- Theo Helino | 25/12/2017 11:00 PM
Như bạn đọc đã biết, thị trường chuyển nhượng tại Bắc Mỹ cũng vừa trải qua giai đoạn nóng nhất trong lịch sử với hàng loạt các thay đổi đội hình. Với việc giải LCS Bắc Mỹ sẽ chính thức bước vào giai đoạn mở rộng ở năm sau thì đã có bốn đội tuyển mới xuất hiện, kéo theo đó là bốn đội tuyển cũ trước đây đã phải giải tán, bao gồm Immortals, Team Dignitas, Team EnVy và Phoenix1.
Ở vị trí đường giữa, năm nay ta sẽ có thêm hai ngôi sao nữa từ Châu Âu gia nhập cuộc chiến tranh ngôi vương LCS Bắc Mỹ, đó chính là Fabian “Febiven” Diepstraten và Tristan “PowerOfEvil” Schrage. Cùng với đó là hai tuyển thủ đường giữa người Hàn vô cùng tài năng là Kim “FeniX” Jae-hun và Song “Fly” Yong-jun. Chắc chắn kèo đấu đường giữa tại giải LCS Bắc Mỹ 2018 sẽ nóng hơn bao giờ hết.
Dưới đây là bảng xếp hạng những người chơi đường giữa tại LCS Bắc Mỹ mùa giải 2018.
1. Tristan “PowerOfEvil” Schrage – OpTic Gaming
PoE đã có một kì CKTG đáng nhớ trong sự nghiệp
Đứng đầu danh sách là Tristan “PowerOfEvil” Schrage, người đi đường giữa của OpTic Gaming, một trong bốn đội tuyển mới sẽ tham dự LCS Bắc Mỹ năm 2018. Chắc hẳn rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao PoE lại có thể đứng đầu trong danh sách lần này mà lại không phải là Bjergsen, tượng đài của khu vực Bắc Mỹ. Đó chính là vì màn thể hiện ấn tượng của anh chàng này ở CKTG năm nay. Xuyên suốt CKTG 2017, trừ tuần đầu còn hơi bỡ ngỡ thì MSF đã thi đấu vô cùng xuất sắc với hai đầu tàu là PoE cùng Han sama, đôi khi là cả sự đột biến đến từ IgNar nữa.
2. Nicolaj “Jensen” Jensen – Cloud 9
Jensen sẽ phải “gồng” rất lực nếu muốn gánh C9 ở mùa sau
Nicolaj “Jensen” Jensen chính là người duy nhất ở LCS Bắc Mỹ có thể đối trọng với Bjergsen trong mùa giải năm 2017 vừa qua. Phong độ vô cùng xuất sắc, KDA cao ngất ngưởng và xử lý đẹp mắt chính là những từ được dùng để miêu tả Jensen. Anh chàng này đã thực sự trở thành đầu tàu của C9 và dẫn dắt đội tuyển đến với nhiều chiến thắng rực rỡ khi mà Impact cùng Ray gặp vấn đề về phong độ. Tuy rằng đến giai đoạn cuối mùa hè 2017, C9 vẫn “hẹo” theo như truyền thống nhưng họ cũng vẫn duy trì được danh hiệu “niềm hi vọng cuối cùng của Bắc Mỹ” khi tiến vào tới tận Tứ Kết tại CKTG 2017.
3. Søren “Bjergsen” Bjerg – Team Solo Mid
Đứng thứ ba trong danh sách chính là Søren “Bjergsen” Bjerg, tượng đài của LCS Bắc Mỹ. Với vô số danh hiệu quốc nội như năm lần vô địch LCS Bắc Mỹ và các danh hiệu cá nhân. Bên cạnh đó là vô số lần “tan vỡ” ở giải quốc tế từ MSI tới CKTG hay mới đây là Siêu Sao Đại Chiến 2017. Xét về mặt kỹ năng cùng thành tích, chẳng ai có thể bì nổi với Bjergsen nhưng cậu ta lại không thể biến sự xuất sắc cá nhân của mình thành sức mạnh để giúp đội tuyển giành chiến thắng. Đúng với danh hiệu “tượng đài của Bắc Mỹ“, lối chơi kiểu “Bắc Mỹ” vẫn đeo bám Bjergsen suốt ba năm nay.
4. Eugene “Pobelter” Park – Team Liquid
Eugene “Pobelter” Park chính là một trong những tuyển thủ có kinh nghiệm thi đấu lâu nhất Liên Minh Huyền Thoại với hơn 7 năm thi đấu chuyên nghiệp. Tuy là thế nhưng anh chàng này lại rất trẻ tuổi, mới chỉ bước vào tuổi 21 trong năm nay, ngang tuổi với Faker. Kỹ năng cá nhân của Pobelter không kém người chơi đường giữa nào ở Bắc Mỹ cả, thậm chí còn có thể ngang với Bjergsen. Nhưng số phận của anh chàng này lại khá lận đận, mãi đến năm 2015 thì sự nghiệp của Pobelter mới đi lên khi cùng CLG đánh bại TSM và giành chức vô địch giải quốc nội vào năm 2015. Sau đó Pobelter liên tục thi đấu vô cùng xuất sắc tại Immortals và củng cố vị trí là một trong những tuyển thủ đường giữa hàng đầu của khu vực.
