- Theo Helino | 31/10/2019 06:49 PM
Câu chuyện liên quan tới việc Yoshino không muốn cam phận dự bị ở GAM và đòi ra đi không thành, trở thành nguồn cơn của màn đấu tố lẫn nhau giữa những "người lớn" trên MXH tiếp tục khiến cộng đồng LMHT được phen náo nhiệt.
Trùng hợp thay, câu chuyện này lại xảy ra không bao lâu sau một vụ việc tương tự, khi Sword của Griffin bị HLV cũ cvMax tố cáo những câu chuyện ngoài lề, khi anh chàng này vì không cam chịu ngồi dự bị mà "đâm sau lưng" HLV của mình.
Điều này khiến câu chuyện về những tuyển thủ dự bị trong LMHT chuyên nghiệp bỗng trở thành một đề tài hay ho để cộng đồng bàn luận. Và nhân đây, hãy cùng điểm qua một chút về vai trò "nhạy cảm" mang tên "tuyển thủ dự bị".
Những thiên tài trên băng ghế dự bị
Faker là Chúa, là Quỷ Vương bất tử, là tượng đài không thể thay thế của SKT T1, nhưng có lẽ nhiều người còn nhớ, chính anh cũng từng không ít lần phải làm bạn với băng ghế dự bị. Lần gần nhất là tại LCK mùa hè 2018, anh thậm chí còn phải nhường chỗ cho Pirean - Một tài năng trẻ chỉ có đẳng cấp trung bình khá, minh chứng cho sự sa sút phong độ của Faker vào thời điểm đó.
Xa xôi hơn nữa, tại Chung kết LCK mùa xuân 2015, SKT T1 đối đầu GE Tigers, Ban huấn luyện đội tuyển này đã có một quyết định gây sốc khi để Faker ngồi ngoài cả 3 ván đấu và thay thế anh bằng Easyhoon. SKT vẫn chiến thắng, nhưng Faker chắc hẳn không thể hài lòng.
Thế nhưng, điểm khác biệt giữa những Faker, Mata, Duke... và Sword là gì? Khi không thể chiếm được vị trí chính thức, họ dĩ nhiên không vui vẻ gì, nhưng sự không hài lòng đó được dành cho phong độ của bản thân. Faker từng thừa nhận rằng việc SKT thay máu gần như toàn bộ nhân sự trong mùa giải 2015 đã khiến lối chơi thiên về "tay to" của anh trở nên lạc lõng. Nhưng chốt lại, Quỷ Vương chỉ đưa ra một tuyên bố: "Tôi sẽ cố gắng thể hiện tốt hơn!"
Với Mata và Duke, cả hai lựa chọn những phương pháp khác nhau để đóng góp cho đội tuyển từ băng ghế dự bị. Mata tham gia vào công tác huấn luyện và góp ý chiến thuật, còn Duke hài lòng trong vai trò thay thế The Shy ở những trận đấu ít tính quan trọng.
Dù SKT T1 không thi đấu tốt và
Ngay cả với Easyhoon, một khi không hài lòng với việc phải ngồi dự bị cho Faker dù đang đạt phong độ cao, anh vẫn lựa chọn việc rời khỏi SKT T1 trong êm thấm, và thậm chí tại Chung kết LCK mùa xuân 2019 vừa qua, tuyển thủ này vẫn trở về Hàn Quốc để cổ vũ cho đội tuyển cũ.
Những cái tên kể trên, từ Faker, Mata, Duke hay Easyhoon... đều là minh chứng cho tầm quan trọng trong vai trò của một "tuyển thủ dự bị". Những đóng góp của họ, dù thầm lặng, đều được thừa nhận công bằng, bởi chính bản thân họ đã thể hiện một thái độ chuyên nghiệp và mẫu mực nhất.
Mang tiếng "ngồi mát ăn bát vàng" tại CKTG 2018, nhưng thực tế Duke cũng đã có rất nhiều đóng góp trong hành trình đến với giải đấu này của Invictus Gaming
Hay những quả bom nổ chậm làm náo loạn sau cánh gà
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, câu chuyện về việc hài lòng với vị trí dự bị quả thực là một điều xa xỉ, nhất là đối với những tuyển thủ trẻ đang khát khao thăng tiến sự nghiệp. Tuy nhiên, việc không thích ngồi dự bị là một chuyện, mà thái độ phản ứng với hiện trạng này ra sao lại là một vấn đề khác.
Có thể thấy rõ một điều rằng trong thời gian gần đây, những lùm xùm trong vấn đề nội bộ của các đội tuyển đều xuất phát từ vị trí tuyển thủ dự bị. Sword không hài lòng khi HLV cvMax lựa chọn Doran trong giai đoạn sau của LCK mùa hè, và kết quả là anh chàng này phản hồi "vượt cấp" lên Ban giám đốc Griffin, gián tiếp khiến cvMax bị sa thải. Còn màn trình diễn của anh chàng tại CKTG 2019 mới đây thì cũng đủ để lý giải vì sao Sword phải ngồi dự bị. Kết quả là bản thân người chơi Đường trên này bị ném đá không thương tiếc, còn nội bộ Griffin hiện tại đã chẳng khác gì một mớ bòng bong.
