Đánh giá Spotlight - Tác phẩm giành Oscar không phải khán giả Việt nào cũng biết

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/03/2016 02:48 PM

Không có cảnh hành động, nhưng trong suốt 120 phút phim được chiếu, Spotlight giống như một cuộc chiến nghẹt thở giữa David và Goliath

Hãy khởi đầu một cách không hề liên quan. Bộ phim suýt giành giải Oscar năm ngoái, cũng là một trong những phim mình thích nhất từ lúc chập chững bước vào cái thế giới dễ chìm nghỉm của điện ảnh, đấy là The Grand Budapest Hotel. Ngay từ câu mở đầu, vị “tác giả” vô danh đã đem tới cho chúng ta một sự thật, một điều hiển nhiên, rằng “bạn chỉ cần chịu khó để ý, thì những thứ trong cuộc sống đời thường sẽ tự đem tới những ý tưởng cho bạn”.

Spotlight, bộ phim vượt mặt The Revenant năm nay chính xác là một tác phẩm như vậy. Lấy bối cảnh câu chuyện của đội phóng viên điều tra của tờ Boston Globe, phim đưa chúng ta trở lại với scandal vài chục năm trời lạm dụng tình dục trẻ em của những giới chức tăng lữ giáo hội công giáo, những vị cha xứ quyền cao, được dân chúng tôn sùng, trọng vọng. Và ở đó, câu chuyện được drama hóa một cách đầy phấn khích, lôi cuốn nhưng “cũng vô cùng chân thật” và không hề “phản lại Công giáo”, theo lời của chính Osservatore Romano, tờ báo chính thống của chính Tòa thánh Vatican nhận xét.

Spotlight. Chỉ cần nghe qua chúng ta cũng đã có thể mường tượng ra phần nào nghề nghiệp của những phóng viên thuộc đội này. Họ cần phải tạo ra những bài báo có sức ảnh hưởng lớn, hay theo cách nói dân dã hơn của chúng ta là những cái title khủng, những phóng sự đánh thẳng vào những vấn đề nhức nhối nhất trong xã hội.

Nhưng cứ thong thả chút đã. Có ai đi xem phim xong xuống hầm lấy xe và đi về luôn đâu? Ấy cũng là lúc chúng ta được ngồi nói về những cảm nhận riêng của chính mình về từng tác phẩm. Nếu bạn đang so sánh nhóm Spotlight với những phóng viên và paparazzi của mấy cái tabloid bới móc đời tư của giới nghệ sỹ, thì quả thật là các bạn đang nhầm to.

Spotlight của Boston Globe, họ cần bằng chứng, họ cần số liệu, họ cần tất cả mọi thứ, những mẩu tin cũ, những tư liệu, những lời testimony của nhân chứng, những phát biểu của những người có liên quan, chứ không chỉ dựa vào những status Facebook, những thông tin nặc danh để tạo ra một bài viết. Trong phim, những editor dùng liên tục những cụm từ như “not solid enough”, với ý nghĩa họ sẽ không liều mạng in ra hàng triệu bản một câu chuyện không đầu không kết, không có khả năng thay đổi tình hình, và cũng chẳng có chút lý lẽ.

Đó là khi những người như Rezendes, Pfeiffer hay cả Bradlee, dưới sự dẫn dắt của leader Robby Robinson phải lần mò từng ngóc ngách, dấn thân vào từng nơi hiểm hóc nhất để hoàn thành công việc được biên tập viên Marty Baron giao cho. Hiểm hóc ở đây không giống như những cảnh sát chìm trong The Departed, khi sự sống cái chết cận kề, mà là ranh giới giữa việc nhận giải Pulitzer cho phóng sự điều tra xuất sắc nhất, hay sống nốt phần đời còn lại trong cơ cực và tủi hổ, khi lỡ dại đụng tới lực lượng nhân danh chính Chúa trời.

Bắt đầu với câu chuyện cũ của một vị mục sư bị tố cáo đã từng lạm dụng trẻ em tại các trường dòng, mọi chuyện đã bắt đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi không phải 1, mà là hàng chục giáo chức tại Boston đều dính líu đến chuyện tày đình này. Và một câu nói của Byron đã khai mở cả một con đường để nhóm phóng viên điều tra tiếp tục với câu chuyện, tiếp tục con đường lột mặt nạ những con quỷ dữ được những con chiên ngoan đạo tôn sùng: “Nếu chỉ tập trung vào 1 kẻ, thì chẳng giải quyết được gì. Chúng ta đang đối đầu với cả một hệ thống, một hệ thống tinh vi, và thậm chí còn được người dân ủng hộ nữa”.

