- Theo Trí Thức Trẻ | 31/10/2015 10:17 AM
Bridge of Spies - Người đàm phán là bộ phim vừa ra rạp với sự góp mặt của nam diễn viên gạo cội Tom Hanks - bộ phim cũng tham gia cuộc chạy đua đến Oscars 2016. Hãy cùng GameK đánh giá qua về tác phẩm được cho là điểm nhấn của dòng phim tái hiện lịch sử này nhé.
Bridge of Spies là một bộ phim Mỹ thuộc thể loại lịch sử gián điệp của một trong những đạo diễn hàng đầu thế giới, người từng đoạt 3 giải Oscar - Steven Spielberg, được viết kịch bản bởi Matt Charman và anh em Ethan Coen & Joel Coen. Phim có sự tham gia của nam diễn viên từng 2 lần đoạt giải Oscars - Tom Hanks, cùng nhiều tên tuổi lớn khác như Mark Rylance, Amy Ryan, và Alan Alda.
Bridge of Spies lấy bối cảnh vào năm 1960, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô. Trong phim, Tom Hanks vào vai James B. Donovan, một luật sư dân sự chuyên lo những vụ kiện cáo về bảo hiểm. Ông bất ngờ được cử làm người bào chữa cho Rudolf Abel (Mark Rylance thủ vai), một gián điệp của Liên Xô bị bắt. Mặc dù chịu áp lực lớn từ bên thẩm phán và phía công luận rằng Abel phải chịu án tử hình nhưng Donovan sau đó đã thành công và giúp Abel chỉ phải chịu án tù.
Cùng lúc đó, Francis Gary Powers, phi công lái máy bay gián điệp bị Liên Xô bắn rơi và bắt giữ. Lần này, ông bất ngờ bị đẩy vào trung tâm của cuộc chiến tranh lạnh khi được CIA cử đi thực hiện cuộc đàm phán để đổi hai tù binh. Tệ hơn là Donovan phải đến Đông Đức, nơi bức tường Berlin bắt đầu được xây dựng và tình trạng hỗn loạn, căng thẳng lên đến đỉnh điểm giữa 2 phần nước Đức. Ông lại phải đến dưới danh phận cá nhân để thực hiện cuộc trao đổi này và không có được sự bảo vệ nào từ phía chính phủ.
Là một bộ phim về đề tài lịch sử, nhắc đến một sự kiện nhạy cảm mang tính quyết định, nên phim khá nặng về lời thoại, các nhân vật nhiều khi nói rất nhanh theo nhịp phim nên nếu chỉ cần đôi phút lỡ là, bạn sẽ dễ bỏ qua tình tiết phim vì không theo kịp. Đến giữa phim, mọi thứ lại trở nên khá dài dòng và không khí phim có vẻ như chùng xuống.
Ngay từ cảnh đầu tiên của phim, chúng ta đã được giới thiệu rằng bộ phim lấy bối cảnh trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh. Do đó, điểm nhấn của phim sẽ nằm phần lớn ở việc xây dựng hình ảnh nhân vật, bối cảnh một cách chân thực, thể hiện sự khốc liệt cũng như những chiêu bài của hai phe Hoa Kỳ - Liên Xô. Tuy nhiên, những tình tiết khái quát lại các động thái chính thức của hai bên còn khá ít và đây có thể coi là điểm trừ của phim.
Bên cạnh đó, có một cảnh quay nhỏ, khi máy quay được dùng để tạo hiệu ứng như những hình ảnh nhìn từ mắt người xem, nhân vật chạy thì màn hình cũng rung lên rung xuống, có lẽ kiểu quay như vậy phù hợp với các bộ phim 3D hơn, còn với một bộ phim thuần 2D thì phân đoạn này lại làm người xem hơi đau đầu.
