Chắc hẳn chúng ta đều đã khá quen thuộc với những môn thể thao trí óc như cờ vua, thậm chí cả cờ tướng. Điều này cũng khá dễ hiểu khi cách chơi cũng như thời gian du nhập vào Việt Nam đều ủng hộ cho việc phát triển những môn cờ này. Tuy nhiên bạn đã bao giờ nghe tới cờ vây, hay thậm chí chơi thử nó chưa? Nếu là 1 fan của cờ vây hoặc tò mò với lối chơi của nó thì chắc hẳn có 1 bộ
truyện tranh sẽ làm thỏa mãn bạn, đó là Hikaru No Go.
Hikaru No Go (còn được biết đến ở Việt Nam với cái tên Kỳ Thủ Cờ Vây) được sáng tác bởi Hotta Yumi và minh họa bởi Obata Takeshi. Điều đáng chú ý là để đảm bảo chất lượng cho tác phẩm, Hikaru No Go được cố vấn chuyên môn bởi kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp Umezawa Yukari. Truyện đã vinh hạnh được nhận giải thưởng văn hóa Osamu Tezuka năm 2003 và giải Shogakukan năm 2000.
1.Thông tin
Tên truyện: Hikaru No Go
Tác giả: Hotta Yumi
Năm phát hành: 1998
Thể loại: Games, Psychological, Fantasy, School
Tình trạng hiện nay: Hoàn thành
2.Nội dung
Câu chuyện bắt đầu cậu bé Shindou Hikaru – nhân vật chính của chúng ta lục lọi căn gác xép của ông nội để tìm xem có gì có thể bán lấy tiền được và bắt gặp một chiếc bàn cờ vây cổ. Tuy nhiên điều kỳ lạ là không ai nhìn thấy vết máu trên bàn cờ ngoài cậu. Kỳ thực, đó là bàn cờ bị ám bởi hồn ma của Fujiwara no Sai, một kỳ thủ cờ vây đến từ thời đại Heian, vốn là người dạy cờ vây cho nhà vua nhưng do bị ganh ghét hãm hại nên đã bị đuổi khỏi thành.
Dù bao năm trôi qua nhưng Sai vẫn còn nặng lòng với cờ vây, anh thuyết phục Shindou bắt đầu chơi cờ. Tuy nhiên với tâm lý “coi thường”, cho rằng đó chỉ là trò chơi dành cho người già, Shindou đã từ chối. Thế nhưng kể từ đó, cuộc sống của Shindou liên tiếp xảy ra những sự kiện khiến cậu nhận ra rằng mình có niềm đam mê bất tận với bộ môn thể thao này và dưới sự chỉ dạy từ Sai, cậu ngày càng tiến bộ và đi đến thành công.
3.Đánh giá
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều tồn tại 1 suy nghĩ tương tự với nhân vật chính Shindou trong truyện, đó là cờ vây chỉ là 1 môn thể thao dành cho những người già, nhiều thời gian, tương tự như cờ tướng vậy. Tuy nhiên với sự có mặt của mình, bộ truyện tranh Hikaru No Go đã đập tan suy nghĩ ấy. Ở Việt Nam điều này không rõ ràng nhưng ở những đất nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan thì Hikaru No Go đã thực sự thổi 1 làn gió mới vào giới trẻ khi trở thành nguồn động lực để mọi người bắt đầu chơi cờ vây.
Cách xây dựng nội dung cũng như cách dẫn dắt truyện của tác giả được nhà phê bình đánh giá là khá xuất sắc khi vẫn mang đậm nét đặc trưng của manga Nhật Bản, cốt truyện có nhiều điểm nhấn và trên hết là Hikaru No Go mang lại cho người đọc vô vàn cảm xúc thăng trầm khác nhau. Đồng thời bên cạnh đó, các nhân vật được xây đựng theo phong cách nửa cổ điển, nửa hiện đại nên sẽ dễ dàng chiếm cảm tình của số đông bạn đọc.