theo Trí Thức Trẻ | 28/08/2019 02:37 PM
Đừng cố gắng hoài nghi, những gì bạn đang nhìn thấy hoàn toàn là sự thật, đó là một con "ốc sên zombie".
Một khách du lịch leo núi tại Chương Hóa, Đài Loan đã phát hiện ra một chú ốc sên trông khá kì lạ với đôi mắt đang nhấp nháy màu xanh và cam, có vẻ như cơ thể của nó đang bị một loại kí sinh trùng bí ẩn tấn công.
Theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Journal of Zoology, Succinea - ốc hổ phách thường trở thành vật chủ cho một loài giun dẹp ký sinh được gọi là Leucochloridium paradoxum và gây ra tình trạng "ốc sên zombie".
Leucochloridium paradoxum thường có dải màu xanh lá cây, là một loài giun dẹp ký sinh, chúng thường được tìm thấy trong những con ốc sên thuộc chi Succinea sống ở châu Âu và Bắc Mỹ và có hình dạng như những con sâu bướm hoặc ròi khi trưởng thành.
Nhà sinh vật học Tomasz Wesołowski - người mô tả loài giun Leucochloridium paradoxum trong nghiên cứu năm 2013 cho biết, loại kí sinh trùng này thường được di truyền và những cá thể bị nhiễm bệnh có thể di chuyển nhanh gấp ba lần bình thường.
Leucochloridium paradoxum là loại kí sinh trùng gây ra tình trạng "ốc sên zombie".
Theo các nhà sinh vật học, giun dẹp ký sinh Leucochloridium paradoxum còn được gọi với một cái tên khác là giun dẹp khoang xanh, chúng xâm nhập vào hệ tiêu hóa của ốc sên ngay từ những giai đoạn ấu trùng và tiếp tục sinh sôi nảy nở bên trong cơ thể của ốc sên.
Khi trưởng thành chúng sẽ dần di chuyển về đầu và mắt của những con ốc sên nhiễm bệnh và kiểm soát những tế bào thần kinh, khiến cho vật chủ trông nổi bật dễ bị phát hiện bởi chúng liên tục di chuyển, ngoe nguẩy trong đó.
Những con ốc sên bị nhiễm ký sinh trùng có thể di chuyển nhanh gấp 3 lần bình thường, chúng thường di chuyển lên cao hoặc những nơi thoáng đãng để thu hút sự chú ý của chim săn mồi.
Ngoài ra những vật chủ sẽ liên tục bò lên cao hoặc những vị trí thoáng đáng để thu hút sự chú ý của các loài chim săn mồi.
Từ đó, loài giun này tiếp tục cư ngụ trong dạ dày của những con chim vô tình ăn phải những con ốc sên nhiễm bệnh và đẻ trứng trong đó.
Trứng giun sau đó được đưa ra ngoài theo đường chất thải của chim và nở thành ấu trùng. Ấu trùng lại tìm cách xâm nhập vào hệ tiêu hóa của ốc sên để tiếp tục vòng đời.
Trứng của loài giun này nằm trong phân chim và khi ốc sên ăn lá có dính phân chim nó cũng ăn luôn trứng của loài giun này, số trứng này sẽ nở ra trong cơ thể ốc sên và phát triển mạnh trong ruột của chúng. Tiếp theo, nó phân tách thành nhiều bào tử thứ cấp hình túi trong cơ thể ốc sên. Khi trưởng thành, chúng phát triển và di chuyển đến cuống mắt ốc để tạo thành màu sáng trong cơ thể ốc sên, khiến ốc sên trở nên sáng hơn và thu hút chim săn mồi, sau đó từ cơ quan nội tạng của chim rồi chúng lại tiếp tục sinh sản và đẻ trứng.
Trong một nghiên cứu hồi 2013, hai nhà sinh vật học Wanda Wesolowska và Tomasz Weslowski thuộc Đại học Wroclaw, Ba Lan đã tìm thấy những chú ốc sên có hành vi kỳ lạ so với những con ốc thông thường khác. Những con ốc này bị nhiễm ký sinh trùng Leucochloridium paradoxum và chúng tìm cách leo lên những cái cây cao, nằm vắt vẻo ở những vị trí "lộ thiên" phù hợp làm bữa ăn cho đám chim săn mồi.