Đánh giá The Man From U.N.C.L.E. – Phim hành động hài đáng xem tháng 08

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 15/08/2015 0:00 AM

The Man From U.N.C.L.E. là một bộ phim tuy khó có thể bom tấn bằng nhiều tác phẩm dịp hè, nhưng lại có sức hấp dẫn người xem theo một cách rất riêng.

Vào tối ngày 13/08 vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được thưởng thức buổi công chiếu bộ phim The Man From U.N.C.L.E. tại cụm rạp CGV. Đây là bộ phim hành động hài được nhào nặn bởi bàn tay đạo diễn đại tài Guy Ritchie, cái tên đã quá nổi danh với những tác phẩm như Snatch, Sherlock Holmes, RocknRolla hay Lock, Stock and Two Smoking Barrels.

Xét trên góc độ của một người hâm mộ như cá nhân tôi, những tác phẩm trước năm 2010 của Ritchie luôn có được chất riêng, vừa tinh tế, vừa đậm chất hài hước ít phim nào có được, đi kèm với đó là những nút thắt không dễ gì đoán ra. Tuy nhiên không phải vì thế mà tôi bớt kỳ vọng vào The Man From U.N.C.L.E., nhất là với dàn diễn viên đủ sức thu hút mọi khán giả đến rạp: Armie Hammer, Henry Cavill và Alicia Vikander…

An nguy nhân loại? An nguy nào cơ?

Câu nói kể trên mô tả một cách hoàn hảo những gì chúng ta được theo dõi trong phim. Bất đắc dĩ trong lựa chọn cuối cùng, hai tổ chức tình báo nổi tiếng nhất hai đầu của “tấm rèm sắt” buộc phải gửi những điệp viên ưu tú nhất của họ là Illya Kuryakin và Napoleon Solo hợp tác cùng nhau để chặn đứng âm mưu chế đầu đạn hạt nhân của những tàn dư phát xít còn sót lại.

Cộng với đó là một cô nàng Tây Đức cực kỳ xinh đẹp đang muốn đào tẩu, nhờ vào sự giúp đỡ của Napoleon Solo (Henry Cavill). Thế nhưng về sau, cả hai chàng trai của chúng ta phát hiện ra nàng “nữ chính” lại là công cụ hoàn hảo để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn đặt lên đôi vai mình.

Nghe qua có vẻ kinh khủng, thế nhưng toàn bộ phim là một mạch hành động, diễn xuất và những câu thoại vừa hài hước đậm chất phớt Ăng lê, điềm tĩnh đến mức dửng dưng ngay giữa những pha hành động chết người mà cả hai chàng điệp viên phải trải qua. Sự phớt ăng lê của bản thân đạo diễn cũng được truyền tải qua từng câu thoại khiến người xem không khỏi bật cười. Chất “hài” rất Anh của Ritchie từ trước tới nay vẫn như vậy, không gượng ép, không xuề xòa mà trái lại vô cùng ấn tượng.

Trong suốt quá trình phim, người xem bị cuốn vào cuộc ganh đua của hai siêu điệp viên, thậm chí có lúc còn nghĩ họ giống như những đứa trẻ cố gắng đua tranh xem bức vẽ của ai đẹp hơn trong mắt giáo viên mỹ thuật hồi tiểu học. Họ so kè nhau từng tý một, từ việc tranh cãi xem kỹ năng của ai khá hơn, đồ chơi của ai xịn hơn, thậm chí còn cãi nhau cả về… gu thẩm mỹ của các chị em vào thời điểm đó. Tất cả khiến cho cốt truyện chính dường như bị lu mờ gần hết.

Rốt cuộc, cô nàng Gaby đáng thương của chúng ta lại chỉ là kép phụ giữa câu chuyện bromance của hai ông điệp viên lớn đầu nhưng tính tình không khác trẻ con là mấy. Thế nhưng hóa ra, Gaby lại là người có khả năng bậc nhất trong phim, thứ mà tôi sẽ không kể lể chi tiết khiến cho các bạn mất hứng thú ra rạp.

Chưa hoàn hảo, nhưng ổn

Diễn xuất của các nhân vật trong phim xứng đáng với hai chữ xuất sắc. Một bên là Napoleon Solo, gã sĩ quan biến chất phải né án tù vì ăn cắp các tác phẩm nghệ thuật thời hậu thế chiến bằng cách về làm lính cho cục tình báo, bên còn lại là Kuryakin, một chiến sỹ kiên cường, làm mọi thứ để hoàn thành nhiệm vụ. Cả hai giống như hai nửa trái ngược hoàn toàn, một playboy đúng chất, quyến rũ đến cả cô gái lễ tân nhờ vào gu thẩm mỹ tinh tế, và một “anh công nhân” xôi thịt, “cục súc” đúng nghĩa đen của những tính từ đó, nhưng lại vô cùng nhạy cảm ở đúng thời điểm.

May mắn cho ê kíp làm phim cũng như bản thân Guy Ritchie, dàn diễn viên đã góp phần xóa nhòa đi những vấn đề còn tồn tại trong bộ phim này. Tôi đã từng đề cập việc mình cuồng những nét văn hóa thế giới thập kỷ 60, 70 ra sao, và bản thân tôi hơn ai hết kỳ vọng vào không khí của bộ phim này. Điều đáng mừng là ở đầu phim, những khung hình nhợt nhòa, xám xịt đúng chất ảnh phim giữa thế kỷ XX đã giúp tôi xóa đi ác cảm khi xem trailer trước khi ra rạp.

Thế nhưng càng về cuối phim, cả tông màu lẫn phong cách của phim đều rối tung lên. Có thể các nhà làm phim cố gắng đi theo khuynh hướng pop art, với những mảng đa sắc đối lập đến cực đại, nhưng âm nhạc và hình ảnh của phim lại đem tới tác dụng ngược, khi người xem rất khó theo dõi được diễn tiến tâm lý của phim, trong khi những cảnh hành động thì không tệ chút nào.

Bộ phim gần đây nhất lấy cùng thời điểm với The Man From U.N.C.L.E. mà tôi vô cùng thích thú, trớ trêu thay lại đi theo chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Đó chính là Tinker Tailor Soldier Spy, tác phẩm của đạo diễn Tomas Alfredson. Những khung hình đậm chất vintage, xám xịt, đầy sạn nhưng tráng lệ đến mê hồn đúng như không khí của thời kỳ đó ám ảnh tôi đến mức đã từng có lúc tôi phải bật phim lên xem lại chỉ để được thưởng thức đúng cái không khí đó.

Nhưng không phải vì thế mà nên chê bai những người thực hiện The Man From U.N.C.L.E. Giữa một thời kỳ khủng hoảng, khi chiến tranh hạt nhân có thể xảy tới bất kỳ lúc nào, việc cố gắng nhồi nhét những khung hình ấn tượng của thập niên 60 vào một không khí tưng tửng hài hước chưa biết chừng sẽ khiến người xem quay lung lại với bộ phim.

Đáng thưởng thức

Sau những tác phẩm ấn tượng được công chiếu dịp hè năm nay như Mission Impossible: Rogue Nation, Ant-Man hay Mad Max: Fury Road, The Man From U.N.C.L.E. lại là một cái tên tuy khó có thể bom tấn bằng, nhưng lại có sức hấp dẫn người xem theo một cách rất riêng.

Hiện tại bộ phim đã chính thức được công chiếu kể từ ngày 14/08 vừa qua.