- Theo Trí Thức Trẻ | 12/12/2015 11:56 AM
Bệnh tật? Đói khổ? Không phải, vì chiến tranh
Ven bờ hồ, cạnh mảnh đất chi chít mộ bia của những con đom đóm, nay lại có thêm một nấm mồ lớn. Setsuko giống như đom đóm, vùi mình vào giấc ngủ triền miên, bỏ lại những cay đắng khổ cực của thời đại, những lạnh lùng tàn nhẫn của con người, bỏ lại anh trai Seita cô độc giữa bóng tối.
Đã hai mươi năm kể từ khi phim hoạt hình Mộ Đom Đóm (Hotaru no Haka) do Ghibli sản xuất lấy đi nước mắt của hàng triệu người xem trên khắp thế giới, đạo diễn Hyugaji Taro đã tái hiện lại câu chuyện bi thương này bằng phiên bản điện ảnh cùng tên. Được công chiếu vào năm 2008, phim điện ảnh Mộ Đom Đóm với độ dài 100 phút sẽ mang chúng ta trở về với Nhật Bản u ám vào cuối thế chiến thứ hai, để nhận ra những hệ lụy do chiến tranh mang lại tàn khốc đến mức nào.
Poster phim
(Lưu ý: Bài viết tiết lộ một số tình tiết nội dung phim)
Mộ Đom Đóm là câu chuyện đầy chua xót kể về hai anh em Seita và Setsuko - hai đứa trẻ đã mất mẹ sau cuộc ném bom dữ dội của không quân Mỹ vào thành phố Kobe, trong khi người cha đang chiến đấu cho Hải quân Hoàng gia Nhật. Seita và Setsuko nương nhau mà sống, vật lộn để tồn tại giữa nạn đói đang bao trùm lên nước Nhật cùng sự nhẫn tâm của người họ hàng mà chúng đang ăn nhờ ở đậu. Cuối cùng, em gái Setsuko đã chết vì đói trong một cái hầm bỏ hoang. Khi người anh Seita tìm thức ăn trở về, mặc cho cậu thống thiết gọi, Setsuko sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Anh trai Seta (Yoshitake Reo đóng)
Em gái Setsuko (Hatakeyama Rina đóng)
Dường như mỗi người tìm đến bộ phim này đều cất giấu sẵn trong lòng mình một ấn tượng sâu đậm về phiên bản hoạt hình ra mắt năm 1988, nên nhiệm vụ vượt qua tượng đài lớn Ghibli gần như là điều không thể. Trong khi phim hoạt hình dùng những gam màu tươi sáng, tập trung thể hiện tình anh em đầy xúc động, thì phiên bản người đóng khắc họa rõ nét hơn bức tranh hiện thực về nước Nhật điêu tàn, kiệt quệ cuối thế chiến.
Đó là bầu không khí mang hơi thở Chủ Nghĩa Đế quốc khi cả hai lần đưa em gái rời nhà, Seita đều bắt gặp những đoàn thanh niên nam nữ mặc quân trang hát vang bài ca phục vụ đất nước. Đó là khung cảnh tang thương của nhà cửa bị tàn phá bởi đạn bom. Đó là khuôn mặt xám xịt vì đói khổ của người dân đã mất đi mọi hi vọng, sống nay chết mai... Tất cả những hình ảnh ấy hiện lên đơn giản mà chân thực, là bóng tối hằn sâu trong ký ức người Nhật Bản.
Hai đứa trẻ trở nên mồ côi khi mẹ qua đời trong trận ném bom
Seita đưa em gái đến sống nương nhờ họ hàng xa. Người dì ích kỷ đón nhận hai đứa trẻ chỉ vì những thứ còn giá trị trên chiếc xe đẩy của chúng. Seita có thể cắn răng nhẫn nhịn những tủi nhục của phận ăn nhờ ở đậu, nhưng cậu kiên quyết phản đối khi người dì liên tục lấy cắp những bộ kimono kỷ vật của mẹ mình đem bán. Cuối cùng Seita đưa Setsuko rời khỏi căn nhà đó, đến sống ở một hang gỗ bên bờ hồ hẻo lánh. Hai đứa trẻ sống trong cảnh đói kém ở đó một thời gian. Cùng đường, Seita phải bán dần những kỉ vật của mẹ để đổi lấy lương thực, cho đến khi Setsuko không thể gắng gượng được nữa. Cô bé trút hơi thở cuối cùng ở nơi tối tăm và cô quạnh ấy.
Ở tình tiết này, có một số ý kiến trái chiều về việc Seita kiên quyết bỏ đi thay vì nhịn nhục ở lại nhà họ hàng, gián tiếp dẫn đến cái chết của em gái. Tác giả của cuốn sách bán tự truyện này cũng nói rằng đây là lời xin lỗi đối với cái chết của em gái. Mặt khác, cũng có thể xem như âm thầm chỉ trích việc Nhật Bản tham gia chiến tranh thế giới, chính lòng kiêu hãnh dân tộc của họ đã làm đất nước bị thiệt hại nặng nề.