Thật là như thế này, trong phim, dù là một drama kể lại những chuyện xưa tích cũ, suýt nữa đã thành một phim tài liệu, nhưng ở lưng chừng khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ, bạn sẽ nghe được những câu thoại xoáy sâu vào lương tri của một con người, chứ đừng nói đến chuyện là một người làm báo: “Cần cả ngôi làng để nuôi nấng một đứa trẻ, và cũng cần cả một ngôi làng để lạm dụng đứa bé đó”. Tội ác của một con sâu mục đơn lẻ không bao giờ được bao che, nhưng khi nó là cả một hệ thống, thì đó lại là chuyện hoàn toàn khác.

Một chi tiết nho nhỏ nhưng cũng khiến không ít người phải buông một tiếng thở dài, chính là những vết bầm tím do kim tiêm trên ven của một nạn nhân, nay đã có vợ con. Anh không sống một cách tỉnh táo nổi sau cơn sốc thuở thiếu thời và phải tìm tới những thứ độc dược phá hoại con người để tiếp tục lay lắt tồn tại.

Spotlight là sự tổng hòa của nhiều nhân vật. Khó có thể nói Robby Robinson là vai chính được, khi cả Rezendes lẫn Pfeiffer đều có thời lượng lên hình nhiều hơn hẳn, và thậm chí gây được ấn tượng rất mạnh mẽ với khán giả. Một điều cũng cần nhắc, nếu buồn ngủ, đừng cố gắng xem phim. Bản thân tôi thấy Spotlight chân thực, nhanh gọn đến mức đáng sợ. Mọi việc đều phải được giải quyết ngay và nhanh. Bạn có thể có cả tháng trời để tìm tòi, triển khai chủ đề, nhưng khi cơ hội đến, bạn sẽ chỉ có vài ngày, thậm chí vài giờ để hoàn thành công việc, trước khi nó trở thành công cốc vì các trang báo khác đã nhảy vào cuộc…

Hình ảnh một anh chàng Mike Rezendes tuy đang trong cơn khốn khó và khủng hoảng kinh tế trong gia đình nhưng vẫn quyết 1 mục tiêu đi tìm sự thật, cảnh anh phát khùng lên với đồng nghiệp khi mọi chuyện không đi đúng hướng đúng thật là xứng đáng dành tặng cho chàng Hulk một đề cử Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: “Chúng ta phải vạch trần những kẻ đó chứ!!!”

Tiếc 1 điều duy nhất, gã điệp viên Rudolph Abel trong Bridge of Spies thậm chí còn bá đạo hơn cả vai chính của Tom Hanks, để lại quá nhiều ấn tượng trong lòng người xem với từng frame hình, nên thôi không sao Ruffalo, vẫn còn có lần sau cho anh mà.

Đối với những người chờ Leo đứng trên đỉnh vinh quang, họ đã được mãn nguyện. "Soái ca" của nhiều nữ fan cuồng đêm hôm đó thậm còn xỉn đến mức suýt thì bỏ quên tượng vàng trong quán bar cơ, đó là sự thật không phải chém gió. Nhưng ngay sau đó, Spotlight gần như bị quên lãng, vì cái bóng của Leo là quá lớn. Nhưng 22 năm chờ đợi tượng vàng của tài tử điển trai không khiến cho những kẻ si mê môn nghệ thuật thứ 7 như chúng tôi quên không kịp thắc mắc một điều: Spotlight là cái phim gì? Tại sao Revenant cũng bị nó khuất phục?

Một cái kết tạm

Kể từ khi có những kẻ liều mình đưa tin từ bên trong tòa Nghị viện Anh ra cho công chúng, bất chấp việc điều đó có thể khiến họ bị treo cổ vào thế kỷ 18, thế giới đã dần chấp nhận và phụ thuộc vào thứ “Quyền lực thứ tư”. Và từ đó tới nay, thứ quyền lực đó, dù đôi khi bị những kẻ tư lợi uốn cong, nhưng về cơ bản vẫn giống như một tiếng nói đanh thép tới bất kỳ kẻ nào có những hành vi sai trái nhưng chưa bị trừng trị thích đáng. Với nhóm Spotlight của tờ báo nhỏ tọa lạc ở thành phố Boston, thứ quyền lực thứ 4 này chính là thứ tiếp cho họ thêm động lực để phơi bày mọi chuyện ra ánh sáng, đúng như sự thật đã từng xảy ra vài chục năm về trước tới dân chúng.

Oscar là một giải thưởng với truyền thống tôn vinh con người, tôn vinh lịch sử các quốc gia phương Tây, bằng chứng chính ở những tác phẩm giành Oscar vài năm gần đây như Birdman, 12 Years A Slave, The King’s Speech, hay trước đó là The Artist… Vì thế cũng chẳng lạ gì khi một câu chuyện như Spotlight giành được bức tượng vàng danh giá. Nhưng khi thật sự chìm trong câu chuyện của những phóng viên quả cảm (xin được phép sử dụng cụm từ quả cảm), thật sự khó có điều gì khiến cho chúng ta không gật gù mà thầm thán phục những diễn viên, rồi từ đó là cảm phục cả những nhà báo đầy tâm huyết.