Lật lại lịch sử phim siêu anh hùng của Marvel từ thế kỉ trước

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/05/2015 07:00 PM

Nhân dịp Avengers: Age of Ultron ra mắt, chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường lịch sử mà dòng phim siêu anh hùng của Marvel đã trải qua.

Không phải từ đầu mọi phim của Marvel đều hoành tráng và đáng ngưỡng mộ như bây giờ. Quay ngược lại lịch sử, từng có thời Daredevil tạo hình y như The Dark Knight hay chất lượng của những phim siêu anh hùng Marvel trở nên tồi tệ vì ngân sách nghèo nàn. Như vậy không có nghĩa là tất cả những phim Marvel từ "ngày xửa ngày xưa" đều dở tệ. Điều này có nghĩa, để có được ngày huy hoàng như hôm nay, các siêu anh hùng của Marvel cũng phải trải qua lịch sử đầy thăng trầm. Cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng mà dòng phim này đã để lại ở thế kỉ trước.

1. Captain America (1944)

Quãng thời gian 5 thập kỉ đầu dấn thân vào Hollywood, Marvel vẫn trong tình trạng "nghèo xác xơ". Vì thế lựa chọn Republic Pictures, một công ty độc lập chuyên "thầu" những dự án rẻ tiền để quay Captain America của Marvel là hợp lý với túi tiền nhỏ bé hồi ấy. Có một sự thật là diễn viên vào vai Captain - Dick Purcell, đã sớm phá tướng, phát phì và chết không lâu sau khi đóng phim. Tuy vậy giá trị tuyên truyền và hình tượng bộ đồng phục của Captain America thì "thọ" hơn diễn viên xấu số này nhiều, khi tới nay đây là một trong những nhân vật siêu anh hùng nổi tiếng nhất thế giới.

2. Dracula: Sovereign of the Damned (1980)

Bộ phim hoạt hình của Nhật dựa trên cuốn truyện tranh Marvel mang tên "Tomb of Dracula", là một ví dụ điển hình cho việc chuyển thể từ truyện tranh sang phiên bản animated (hoạt hình) có thể sai lầm tới mức nào. Dracula trở nên ngớ ngẩn, đần độn, bộ phim thì rất vui vẻ vì đơn giản là mỗi khi bạn nghĩ những tình tiết phim không thể ngu si hơn thì các nhà làm phim lại đẩy điều đó tới một ngưỡng mới.

3. Red Sonja (1985)

Nhân vật Red Sonja được "sinh ra" từ tập truyện thứ 23 của "Conan The Barbarian". Còn nhân vật mà Arnold Schwarzenegger thủ vai mang tên Kalidor xuất hiện nhan nhản trên poster lại chẳng phải là nhân vật chính. Sự thật là bộ phim cũng không liên quan gì tới tiểu thuyết của tác giả Robert E. Howard, cha đẻ nhân vật Conan. Red Sonja cũng được coi là tiêu biểu cho dòng phim "đẹp mã" những năm 80, khi không thể tìm được điều gì để khen ngợi ngoài phục trang và kĩ xảo khá khẩm.

4. Howard the Duck (1986)

Con vịt "bá đạo" này lần đầu tiên xuất hiện năm 1973 trong tập truyện "Adventure Into Fear". Bộ phim năm 1986 thực sự là cơn ác mộng, đến mức nó thống trị hạng mục giải thưởng Mâm Xôi Vàng bấy giờ. Riêng tiền đổ vào bộ đồ của con vịt đã là 2 triệu đô la, và phải mất 8 người để phục vụ việc hoá trang riêng cho Howard the Duck. Phim lọt top 50 bộ phim dở nhất của dở nhất, chủ yếu những lời chê bai đến từ việc các nhà làm phim không tôn trọng tinh thần nguyên tác của Howard the Duck mà biến con vịt "thành thứ gì đó rất khác chủ nghĩa hiện sinh". "Đắng" hơn, đây là bộ phim đầu tiên Marvel dốc tiền túi "còng lưng" làm phim, trước đó thì họ chưa dám làm vậy.

