Máy bay rơi ở phim trường "King Kong 2"

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/02/2016 02:24 PM

Theo kịch bản phim, phân đoạn máy bay của đoàn thám hiểm bị rơi đã được đoàn phim "Kong: Skull Island" thực hiện thành công trong ngày quay thứ 3.

Ngày thứ 3 ở phim trường King Kong 2 (24/2), một chiếc máy bay trực thăng của đoàn thám hiểm đã bị rơi ở thung lũng Tú Làn, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Chiếc máy bay bị gãy đôi, mảnh vỡ vung vãi khắp nơi, phần sau đuôi máy bay nằm trên một mô cát, giữa dòng suối gần cửa hang Chuột, nơi trú ngụ của vua khỉ.


Hang Chuột, một trong những phim trường tại thung lũng Tú Làn, xã Tân Hóa.

Hang Chuột, một trong những phim trường tại thung lũng Tú Làn, xã Tân Hóa.

Đuôi máy bay rơi trên dòng suối

Ngày làm việc thứ 3 của đoàn làm phim đến từ Hollywood, trong thời tiết mưa nặng hạt, lạnh 16 độ C. Phim trường được chuyển từ thôn Yên Phú, xã Trung Hóa về thung lũng Tú Làn, xã Minh Hóa. Con đường độc đạo bằng đá cấp phối dài gần 3km dẫn vào phim trường được hãng phim Legendary Pictures đầu tư gần 1,5 tỷ đồng, lầy lội do quá nhiều xe tải nặng vào, ra phục vụ công tác hậu cần. Tuy nhiên, không vì thế mà việc làm phim bị gián đoạn.

Khoảng 8 giờ sáng, đoàn làm phim bắt đầu bấm máy cho những phân cảnh đầu tiên. Theo kịch bản được tiết lộ, thì đây là nơi chiếc máy bay của đoàn thám hiểm trong phim King Kong bị rơi, mở đầu cho những đại cảnh hoành tráng và các pha hành động đến nghẹt thở.

Khá nhiều phóng viên báo chí có mặt tại đây, tuy nhiên bị lực lượng an ninh chặn ở vòng ngoài, cách phim trường chừng 3km. Một số phóng viên tìm cách thâm nhập nhưng đều thất bại, do phim trường nằm ở thung lũng Tú Làn, bốn bề núi đá cao vút.

Đúng 11 giờ, đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đến thăm phim trường theo lời mời của hãng phim, một số phóng viên báo chí được "bám càng", nhưng tất cả thiết bị ghi hình, điện thoại đều bị lực lượng an ninh "tạm giữ" trước khi vào trường quay. Phim trường được chia làm hai nhóm, một nhóm diễn xuất ở con suối, nhóm khác thì ở hang Chuột cách đó không xa. Đoàn làm phim làm việc hối hả, mặc cho có sự xuất hiện của người lạ, đạo diễn vẫn cho bấm máy. Đạo diễn Jordan

Vogt-Roberts nói: Cố gắng hoàn thành các cảnh quay sớm, để diễn viên về nghỉ ngơi vì thời tiết khá lạnh.

Trung tâm của phim trường là phần đuôi của chiếc máy bay trực thăng, được đặt trên một cồn cát, có những phiến đá nhô lên giữa dòng suối. Trời mưa nên suối chảy khá mạnh, mây mù bao phủ, khiến không gian thêm u uất, rất hợp với bối cảnh sau vụ tai nạn máy bay. Để khung cảnh đậm chất hoang sơ, nhân viên hiện trường thường xuyên phun nước lên mặt cát để xóa dấu chân trước mỗi cảnh quay. Diễn viên phải lội suối, nước ngập đến thắt lưng để diễn xuất. Cứ sau mỗi cảnh quay, các nhân viên phục vụ phải dùng chăn bông và giấy bạc quấn quanh người diễn viên giữ ấm.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và một số phóng viên được đoàn làm phim mời cơm ngay tại hiện trường với nhiều món ăn Âu, Á và Việt Nam. Một đầu bếp người Mỹ cởi mở cho biết: Họ có 10 đầu bếp và phải làm việc liên tục từ 1h sáng cho đến 20h, để phục vụ ăn uống cho hơn 800 người tại hiện trường, với 14 món ăn mỗi ngày. Tất cả các loại thực phẩm thiết yếu đều được đưa từ Mỹ sang.

Trở lại phim trường Yên Phú

Khác với những ngày đông nghịt người và xe cộ khi phim trường Hollywood đóng ở đây, thôn Yên Phú giờ im ắng, thanh bình, nhà nhà đóng kín cửa để tránh rét. Nếu như không được chứng kiến thì không ai nghĩ rằng, chỉ cách đây một ngày, nơi đây là phim trường nhộn nhịp của một bộ phim bom tấn. Đoàn làm phim rút đi, gần như họ không để lại một dấu vết gì, ngay cả một cọng rác cũng không có. Yên Phú trở lại với chính mình, một làng quê thanh bình, đẹp đến mê hồn.

