- Theo Trí Thức Trẻ | 20/06/2017 01:21 PM
Như các bạn đã biết, Liên Minh Huyền Thoại đã và đang là một trong những tựa game MOBA được yêu thích nhất trên thế giới. Và ở Trung Quốc, lượng game thủ hâm mộ LOL lên đến hàng chục triệu người. Thành công này chắc chắn có nguyên nhân rất lớn đến từ Tencent, tập đoàn internet khổng lồ của Trung Quốc đã mua đứt Riot Games vào cuối năm 2015.
Mới đây, Tencent đã tiết lộ kế hoạch năm năm tới đây nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong mảng eSports và tạo ra một thị trường trị giá 100 tỷ Nhân Dân Tệ (khoảng 330 nghìn tỷ VNĐ) tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Kế hoạch này bao gồm tổ chức các giải vô địch quốc gia, giải đấu thể thao điện tử (Liên Minh Huyền Thoại) quốc tế và cả những hiệp hội nhưng cũng nuôi dưỡng tài năng, xây dựng công viên mang đậm phong cách eSports tại Trung Quốc.
Công ty này muốn thúc đẩy nền công nghiệp eSports vốn đang bùng nổ tại Trung Quốc khi “rót” vốn đầu tư 15 tỷ USD – điều chưa từng có tiền lệ. Các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng, thị trường eSports toàn cầu sẽ vượt mức 1 tỷ USD từ năm 2017 tới 2019.
Tencent là một công ty có tầm ảnh hưởng rất lớn trong ngành game toàn cầu. Họ đã đầu tư rộng khắp và trở thành đối tác của nhiều công ty game lớn bậc nhất. Tencent đã hoàn toàn nắm quyền sở hữu tựa game Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) từ Riot Games, nắm phần cổ phần tối thiểu trong Activision Blizzard và có trong tay 84% cổ phiếu của hãng phát triển game mobile Phần Lan Supercell…
Gao Li, Tổng Giám đốc mảng eSports của Tencent, nói rằng, vẫn hoàn toàn có cơ hội để doanh thu của công ty tăng lên khi đầu tư vào thể thao điện tử. Gao đã công bố một vài thỏa thuận với chính phủ và các công ty lớn Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất smartphone Vivo, nhằm sản xuất ra một chiếc điện thoại được tùy biến dành riêng cho King of Glory Professional League, một giải đấu chuyên nghiệp của Tencent.
Đầu năm nay, Tencent đã công bố doanh thu năm 2016 đạt 21,9 tỷ USD, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Doanh thu bán hàng của Tencent tăng 43%, chạm mốc 5,9 tỷ USD. Đối thủ lớn nhất của Tencent, Alibaba, cũng đang đẩy mạnh những hoạt động “lấn sân” vào eSports. Thông qua cơ quan chuyên về mảng eSports, Alisports, công ty này đã trở thành tâm điểm khi hợp tác với Hội đồng Olympic châu Á để đưa thể thao điện tử trở thành những bộ môn tranh chấp huy chương tại Asian Games.
Các thương hiệu eSports phương Tây cũng đã xác định được những cơ hội đang sẵn có tại thị trường Trung Quốc. Một trong những thương hiệu nổi danh bậc nhất, Fnatic, đã đặt quan hệ hợp tác với cơ quan eSports B.O.O.T. để mở rộng tầm ảnh hưởng tới châu Á.
Nếu Tencent giữ đúng lời hứa đầu tư 15 tỷ USD vào thị trường eSports Trung Quốc, thì việc mở rộng sang phương Đông của nhiều thương hiệu phương Tây sẽ là một tín hiệu tốt của quá trình cộng hưởng…