5. The Punisher (1989)

Hai lần The Punisher được lên phim. Lần thứ nhất fan kêu ca không giống như comic, bệnh và hại não. Lần thứ hai đã theo nguyên tác như comic, nhưng thậm chí còn bệnh và hại não hơn. The Punisher năm 80 thế kỉ trước là một bộ phim kinh phí thấp, và mặc dù nó đã cố gắng đưa các tình tiết thật sự máu me và chết chóc thì nó vẫn là một bộ phim khá thất vọng. Ít nhất cái người hâm mộ "hóng" trong suốt cả phim là hình ảnh chiếc đầu lâu trên áo, biểu tượng của Punisher thì cũng chẳng thấy đâu.

6. Cyborg (1989)

Không, điều này không liên quan tới nhân vật Cyborg của DC Comics. Đây là điều xảy ra khi Cannon Films túng thiếu trong chuyện tài chính (vâng lại là vấn đề tài chính), và thế là họ dành phải thuê nhà làm phim hạng B Albert Pyun tái sử dụng phim trường Spider-Man để cho Jean-Claude Van Damme đóng vai Cyborg. Tuy vậy bộ phim lại khá thành công, vì những gì mà phim trường Người Nhện để lại cũng chỉ là đường phố New York "hư cấu" để làm nền cho kỉ nguyên hậu tận thế trong "Cyborg".

7. Captain America (1990)

Albert Pyun lại tiếp tục có một bộ phim đáng quên trong sự nghiệp, hơn nữa đây còn là một cú đánh vào tình hình tài chính của Marvel. Được biết tới như "Captain tệ nhất trong lịch sử", phiên bản Captain America 1990 được sinh ra trong điều kiện "chúng tôi hầu như không có một cắc trong ngân hàng", như đạo diễn Pyun ngậm ngùi chia sẻ. Như một lẽ tất yếu, với kinh phí nghèo nàn, đồng phục của Cap xấu đến nghẹt thở, quay phim dở tệ và những siêu anh hùng đánh nhau với Đầu Lâu Đỏ thì như những quả cà chua rám nắng có tay chân.

8. Doctor Mordrid (1992)

"Truyền thuyết" kể lại rằng bộ phim kinh phí thấp này vốn được làm về nhân vật Doctor Strange trước khi đạo diễn/nhà sản xuất phim hạng B Charles Band bị tước mất vài đặc quyền đặc lợi. Ông này là fan cứng của Marvel, thậm chí từng thuê Jack "King" Kirby để phục vụ việc thiết kế. Cho nên mặc dù cái tên không liên quan, người ta vẫn cứ thấy quanh quẩn bóng dáng của Doctor Strange, tiếc là không có bộ râu kinh điển. Nếu bất kì cảnh phim nào cũng được đầu tư như cảnh bộ xương khủng long trong bảo tàng thì rõ ràng Doctỏ Mordrid sẽ còn được ca tụng tới tận bây giờ.

9. Fantastic Four (1994)

Với kinh phí - siêu - siêu thấp (1.5 triệu đô la), tuy nhiên đây lại là bộ phim phản ánh khá sát tinh thần của Stan Lee và Jack Kirby trong truyện tranh hơn là bản reboot sau này. Roger Corman bằng cách nào đó đã có được bản quyền của Fantastic Four. Tuy nhiên tới năm 1994 ông này đứng trước vấn đề nếu không làm gì với bộ tứ siêu đẳng, nguy cơ là Corman sẽ mất quyền sở hữu và không được "lợi lộc" gì. Vì thế bộ phim kinh phí 1.5 triệu đô la được gấp rút đóng máy, cất vào hộp và không bao giờ biết tới các chiến dịch quảng bá thương mại.

10. Blade (1998)

Đây có thể coi là điều an ủi khi bộ phim năm 1998 mở ra kỉ nguyên thịnh vượng cho Marvel. Công thức thành công được cho là bắt đầu từ đây trở đi, các siêu anh hùng đã không còn chiến đấu bằng cách ném bom nữa. Wesley Snipes trong vai thợ săn ma cà rồng nửa người nửa "quỷ" đứng lên chống lại "họ hàng" của mình. Mặc dù phải chờ 4 năm nữa bộ phim mới đạt tới đỉnh cao với Blade 2 của Guillermo del Toro, tuy nhiên phần phim năm 1998 cùng với X-Men (2000) và Spider-Man (2002) được coi là những chất xúc tác mở đường cho nền phục hưng của dòng phim siêu anh hùng thế kỉ 21.

 

>> Giải đáp 11 tình tiết khó hiểu trong Avengers: Age of Ultron