Deadpool - Phim siêu anh hùng nhí nhố nhất trong năm

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 15/02/2016 06:54 PM

Dù là một bộ phim chỉ dành cho người trên 17 tuổi, nhưng Deadpool lại xứng đáng là một trong những phim hay nhất của năm 2016 này

Thông thường, khi đánh giá một bộ phim hay tựa game, tôi sẽ có một thói quen là phân tích tất cả những ưu nhược điểm của tác phẩm đó, và từ đó cố gắng đưa ra những đánh giá khách quan nhất dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Thế nhưng trong bài viết này, thay vì làm mọi thứ một cách xói mòn và dễ gây chán nản, tôi sẽ viết ngay đoạn kết mà lẽ ra các bạn sẽ phải cuộn xuống thật dài chỉ để biết liệu rằng phim có đáng xem hay không:

Nếu đang nghĩ ngợi giữa những bộ phim chiếu trong dịp xuân Bính Thân ngoài các rạp chiếu, ví như Mỹ Nhân Ngư, The Revenant hay Tía Tôi Là Cao Thủ, thì đừng ngần ngại chọn Deadpool, vì nói không ngoa, trong tháng 2, dù là một bộ phim Rated R chỉ dành cho người trên 17 tuổi, nhưng phong cách siêu anh hùng của phim lại quá sức nhí nhố, mới lạ và ấn tượng với những người đã quá quen với những Iron Man, Captain America hay Thor tuy có đôi ba cảnh hài nhưng bản chất vẫn nghiêm túc ở một mức độ nhất định.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, nếu bạn là một trong hai nhóm sau thì đừng nên thử qua bộ phim. Hoặc bạn là một người đang tìm một bộ phim hài hước vui vẻ để thưởng thức cùng cả gia đình, hoặc bạn là một người không biết một chút gì về Marvel và những siêu anh hùng chưa từng xuất hiện trong những tác phẩm trước đây.

Vì sao lại đưa đoạn tóm tắt kết bài theo kiểu “dài quá ngại đọc” lên đầu bài viết một cách kỳ quặc như vậy? Đơn giản vì Deadpool hoàn toàn không phải một bộ phim thông thường, và không thể thưởng thức theo cách mà chúng ta thường hay xem phim của Marvel từ trước tới nay.

Ngay ở những cảnh phim đầu tiên, Deadpool đã chứng minh nó không phải một bộ phim hành động siêu anh hùng thông thường. Một cảnh quay chậm giới thiệu tên nhân vật có một không hai (theo đúng nghĩa đen) trên nền nhạc phẩm Angel in the Morning. Rồi sau đó là gã lính đánh thuê “hâm dở” ngồi tô màu cạnh chiếc radio trước lúc ra tay hành động. Ngay sau đó là những lời giãi bày tâm sự của gã trong bộ đồ bó màu đỏ chót về việc vì sao mãi đến bây giờ phim mới ra mắt, cùng với đó không thể thiếu những câu đá xoáy những bộ phim khác, thậm chí là cả những… tập đoàn cấp vốn làm phim khổng lồ.

Nói đến đây thiết nghĩ cũng nên giải thích đôi chút cho các bạn độc giả chưa xem phim dựa trên vốn kiến thức ít ỏi của bản thân tôi về nhân vật vô tiền khoáng hậu này qua những bộ truyện tranh đã được đọc. Wade Wilson, một gã lính đánh thuê mắc trong mình căn bệnh hiểm nghèo, đã chấp nhận làm vật thí nghiệm của dự án Weapon X. Nếu đã xem Xmen Origins: Wolverine, các bạn cũng có thể nhận ra chi tiết đó.

Thế nhưng quá trình chữa trị cho Wade đã khiến tâm trí của hắn bất ổn. Hắn trở thành một con người nửa tỉnh nửa điên, nhưng không điên theo cách mà DC đã làm với Joker. Deadpool điên theo cách rất riêng, điên đến nỗi hắn biết mình là một… nhân vật truyện tranh và liên tục cãi nhau với người dẫn truyện.