5. Kim “FeniX” Jae-hun – Echo Fox
FeniX thời còn thi đấu cho Team Liquid
Lúc biết tin Kim “FeniX” Jae-hun sẽ thay thế vị trí của Froggen thì mọi lo lắng của fan hâm mộ tạm thời đã biến mất. Nhiều người sẽ tự hỏi FeniX là ai hay dè bỉu cậu ta vì đã từng thi đấu tại “máy phát điểm” – TeamLiquid. Nhưng đừng vì thế mà coi thường FeniX. Kỹ năng của anh chàng này là tương đối tốt, khả năng tạo đột biến cũng vô cùng tốt. Đây chính là kiểu tuyển thủ mà bạn muốn đưa về khi mà các vị trí khác của đội tuyển đã tạm thời được coi là vững chắc.
6. Hai “Hai” Du Lam – Golden Guardians
Hai nổi tiếng với tư cách shot-caller từ thời còn chơi cho C9
Hai “Hai” Du Lam chính là người đội trưởng huyền thoại một thời của C9 và cũng là hình tượng mẫu mực của một người đội trưởng mà mọi đội tuyển đều muốn có được. Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp vào mùa thứ ba, Hai cùng đồng đội đã làm cả khu vực Bắc Mỹ chấn động khi lật đổ triều đại của TSM với thành tích vô cùng áp đảo, 25-3. Tiếp theo đó là hai lần tạo ra phép màu khi dẫn dắt C9 thi đấu xuyên suốt vòng loại khu vực và giành quyền tham dự CKTG 2015 cùng 2016. Đặc biệt là năm 2016, không chỉ giành vé vớt tham dự CKTG mà C9 còn tiến xa nhất với đội hình được đánh giá kém cỏi nhất trong số ba đại diện của Bắc Mỹ tại CKTG năm đó. Thành tích của Hai ở FlyQuest là không thực sự ấn tượng, tuy nhiên phong cách thi đấu với những quân bài dị và khả năng kêu gọi vẫn là thứ anh chàng này giữ lại được.
7. Yoo “Ryu” Sang-wook – 100 Thieves
Ryu là tuyển thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu
Lý do chính khiến Ryu nổi tiếng chính là vì anh chàng này là nạn nhân trong pha solo zed huyền thoại của Lee “Faker” Sang-hyeok. Kể từ sau đó, may mắn của Ryu cứ trôi dần đi và cuối cùng chàng béo đáng thương đã phải “tha phương cầu thực” tại Châu Âu và bây giờ là Bắc Mỹ. Phải mất hai năm, Ryu mới có thể tìm lại ánh hào quang khi cùng với đồng đội tham dự CKTG 2016 và tiến tới tận bán kết, trước khi chấp nhận dừng bước trước SamSung Galaxy, Á quân CKTG 2016 và nhà vô địch CKTG 2017.
8. Fabian “Febiven” Diepstraten – Clutch Gaming
Febiven sẽ là chủ lực tại Clutch Gaming
Đến với vị trí thứ 8, chúng ta có Fabian “Febiven” Diepstraten. Chắc hẳn không ai lạ gì anh chàng này, Febiven chính là thành viên của đội hình Fnatic huyền thoại năm 2015 khi vào đến bán kết CKTG. Kỹ năng cá nhân vô cùng tốt và khả năng tạo đột biến cao chính là điểm mạnh của anh chàng này. Febiven thậm chí còn từng solo kill Faker hai lần tại MSI 2015. Tuy rằng thành tích trong hai năm gần đây của Febiven không được tốt lắm nhưng anh chàng này vẫn luôn giữ vững vị trí là một trong những người đi đường giữa hàng đầu Châu Âu. Nhưng tất nhiên việc có thành công tại Bắc Mỹ hay không lại là một chuyện khác!
9. Song “Fly” Yong-jun – Fly Quest
Fly khi còn khoác áo KT Rolster
Sự nghiệp của Fly bắt đầu một cách khá trắc trở khi mà đội tuyển của cậu ta không thể giành được suất thăng hạng lên giải chuyên nghiệp tại Hàn Quốc vào mùa ba. Kể từ đó, tuyển thủ sinh năm 1996 chuyển đội tuyển liên tục, từ Trung Quốc rồi lại về Hàn Quốc và cuối cùng là tới Bắc Mỹ. Thành tích nổi bật nhất của Flycó lẽ là đánh bại SKT T1 ở bán kết của LCK mùa hè 2016 với đồng đội ở KT Rolster. Nhưng đen đủi thay, sau chiến thắng đó thì KT cũng không đạt được thành tích nào khác nổi bật hơn trong năm 2016, cả Fly cũng vậy, khác biệt duy nhất chính là thay vì 2016 thì nó lại là cả sự nghiệp của Fly.
10. Choi “Huhi” Jae-hyun – Counter Logic Gaming
Huhi là một trong những người đi đường giữa có kỹ năng “bình thường” nhất trong số các tuyển thủ đường giữa thi đấu tại khu vực Bắc Mỹ. Tất nhiên, cậu ta vẫn có trình độ thách đấu, vẫn giỏi nhưng so với những người khác lại kém hơn rất nhiều. Khả năng tạo đột biến gần như bằng không, kèm theo đó là vô số những pha xử lý lỗi đáng quên. Đó là chưa kể tới việc Huhi thường xuyên để thua đường cho dù đi với bất kỳ ai, đa phần cậu ta đợi đồng đội đến cứu hoặc là phải đổi đường. Điểm mạnh duy nhất của Huhi chính là khả năng phối hợp với đồng đội vô cùng ăn ý.