Ở phim trường giữa bãi đá "hòn non bộ", ngay cả những cành cây khô được cắt tỉa khi quay phim, để cạnh gốc cổ thụ cũng không còn. Tìm ra bãi bồi ở hồ Yên Hóa, nơi phân cảnh đoàn thám hiểm gặp trâu khổng lồ, với hy vọng dấu chân trâu khổng lồ còn in trên mặt đất, nhưng nó cũng đã được lấp lại và phủ cỏ nguyên trạng.


An ninh chốt chặn trên con đường độc đạo, cách phim trường gần 3km, khiến phóng viên không thể thâm nhập phim trường.

An ninh chốt chặn trên con đường độc đạo, cách phim trường gần 3km, khiến phóng viên không thể thâm nhập phim trường.

Một người đàn ông chừng 50 tuổi, ra bãi bồi lùa đàn bò về chuồng tránh rét cho biết: Làng ông vốn biệt lập với bên ngoài, không mấy khi có người lạ vào làng. Vừa rồi đoàn làm phim về với hàng nghìn người và hàng trăm chiếc xe. Tự dưng người lạ từ đâu đến kiểm soát làng của ông. Trâu bò, gà vịt không được thả rông, người làng bỏ việc theo dõi đoàn làm phim khiến cuộc sống bị xáo trộn. Nhưng giờ đoàn làm phim rút đi, ông lại cảm thấy hụt hẫng và buồn.

"Họ đúng là người văn minh chú nờ, đi mà không để lại một cọng rác. Làm phim không biết lời lãi ra răng, nhưng tui thấy tốn kém thiệt. Họ thuê cả xe dọn vệ sinh từ Hà Nội vô để dọn rác. Đụng vô cái chi của dân là họ trả không thiếu một xu. Giá mà được thường xuyên ri thì dân ở đây cũng đỡ khổ. Như đàn bò của tui đây khi nhốt trong chuồng cũng được họ trả cho hơn 2 triệu đồng" - ông nói.

Thông tin từ đoàn làm phim cho biết, những cảnh quay ở Yên Phú rất thành công, mặc dù xảy ra một sự cố nho nhỏ. Một người tâm thần bất ngờ xông vào trường quay khi đang bấm máy ngày đầu tiên, nhưng đã được lực lượng an ninh khống chế ngay sau đó, nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc làm phim. Người dân Yên Phú rất nghiêm túc thực hiện cam kết không thả rông trâu bò tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quay.

Theo lịch trình, ngày 26/2, đoàn làm phim sẽ kết thúc các cảnh quay ở Quảng Bình để ra Ninh Bình. Tuy nhiên, các cảnh quay từ trên cao, ghi lại hình ảnh núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ở khu vực Chà Nòi, gần đèo Đá Đẽo vẫn chưa thể thực hiện. Bởi chiếc trực thăng được đoàn làm phim đưa từ Mỹ sang, hiện đang đỗ ở Phong Nha, phục vụ các cảnh quay nói trên vẫn chưa thể cất cánh vì thời tiết xấu.

Đây là một chiếc trực thăng chuyên dụng loại nhỏ, được gắn 6 camera trước mũi và một bàn điều khiển ghi hình ngay trong khoang máy bay. Một nhân viên trong đoàn làm phim cho biết: Chiếc máy bay trực thăng này được tháo rời các bộ phận để máy bay vận tải đưa từ Mỹ sang sân bay Nội Bài. Từ đây, được xe container chở về sân bay Gia Lâm, các chuyên gia Việt Nam lắp ráp, bay thử trước khi phi công người Mỹ điều khiển bay vào Quảng Bình. Rất có thể, đoàn làm phim sẽ rời Quảng Bình theo lịch trình, nhưng một nhóm phải ở lại để thực hiện các đại cảnh từ chiếc trực thăng này.


Chiếc máy bay đưa từ Mỹ sang chưa thể cất cánh để quay đại cảnh vì thời tiết xấu.

Chiếc máy bay đưa từ Mỹ sang chưa thể cất cánh để quay đại cảnh vì thời tiết xấu.

Tối cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sẽ có buổi mời cơm đoàn làm phim tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Dự kiến sẽ có khoảng 10 người trong đoàn làm phim tham gia bữa cơm này, trong đó có sự hiện diện của Giám đốc hãng phim Legendary Pictures. Tuy nhiên, hầu hết các diễn viên không thể tham gia bữa cơm, vì họ muốn nghỉ ngơi, giữ sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo.

Được biết, bữa cơm sẽ diễn ra trong không khí thân thiện, ấm cúng, với những món đặc sản của quê hương Quảng Bình như bánh xèo, bánh đúc… Tại đây, đoàn làm phim sẽ được giới thiệu thêm nhiều cảnh đẹp của Quảng Bình bằng phim, ảnh, với hy vọng họ có thể lựa chọn cảnh quay cho những bộ phim tiếp theo.

(Theo Tiền Phong)