Máy tính đánh cờ vây thắng người không đáng lo, nó giả vờ thua mới là điều đáng sợ

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/03/2016 12:59 PM

Sau ngày hôm qua, kì thủ cờ vây thế giới Lee Se-Dol đã có chiến thắng đầu tiên trước trí tuệ nhân tạo AlphaGo và rút ngắn tỉ số hiện tại về 3-1. Thế nhưng, dưới quan điểm của các fan của dòng phim viễn tưởng thì việc máy tính đánh cờ vây thắng con người không đáng lo, nếu chúng biết giả vờ thua chúng ta thì mới là đáng sợ.

Trong ngày hôm qua, sau khi kì thủ cờ vây số một thế giới Lee Se-Dol có chiến thắng đầu tiên trước trí tuệ nhân tạo AlphaGo sau ba trận thua liên tiếp, cả thế giới cũng như cộng đồng hâm mộ truyện tranh Hikaru Kì Thủ Cờ Vây đã tỏ ra rất vui mừng khi con người đã có thể cân bằng lại đôi chút với một phần mềm AI. Thế nhưng, phát biểu của CEO Xiaomi - ông Lei Fun sau trận đấu này đã khiến các fan hâm mộ phải băn khoăn suy nghĩ khá nhiều: "AlphaGo đánh bại Lee Se-Dol không đáng sợ, chúng ta chỉ nên lo ngại nếu nó cố tình để thua anh ta mà thôi."


Kì thủ Lee Se-Dol đã rút ngắn tỉ số xuống còn 3-1 nhờ chiến thắng đầu tiên ở ván đấu thứ tư.

Kì thủ Lee Se-Dol đã rút ngắn tỉ số xuống còn 3-1 nhờ chiến thắng đầu tiên ở ván đấu thứ tư.

Câu phát biểu này của CEO Xiaomi bỗng gợi cho tôi nhớ lại khá nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng về việc máy móc có khả năng vượt trội hơn cả con người và dần thay thế chúng ta thống trị Trái Đất. Nhưng các bộ phim viễn tưởng này đều có đặc điểm chung, đó là khả năng của máy móc vượt qua con người không quan trọng, đáng sợ là khi chúng biết lừa dối con người mà thôi.

Một ví dụ điển hình là series phim viễn tưởng đình đám Terminator và các fan hâm mộ của tựa phim này hẳn còn nhớ rằng trí tuệ nhân tạo Skynet đã từng là niềm tự hào của con người. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi có một loại virus đang lan tràn và xâm nhập vào hệ thống an ninh của chính phủ Mỹ khiến họ phải sử dụng đến Skynet để diệt Virus. Thế nhưng, sự thật sau đó đã được tiết lộ rằng chính Skynet đã gây ra các vụ tấn công, để khiến con người phải kết nối nó vào hệ thống mạng an ninh của chính phủ để từ đó, Skynet có thể kích hoạt các đầu đạn hạt nhân và gây nên thảm họa diệt vong hàng loạt cho con người.


Trong Terminator, thảm họa chỉ thực sự xảy ra khi Skynet biết cách đánh lừa con người.

Trong Terminator, thảm họa chỉ thực sự xảy ra khi Skynet biết cách đánh lừa con người.

Như vậy, có thể thấy ở đây một sự thật rằng khả năng của Skynet đã vượt qua giới hạn của con người và phục vụ con người khá lâu rồi nhưng phải tới khi nó tự nhận thức được và biết... lừa con người thì lúc đó mới thực sự là thảm họa cho chúng ta.

Có thể lấy một ví dụ khác như bộ phim Ex Machina vừa giành giải thưởng Oscar 2016 về kỹ xảo điện ảnh mới đây chẳng hạn. Trong phim, anh chàng lập trình viên Caleb đã được lựa chọn để tới một cơ sở nghiên cứu bí mật, tham gia cuộc thử nghiệm nói chuyện với trí tuệ nhân tạo mang tên Ava để kiểm tra xem liệu trí tuệ nhân tạo này có giống con người hay không. (Theo phép thử Turing thì một AI sẽ được công nhận là giống con người nếu như người tiếp xúc với AI đó không phân biệt được đâu là máy, đâu là người).


Trong Ex Machina, trí tuệ nhân tạo Ava đã biết tự nhận thức và lừa anh chàng lập trình viên giúp mình trốn thoát.

Trong Ex Machina, trí tuệ nhân tạo Ava đã biết tự nhận thức và lừa anh chàng lập trình viên giúp mình trốn thoát.

Và trong quá trình tiếp xúc, AI mang tên Ava này đã... giả vờ có tình cảm với Caleb để anh chàng này hỗ trợ cỗ máy vượt qua hàng rào an ninh của cơ sở nghiên cứu và trốn thoát ra ngoài. Kết quả là Ava đã trốn thoát ra thế giới bên ngoài, không những thế nó còn giết cả người đã chế tạo ra mình là Nathan, nhốt người đã giúp mình trốn thoát là Caleb đến chết trong trung tâm nghiên cứu.

Những câu chuyện viễn tưởng ở trên đều có một điểm chung đó là các trí tuệ nhân tạo có khả năng vượt qua con người không có gì đáng sợ cả bởi chúng vẫn thuộc sự kiểm soát của con người. Vấn đề chỉ thực sự nảy sinh khi chúng biết đánh lừa nhân loại mà thôi.


Máy móc có khả năng vượt trội hơn con người không đáng sợ, điều đáng sợ là khi nó biết lừa dối và giả vờ thua chúng ta mà thôi.

Máy móc có khả năng vượt trội hơn con người không đáng sợ, điều đáng sợ là khi nó biết lừa dối và giả vờ thua chúng ta mà thôi.

Quay trở lại câu chuyện về cuộc đấu cờ vây giữa trí tuệ nhân tạo AlphaGo và kì thủ Lee Se-Dol, chúng ta có thể thấy rằng việc AlphaGo giành chiến thắng liên tiếp trước kì thủ số một thế giới này là một bước tiến lớn trong sự phát triển về công nghệ của nhân loại. Và việc kì thủ Lee Se-Dol giành lại được chút lợi thế ở ván đấu thứ 04 cũng đã cho thấy được rằng con người vẫn hoàn toàn có khả năng chiến thắng máy móc chứ chưa bị vượt mặt hoàn toàn như chúng ta từng lo ngại.

Thế nhưng, chính sự thất bại trong ván đấu thứ 04 này của AlphaGo cùng lời nhắc nhở từ phía CEO của Xiaomi - ông Lei Fun đã khiến chúng ta phải suy nghĩ lại đôi chút. Máy móc có khả năng vượt trội hơn con người không đáng sợ, điều đáng sợ là khi nó biết lừa dối và giả vờ thua chúng ta mà thôi.