Trong phim cũng vậy. Bạn sẽ không phải lo lắng về việc gã lính đánh thuê lắm mồm tương tác với khán giả ra sao. Đội ngũ biên kịch và bản thân diễn viên Ryan Reynolds đã làm quá tốt nhiệm vụ của họ. Những câu đùa cợt nhả của dàn diễn viên trong phim có lúc tục, có lúc thâm, nhưng cam đoan không bao giờ nhạt, ít nhất là nếu như bạn hiểu một chút về Marvel và một phần văn hóa Mỹ vì trong phim, Deadpool liên tục đề cập tới những thứ rất quen thuộc, từ StarWars, nhóm nhạc Wham! với bản hit Careless Whisper, và thậm chí là cả những bộ phim trước đó của chính Ryan Reynolds.

Những tình huống, những câu thoại hài hước diễn ra từ đầu cho đến cuối phim, thậm chí ngay cả sau khi bộ phim bước đến cảnh after credit, lúc gần nửa rạp đã lỡ đứng dậy ra về. Phải nói, nhờ vào việc được đóng mác rated R, sự hài hước của Deadpool không hề nhạt nhẽo chút nào. Phần này tôi sẽ nhường cho chính các bạn, những người chưa có điều kiện thưởng thức bộ phim này ra rạp trải nghiệm.

Tuy nhiên nếu như bỏ qua những tình huống đó, thì bộ phim còn lại gì? Tiếc một điều là bỏ qua những màn thoại ở mức xuất sắc, nhí nhố tới mức ngay cả những cô gái đi xem phim cùng bạn trai vốn chẳng biết gì về Deadpool cũng phải bật cười khanh khách sau những màn troll hay “gạt máy quay” để tránh những cảnh chém giết đẫm máu, thì bộ phim chỉ là một phim hành động bom tấn ở mức chấp nhận được. Một anh chàng đã thay đổi và quay trở lại để cứu lấy người mình yêu sau khi cô bị bọn xấu bắt cóc, nghe có gì đó hơi quen thì phải?


Hình như sáng nay anh quên tắt bếp?!?!

Hình như sáng nay anh quên tắt bếp?!?!

Nhưng may mắn thay cho Ryan Reynolds và đoàn làm phim, chỉ với kinh phí vỏn vẹn 60 triệu USD (mà thậm chí Deadpool còn chế giễu 20th Century Fox vì quá keo kiệt, tiền ít nên không thuê được mấy “Dị nhân ngầu ngầu” mà chỉ có anh chàng Colossus cục súc và cô bé Negasonic), họ đã tạo ra một món ăn hoàn toàn lạ lẫm với fan phim hành động. Từ đó, khán giả cũng phần nào bỏ qua cho cốt truyện có phần thụt lùi so với tiềm năng của nhân vật vô cùng bá đạo này, mà thay vào đó là chực chờ anh chàng làm một điều gì đó hài hước mà họ không thể đoán trước được.

Tiếc một điều duy nhất, đó chính là vai diễn của Ed Skrein. Mờ nhạt chẳng kém phần long trọng nếu so sánh với anh tài xế Frank Martin trong Transporter Refueled hồi năm ngoái, nhân vật Ajax của Skrein giống như một thể loại thủ pháp đòn bẩy mà đại thi hào Nguyễn Du xưa kia dùng với hai chị em nhà Kiều.

Nhân vật của Ed Skrein đùa nhạt nhẽo, vốn lời thoại có hạn, và liên tục dùng đi dùng lại một câu “punchline” dù khiến khán giả ngấy tận yết hầu. Bản thân Ajax trong phim chính là một trò đùa mỉa mai những phim siêu anh hùng khác: Sáo rỗng, thiếu muối và không nhiều ấn tượng nếu bỏ qua vẻ bề ngoài.

Nếu Ajax được xây dựng một cách hoàn hảo hơn, dù không cần quá bá đạo, mà chỉ cần nói ít mà chất, chắc chắn Deadpool đã có một đối thủ cân xứng trong bộ phim điện ảnh đầu tiên dành riêng cho gã.

Deadpool đã chính thức khởi chiếu tại Việt Nam kể từ ngày 12/02 vừa qua tại các rạp trên toàn quốc.