạo diễn của phim là người từng có thời gian chơi nhạc dài nên không có gì ngạc nhiên khi phần âm nhạc trong Slow West rất ấn tượng. Chuyện phim buồn nhưng tiếng guitar vui tươi, cuốn hút, đầy nhịp điệu không tạo sự đối lập mà ngược lại, gây dựng cho phim một chất rất riêng.

Trailer của "Slow West"