Seita và Setsuko thường xuyên chịu sự ghẻ lạnh của người dì
Mặc dù nói đã tinh lược bớt cảm xúc lãng mạn, nhưng không có nghĩa Mộ Đom Đóm điện ảnh là một phiên bản khô khan. Người xem vẫn có thể cảm nhận được tình cảm anh em khăng khít qua cảnh Seita tắm cho Setsuko bên bờ biển, khi hai đứa trẻ chia nhau bữa đói bữa no, khi người anh cố mang lại niềm vui cho em gái bằng cách nhảy múa hay bắt đom đóm... Có chăng là do cuộc sống quá khổ cực và tủi nhục, chưa kịp đau buồn vì ngày hôm nay đã phải lo lắng đến bữa cơm của ngày mai. Hai anh em từng được sống no đủ ấm cúng cho đến khi người cha biệt tăm còn mẹ thì đột ngột qua đời. Seita chưa đủ lớn mạnh để vừa mưu sinh vừa chăm sóc đứa em gái còn quá non nớt và hay khóc. Cậu bé đã luôn phải giấu nỗi đau đớn vào trong lòng. Lúc nghe tin mẹ mất, Seita chỉ có thể cắn răng kéo chiếc xe đẩy có Setsuko đang ngồi chạy liên tục 20 vòng ngăn không cho mình bật khóc trước mặt em gái.
Cảnh tắm biển tương tự với phiên bản hoạt hình
Tưởng như cha mẹ vẫn đang dõi mắt theo hai đứa con thơ
Setsuko thích thú khi nhìn thấy những con đom đóm bên bờ hồ. Seita bắt chúng và mang vào chỗ ở tối tăm của hai anh em. Những con côn trùng lập lòe thắp lên chút niềm vui nhỏ bé. Buổi sáng, phát hiện lũ đom đóm đã chết, Setsuko đòi anh mình xây mộ cho chúng. Dưới gốc cây, những tấm bia gỗ chi chít mọc lên. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đom đóm cũng tượng trưng cho linh hồn của những người đã khuất. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng đến việc hàng triệu người đã bỏ mạng vì chiến tranh, những nấm mồ rải rác khắp nơi trên đất nước.
Niềm vui le lói trong cuộc sống tối tăm
Hai anh em xây mộ cho đom đóm
Ngoài nội dung, bối cảnh được xây dựng, điều đáng chú ý khác ở phim là diễn xuất của hai diễn viên nhí Reo và Rina. Không có nhiều lời thoại, nhưng từ ánh mắt trong trẻo của Seita và Seita luôn toát lên vẻ lạc lõng, u buồn. Nhìn vào hình ảnh hai đứa trẻ dắt díu nương tựa nhau mà sống, người xem đã cảm nhận được sự lẻ loi, cô quạnh của những gia đình mồ côi, mất đi thân nhân vì chiến loạn.
Hình ảnh Setsuko trút hơi thở cuối cùng bên cạnh con búp bê vải cũ mèm và hộp kẹo trái cây đã hết nhẵn cũng là một hình ảnh gây chấn động. Đôi mắt ngây thơ của cô bé vẫn mở to, nhưng đã mãi mãi mất đi ánh sáng. Hoặc ở phân cảnh cuối cùng, Seita thẫn thờ đi dưới làn mưa, giống như giọt lệ đổ xuống khóc thương cho Setsuko. Seita ngã xuống trong cơn mưa ấy, tỉnh dậy lại thất thểu đi về nơi vô định.
Hình ảnh cuối cùng của Setsuko
Phim không xoáy vào tình trạng sức khỏe suy yếu của Setsuko những ngày cuối đời, cũng không thấy được Seita quằn quại gào khóc vì mất đi em gái. Đạo diễn muốn thể hiện cái đau đã ngấm vào xương tủy, đã làm băng giá cả tâm hồn con người. Nhật Bản đối mặt với thất bại trong Thế chiến thứ hai bằng sự nhẫn nhục và trầm mặc. Chiến tranh để lại cho đất nước này những vết thương, nhưng họ cũng không muốn xé mở ra cho kẻ khác thấy.
Phim điện ảnh Mộ Đom Đóm (2008) có thể sẽ không làm bạn bật khóc nức nở như phiên bản hoạt hình. Tuy nhiên chậm rãi thưởng thức và hòa mình vào nó, chúng ta lại thấy sống mũi mình đã cay cay từ lúc nào. Đôi khi nỗi đau xót hay lời buộc tội chẳng cần phải bày tỏ ra quá rõ ràng. Những cảm giác này sẽ ngấm vào nội tâm và nhận thức, cũng là một trải nghiệm mà mỗi người hâm mộ câu chuyện Mộ Đom Đóm nên nếm thử.
Trailer phim "Mộ Đom Đóm"
(Theo Kenh14 - Trí Thức Trẻ)