Dù có một vài điểm trừ nhỏ, nhưng Bridge of Spies là một bộ phim thực sự đáng xem, hình ảnh phim được trau chuốt và lựa chọn tông màu rất phù hợp, cảm giác như bạn đang sở hữu cả nghìn bức ảnh được chụp bằng máy film vậy. Những chi tiết nhỏ nhặt như móng tay ố đen, sơn lem trên da, hình mờ phản chiếu qua kính... đều được Steven Spielberg lồng ghép hết sức tinh tế, cho thấy sự tỉ mẩn cho mỗi cảnh quay của vị đạo diễn này.
Phim không có một bài hát OST như các bộ phim khác mà nhạc trong phim chỉ được sử dụng ở dạng không lời. Thế nhưng, phải công nhận rằng nhạc phim đã góp một phần rất lớn vào sự thành công của bộ phim này. Mỗi đoạn nhạc đều được chọn lựa phù hợp với tình tiết phim, lúc nhanh, lúc chậm, khi cao trào, khi lắng đọng, và mỗi lần có tiếng nhạc nổi lên, ta thấy được sự hòa quyện chuẩn xác của nó với lời thoại.
Một trong nhưng thủ pháp tốt nhất trong phim, tôi cho là hiệu ứng lặp, lặp thoại và lặp hình, chỉ với câu "Ông không cảm thấy lo lắng sao?" mà Donovan đã hỏi Abel những 3 lần xuyên suốt chiều dài phim, và Abel cũng luôn đáp lại chỉ bằng một câu trả lời. Câu hỏi và câu trả lời đơn giản nhưng ẩn chứa toàn bộ tính cách của cả hai nhân vật - một người Mỹ luôn lo lắng cho người khác, và một người ở bên kia chiến tuyến cũng xứng đáng để ngưỡng mộ. Hình ảnh gợi nhớ ở gần cuối phim liên quan đến con tàu đi trên bức tường Berlin lại chứng tỏ được tài biên đạo xuất sắc của Spielberg, ông đã khiến khán giả trong rạp phim phải lặng người trước những đau thương và người xem cũng như hòa vào sự xót xa với Donovan.
Là một bộ phim chính kịch về đề tài lịch sử, thế nhưng Người đàm phán lại không thiếu những cảnh làm người xem bật cười, những câu trả lời tỉnh bơ của Abel, những câu nói chọc ngoáy của Donovan, hay cái cách ông hài hước nói với vợ con, rồi cả cái cách ông bị CIA đối xử hơi bất công nữa... Vài chi tiết nhỏ thôi, nhưng lại làm khán giả cảm thấy thích thú, giải tỏa cảm giác hồi hộp giữa các phân đoạn căng thẳng. Hay thậm chí một cảnh ông năm ngủ ở cuối phim thôi, tôi chắc rằng không ít người xem sẽ nghĩ ngay đến chàng Forrest Gump ngày nào.
Nếu bạn là một người chuộng phim Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng, ở bất cứ bộ phim nào, sự tự tôn dân tộc luôn được thể hiện rất rõ, và Người đàm phán cũng không phải là một ngoại lệ, thế nhưng ở bộ phim này, không phải nước Mỹ được tôn lên hạng nhất, còn cứ cái gì thuộc về Liên Xô thì trở thành xấu xa, mà hai đất nước ở vị thế cân bằng, cả hai bên đều có những chiêu trò, những âm mưu thao túng nhau, những thủ đoạn xấu xa, tuy ở phần cuối phim, vị thế của Hoa kỳ đã được nâng lên hẳn một tầm khác nhưng trên hết, có lẽ hình ảnh được đạo diễn khắc họa có chủ tâm nhất vẫn là hai người đàn ông ở hai đất nước thù địch bỗng một ngày xem nhau như bạn bè.
Và tất nhiên, sự xuất sắc của bộ phim không thể không kể đến sự diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên. Tom Hanks lại một lần nữa khiến tôi phải lòng khi diễn mà như không diễn vậy.
Bridge of Spies chắc chắc sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho mùa Oscars sắp tới. Một bộ phim về sự kiên định và chính trực, một bộ phim tái hiện lịch sử để lại nhiều bài học quý giá. Xem, cảm nhận và bạn sẽ hiểu những gì slogan phim đã chuyển tải trước đó: "In the shadow of war, one man showed the world what we stand for."