Dùng mọi chiêu trò để được thi đấu chính thức, thậm chí là "hất cẳng" HLV, Sword trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng LMHT
Hay mới đây nhất, chính là câu chuyện về GAM Yoshino. Cũng là một tuyển thủ dự bị khác được nhắc tên rất nhiều tại CKTG 2019. Yoshino được cho rằng sẽ là cái tên phù hợp để thay thế Zeros đang không có phong độ cao, nhưng rồi anh chàng đã không ra sân trong bất kỳ ván đấu nào, bởi nhiều lý do khách quan.
Để rồi ngay khi trở về Việt Nam, người đại diện của Yoshino lại làm bùng lên một cuộc chiến khi tố các Ban huấn luyện GAM không dành cho tuyển thủ này sự hỗ trợ tối đa. Thậm chí, những tin nhắn của Yoshino chia sẻ về các vấn đề nội bộ của GAM cũng được người này công khai toàn bộ, nhằm "tạo điều kiện" để Yoshino rời khỏi GAM một cách dễ dàng.
Câu chuyện đề nghị phá vỡ hợp đồng của Yoshino với GAM Esports là một ví dụ điển hình cho việc vị trí tuyển thủ dự vị trong một đội tuyển tiềm ẩn nhiều nỗi lo như thế nào. Nó có thể mang lại những lựa chọn đa dạng về mặt chiến thuật, như cái cách mà GAM đã tận dụng đối với bộ ba Zeros - Kiaya - Yoshino vào giai đoạn cuối VCS mùa hè, nhưng đồng thời cũng là nguồn cơn của những rắc rối mà GAM vừa đón nhận.
Thực tế, hậu quả lớn nhất để lại sau vụ việc Yoshino không đến mức tồi tệ như Griffin, nhưng nó cũng khiến cho rất nhiều thông tin riêng tư về việc vận hành đội tuyển bị công khai trên Mạng xã hội. Đây chắc chắn không phải là một tín hiệu tốt đối với GAM, bởi nó không chỉ khiến đội tuyển này có khả năng phải dính líu vào mặt pháp lý, mà những phương hướng hay mục tiêu phát triển của đội cũng bị lộ diện, điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới những toan tính của GAM trong tương lai.
Vụ việc Yoshino có thể không quá to tát, nhưng vẫn mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới GAM
Vậy mới nói, vị trí tuyển thủ dự bị trong một đội tuyển chuyên nghiệp đóng vai trò không hề nhỏ, nhưng đi kèm với đó là những vấn đề tương đối bất cập. Chúng ta có thể cảm thông phần nào cho những tuyển thủ phải ngồi dự bị, bởi tuổi nghề của thể thao điện tử thì tương đối ngắn ngủi và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để chờ đợi cơ hội.
Nhưng nói lại, việc những tuyển thủ đó không thể chiếm slot ra sân cũng phần lớn xuất phát từ yếu tố chuyên môn, mấu chốt vẫn là cách họ đón nhận vấn đề, liệu có xứng đáng với danh xưng "chuyên nghiệp" hay không. Đã sống và làm việc trong một môi trường đang định hướng chuyên nghiệp, việc tuân thủ những thỏa thuận hợp đồng là điều tối quan trọng.
GAM có thể khiến Yoshino bất mãn, nhưng việc chia sẻ những thông tin nội bộ với người ngoài (trước đó, chủ nhân bài viết nêu trên chưa trở thành người đại diện của Yoshino), để rồi thông tin này bị công khai trên MXH, trở thành nơi bóc phốt lẫn nhau, đã đẩy chính Yoshino vào hoàn cảnh đi không được mà ở cũng chẳng xong. Hợp đồng hiện tại của Yoshino với GAM vẫn còn thời hạn tới tận tháng 6/2022, và dĩ nhiên, theo quan điểm của Tinikun, sẽ chẳng có chuyện GAM để Yoshino ra đi theo dạng tự do, sau tất cả những gì đã xảy ra.
Trong trường hợp của Yoshino, anh và người đại diện của mình có thể cảm thấy chính đáng khi nhắc về "tình", nhưng về lý, rõ ràng Yoshino đang là người sai khi tỏ ra không tôn trọng hợp đồng với GAM, bằng cách bỏ về quê và ủy thác cho người đại diện của mình, đưa ra những yêu cầu tương đối bất khả thi.
Câu chuyện của GAM - Yoshino và Griffin - Sword - cvMax đã hé lộ những góc khuất về nội bộ của các đội tuyển, vốn luôn được xây dựng hình ảnh như những tập thể đoàn kết và bình yên. Đúng sai còn chưa ai biết, chỉ có thực tế là hiện tại giữa những thành viên GAM và Yoshino, đến việc nhìn mặt nhau chắc cũng là một thử thách khó khăn.