Pháp Luật & Bạn Đọc | 31/12/2020 06:40 PM
Trong thời điểm hiện tại, bán hàng hay kinh doanh online là một hình thức kinh doanh rất được ưa chuộng. Hình thức này phát triển rộng rãi không chỉ thông qua các website hay trang bán hàng điện tử lớn mà còn chủ yếu rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
Việc lựa chọn các mạng xã hội này tùy thuộc vào mặt hàng và đối tượng khách hàng mà người bán hướng tới. Và vấn đề mà khách hàng quan tâm nhất khi chọn mua qua mạng là vấn đề về giá cả.
Để thông báo tới khách hàng về giá cả của sản phẩm, các cửa hàng, shop online có hai hình thức chính đó là để giá công khai và thực hiện inbox giá. Để giá công khai là một việc khá bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn, không hài lòng vì phải bình luận để xin giá dù cho họ có thể niêm yết ngay tại bài đăng bán. Chưa kể số lượng khách nhắn tin xin giá không phải hàng trăm mà có thể lên tới hàng nghìn. Vậy tại sao họ phải làm như vậy? Điều này sẽ được giải đáp ngay dưới đây.
Việc phải hỏi giá liên tục tại các shop bán hàng khiến nhiều người bực mình. Nhưng nguyên nhân sau nó có thể khiến bạn phải thay đổi suy nghĩ đấy.
Hiện tại, rất nhiều chủ shop online gặp trường hợp bất ngờ khi shipper thực hiện hoàn lại mặt hàng với lí do “khách đã nhận được hàng trước đó”. Hoặc một số shop chỉ mới lên đơn nhưng đã nhận được feedback từ khách hàng rằng “shop giao hàng rất nhanh, lại được giảm giá nữa, cảm ơn shop” trong khi mặt hàng mà khách hàng nhận được thực sự không cùng chất lượng và giống với của cửa hàng mình. Hơn nữa, điều quan trọng là shop chưa hề giao hàng đi. Vậy nguyên nhân ở đây là gì?
Thực chất, khi khách hàng thấy giá cả và thông tin về sản phẩm đã đầy đủ và sẵn sàng trên page, nhiều người sẽ sẵn sàng bình luận luôn bên dưới là “giao cho mình một chiếc A tới số nhà X đường Y quận Z… số điện thoại…”.
Chính vì bước công khai thông tin người nhận của chính người mua mà nhiều đối thủ cạnh tranh khác đã nhảy vào cướp khách. Chỉ sau vài giây bình luận của khách hàng được đăng tải, một người nào đó chủ động inbox với họ với tư cách là admin hay chủ shop và thực hiện giao nhận hàng ngay sau đó.
Đây chính là hiện tượng cướp khách mà điều kiện lại vô tình do chính người mua tạo ra. Đối tượng cướp khách vừa không mất tiền chạy quảng cáo mà lại vừa có được khách hàng.
Song song cùng tình trạng cướp khách ở trên, cũng nhờ “điều kiện” mà người mua vô tình tạo ra, nhiều người mua lại nhận chính “trái đắng” cho mình. Bởi nếu trường hợp người mua nhận được hàng có chất lượng tốt từ shop đã cướp khách thì có thể được xem là may mắn.
Thực tế, nhiều người nhận hàng xong mới tá hỏa là bị lừa, hàng giao khác hoàn toàn so với hàng đặt. Thậm chí có người đặt một chiếc váy giá cả triệu bạc nhưng nhận lại chỉ là "rẻ lau nhà".
Do đó, đây chính là việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Việc inbox giá cho shop giúp khách hàng bảo mật được thông tin, tránh tình trạng bị lừa đảo hàng kém chất lượng. Hơn nữa, khi inbox trực tiếp giá cả, khách hàng sẽ được trao đổi, tư vấn cụ thể hơn về sản phẩm, giải đáp chi tiết về chất lượng hàng hóa và xuất xứ. Từ đó sẽ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm.
Từ việc bị lừa đảo hàng kém chất lượng ở trên, nhiều khách hàng không hiểu ra vấn đề đã quay sang chỉ trích, có lời lẽ khiếm nhã và đánh giá kém chất lượng, gây mất hình ảnh và uy tín của cửa hàng. Tuy việc này chỉ là do sự vô tình của người mua nhưng hệ lụy về sau thì ảnh hưởng khá nặng nề với nhiều shop bán hàng online.
Những khách hàng đã từng gửi tin nhắn cho shop hỏi về giá cả hay cần tư vấn điều gì về cách dùng, công dụng của sản phẩm sẽ là những khách hàng được xếp trong danh sách tiềm năng nhất của cửa hàng đó. Bởi lí do các fanpage bán hàng không có khả năng inbox trực tiếp cho từng người.
Hơn nữa với số lượng hàng trăm triệu người dùng mạng xã hội thì không thể lọc được đối tượng quan tâm đến sản phẩm của họ để gửi thông tin. Tuy nhiên, fanpage có chức năng tương tác với những khách hàng đã nằm trong hộp inbox, những người từng inbox trực tiếp chứng tỏ họ có quan tâm ít nhiều đến sản phẩm của cửa hàng.
Vậy nên mỗi khi có chương trình khuyến mãi hay ra bộ sưu tập sản phẩm, thông tin sẽ được tự động inbox cho người mua theo địa chỉ hộp thư cũ. Điều này giúp các shop online có sẵn lượng khách hàng tiềm năng khá lớn.
Nếu chị em để ý có thể thấy trên bảng tin của bạn, ngoài việc xuất hiện các bài đăng từ bạn bè thì có những bài đăng từ các fanpage khác nữa. Những fanpage này là những fanpage bạn đã từng ấn like hoặc từng inbox, tức là có từng tương tác với họ hoặc click vào trang chủ của họ để tìm hiểu.
Các mạng xã hội có khả năng dựa trên tương tác của bạn theo số lượng và thời gian mà lọc ra những fanpage có tương tác nhiều nhất và hiện trên new feed của bạn.
Với 5 nguyên nhân này mà càng ngày càng có nhiều shop bật chế độ "giấu nhẹm" giá để giúp khách hàng và chính cửa hàng không gặp phải rủi ro.