Từng gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều độc giả tại Việt Nam, Dragon Ball cho tới nay vẫn luôn là một trong những truyện tranh thiếu nhi ăn khách nhất mọi thời đại. Những nhân vật như Son Goku, Ca Đích (Vegeta) hay cả các đòn thế từng xuất hiện trong truyện cũng được phổ biến rộng rãi trong giới trẻ một thời, điển hình như chiêu thức Ka Mê Jo Ko nổi tiếng của sư phụ Rùa.
Trong phiên bản tiếng Nhật, tên gốc của chiêu thức này là Kamehameha và đây được coi là tuyệt kỹ mà các võ sinh của Quy Lão Kame thường xuyên sử dụng. Nếu xét về nghĩa thì từ Kamehameha trong tiếng Nhật được dịch nghĩa là Sóng Rùa Hủy Diệt (Turtle Devastation Wave).
Trong các bộ phim nước ngoài phiên bản Mỹ hay Đức, cái tên Kamehameha vẫn được giữ nguyên. Thế nhưng ở phiên bản tiếng Tâu Ban Nha, nó lại được dịch ra thành Onda Vital - Tạm dịch là Sóng Năng Lượng. Xét theo một khía cạnh nào đó thì cái tên này cũng không khác nghĩa so với Kamehameha là mấy nhưng nếu bạn nghe cách đọc của chúng thì hẳn bạn sẽ khó có thể nhịn được cười.
Cách gọi chưởng Kamehameha theo tiếng Tây Ban Nha
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như hầu hết các nước trên thế giới đều để nguyên là Kamehameha thì chỉ riêng có Tây Ban Nha là thay đổi thành Onda Vital. Thậm chí, với các fan hâm mộ của Dragon Ball tại Châu Âu, cách đọc của Kamehameha tiếng Tây Ban Nha nghe quá mức hài hước và đã trở thành chủ đề cho một số bức ảnh chế. Đơn cử như bức hình sau.
Đến đây, tôi chợt nhớ ra rằng chính Việt Nam chúng ta thời xưa khi Dragon Ball lần đầu tiên được xuất bản, tên của Kamehameha cũng đã được đổi là Ka Mê Jo Ko. Vậy có khi nào các độc giả của Dragon ball trên thế giới cảm thấy buồn cười khi đọc cái tên này giống như Onda Vital của Tây Ban Nha không nhỉ? Tôi nghĩ chắc là không bởi tới nay, tôi vẫn chưa thấy được bức hình chế nào của fan nước ngoài về Ka Mê Jo Ko cả, họa chăng chỉ có câu nói hài hước từng phổ biến một thời với các bạn trẻ 8x và 9x là "Ka Mê Jo Ko vỡ bô đi..." mà thôi.