Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2)

KK  - Theo TTVN / Trí Thức Trẻ | 27/09/2013 0:00 AM

Cùng điểm qua những khó khăn thách thức mà nghành truyện tranh nước nhà đang phải đối mặt.

Các bạn có thể theo dõi phần 1 của bài viết tại đây

4, Phải gánh quá nhiều trách nhiệm lớn lao

Một vấn đề nữa mà nghành Truyện tranh nước nhà đang gặp phải hiện nay đó là những sự kì vọng cũng như những trách nhiệm quá lớn cộng đồng khoác lên vai nghành Truyện Tranh nước nhà trong khi nó vẫn chưa đủ lớn để đáp lại những sự kì vọng đó.

Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 1
Đem những trách nhiệm lớn lao đặt lên vai các tác phẩm truyện tranh Việt lúc này liệu có quá sức?

Một trong những trách nhiệm thường thấy mà xã hội hay gắn cho những đứa con Thuần Việt của mình đó là phải mang tính chất giáo dục, phải quảng bá văn hóa Việt Nam, phải kể về lịch sử nước nhà. Trong khi ai cũng biết rằng, việc đưa yếu tố văn hóa cũng như lịch sử cùng các thông điệp giáo dục giới trẻ vào truyện cần phải vô cùng khéo léo nếu không muốn truyện trở nên nhàm chán và đơn điệu.

Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 2
Những nét vẽ của họa sĩ Việt Nam đâu có thua kém quá nhiều so với truyện tranh Nhật.

Không những vậy, một số ý kiến còn tỏ ra khá khắt khe với Truyện Tranh Thuần Việt khi đòi hỏi các họa sĩ phải vẽ sao cho “đẹp” bằng hoặc hơn các truyện tranh nước ngoài, điển hình là Nhật Bản. Trong khi khái niệm vẽ như thế nào là đẹp trong truyện tranh khá là mơ hồ bởi có quá nhiều phong cách vẽ tồn tại trong thế giới truyện tranh, đơn cử như OnePiece, một bộ truyện tranh vẫn rất ăn khách và được độc giả mến mộ với phong cách vẽ đơn giản, ngộ nghĩnh và có phần hơi trẻ con, đây chính là những điều đã làm nên sự thành công của bộ truyện tranh này.
Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 3
Hãy để nghành Truyện Tranh nước nhà lớn trước khi đòi hỏi quá nhiều từ nó.

Có thể nói rằng, nghành Truyện Tranh nước nhà hiện nay vẫn còn yếu ớt giống như một đứa trẻ và gần như chưa đủ sức để gánh những sự kì vọng lớn lao từ phía xã hội. Vậy phải chăng thay vì đòi hỏi quá nhiều ở “đứa trẻ” này, chúng ta hãy chăm sóc, bồi dưỡng cho đến khi nó đủ lớn để gánh những trách nhiệm nặng nề như: Giáo dục giới trẻ, quảng bá lịch sử và văn hóa Việt Nam hay cạnh tranh với truyện tranh ngoại nhập.

5, Cần được đầu tư hơn nữa

Nghành công nghiệp nào muốn phát triển được cũng cần một yếu tố, đó là sự đầu tư và Truyện Tranh Thuần Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nếu nhìn một cách tổng quát thì thị trường Truyện Tranh Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng từ phía các nhà đầu tư.

Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 4
Thiếu sự đầu tư khiến cho Truyện Tranh Thuần Việt khó phát triển.

Có thể nói, hầu hết các dự án truyện tranh Thuần Việt hiện nay đều chỉ dừng ở mức độ nghiệp dư và thực hiện với mục tiêu “for fun”. Rất hiếm những dự án nhận được sự đầu tư của các công ty cũng như từ phía các nhà xuất bản.


Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 5
Nguồn vốn là một điều không thể thiếu để phát triển bất cứ nghành nào.

Một lý do cho sự thiếu quan tâm này là do việc đầu tư cho các nhóm sáng tác truyện tranh Việt hiện nay sẽ mạo hiểm hơn so với việc nhập về các truyện tranh đã nổi tiếng của nước ngoài. Sự thiếu hụt đầu tư đã khiến nghành truyện tranh nước nhà lâm vào cảnh bế tắc khi mà các họa sĩ trẻ phải chạy khắp nơi nhưng vẫn không tìm được nhà xuất bản cho truyện của mình.

6, Sự cạnh tranh của các trang truyện Online

Tại những đất nước mà việc bảo vệ bản quyền vẫn chưa được thắt chặt như ở Việt Nam, các nhà xuất bản cũng như các họa sĩ truyện tranh sẽ vấp phải một sự cạnh tranh khá gay gắt đến từ các trang truyện tranh Online.

Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 6
Việc xuất bản truyện sẽ gặp khó khăn bởi các trang truyện Online.

Khi mà một tập truyện được ra mắt, có thể nói rằng ngay lập tức nó sẽ được scan lại và chia sẻ trên mạng Internet khiến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của truyện.

Lối đi nào cho Truyện tranh thuần Việt (Phần 2) 7
Sự cạnh tranh của truyện tranh online khiến nhiều công ty không dám mạnh dạn đầu tư xuất bản truyện Việt nam.

Đây cũng là một điều khiến các nhà xuất bản và các công ty chuyên về lĩnh vực truyện tranh cảm thấy đau đầu và chưa dám mạnh dạn đầu tư cho nghành truyện tranh nước nhà. 

Nhìn chung, sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc phát triển một thương hiệu cho nghành Truyện Tranh nước nhà. Thế nhưng, việc đầu tư cho nghành công nghiệp non trẻ này là thực sự cần thiết để đem lại cho đất nước một niềm tự hào mang tên Truyện Tranh Thuần Việt.