- Theo Helino | 05/11/2019 11:30 AM
Nếu như trận đấu giữa Funplus Phoenix và Invictus Gaming vào hôm thứ 7 vừa rồi là một trận đấu mãn nhãn về mặt giao tranh thì SKT T1 đối đầu G2 Esports là trận đấu của những pha di chuyển và xử lý macro đỉnh cao. Cả SKT T1 và G2 Esports đã cho thấy phong cách chơi LMHT của nhà vô địch thế giới là như nào khi những pha di chuyển, đọc vị trí đối thủ của hai bên đều cực kì xuất sắc.
SKT T1 đối đầu G2 Esports là đỉnh cao của di chuyển và xử lý macro của CKTG 2019
Theo chuyên gia Riot Vedius của Riot Games, SKT T1 đã làm tốt điều này nhiều hơn G2 Esports trong phần lớn thời gian diễn ra trận đấu. Tuy nhiên đội hình mà G2 Esports lựa chọn lại giúp cho họ có khả năng lật kèo tốt hơn hẳn, trong khi SKT T1 yêu cầu game thủ đánh chính xác 100% và chỉ một lỗi nhỏ cũng khiến họ thua trận.
Riot Vedius:"Tôi nghĩ rằng SKT T1 đã đánh tốt hơn G2 ở phần lớn thời gian trận đấu, nhưng đội hình của G2 cho phép họ dễ lật kèo hơn. G2 Esports có rất nhiều pha di chuyển tệ, quyết định sai lầm nhưng họ tìm ra cách để sửa sai được."
Riot Vedius cũng giải thích rõ ràng hơn trên Reddit về quan điểm này:"Theo tôi, "tốt hơn" ở đây là những quyết định di chuyển đúng của SKT T1 nhiều hơn G2 Esports. Cái khó của SKT T1 là đội hình của họ khó thắng hơn G2 Esports, nhưng không phải là không thể. Ví dụ ở game 3, Caps và Wunder có tình huống di chuyển cực kì lỗi khi cố gắng bắt Faker xong bị phản công rồi chết ngược.
Tình huống ra quyết định quá lỗi của G2 Esports khi Caps Dịch Chuyển tới và dính vào bẫy phản công của SKT T1
G2 Esports làm rất nhiều điều lạ lùng và không logic nhưng họ làm điều này một cách liên tục. Chính những quyết định điên rồ đó lại giúp họ giải quyết vấn đề dù cho họ bị dẫn trước bởi SKT T1 theo một cách không ai ngờ tới. G2 Esports giao tranh tốt hơn hẳn so với SKT T1 trong trận đấu vừa rồi không phải do hai bên chênh lệch mà bởi đội hình của G2 dễ combat hơn rất nhiều so với SKT T1, từ việc chọn thời gian, địa điểm giao tranh cho tới cách các kỹ năng được tung ra
Game 3 là điển hình cho lựa chọn đội hình khó chơi của SKT T1 khi cả Renekton, Rek'Sai, Kai'Sa và Leona buộc phải lao vào đối thủ để có thể gây sát thương, nếu phối hợp không tốt hoặc lệch nhịp một chút là SKT T1 sẽ thua ngay lập tức. Trong khi đó hai chủ lực của G2 là Oriana và Xayah có thể thoải mái giữ vị trí từ tầm xa mà vẫn gây ra áp lực lớn.
Điều này không có nghĩa là tôi đánh giá thấp G2 Esports, đội tuyển này có cách chơi phụ thuộc khá nhiều vào đối thủ của họ. Họ luôn nhận ra mình phải cải thiện điều gì và làm điều đó thường xuyên. Họ đã đánh tốt hơn và xứng đáng tiến vào Chung Kết, tuy nhiên không có nghĩa là G2 Esports đã thi đấu hoàn hảo ".
G2 Esports không hoàn hảo nhưng họ học hỏi và sửa sai nhanh hơn những đội khác
Quan điểm của Riot Vedius là cực kì rõ ràng khi G2 Esports luôn tìm được một đội hình dễ chơi, dễ lật kèo hơn so với SKT T1, điều này cho phép họ có những tình huống xử lý táo bạo hơn mà không sợ bị trả giá quá lớn. Trong khi đó thì SKT T1 chọn đội hình đòi hỏi các thành viên phải xử lý hoàn hảo nhất có thể, và đương nhiên khi chọn lối chơi như vậy thì sẽ có lúc họ gặp sai lầm và sự trả giá sẽ lớn hơn G2 Esports rất nhiều.
Lối cấm chọn và cách triển khai thế trận có phần quá cầu toàn này của SKT T1 đã khiến họ bị loại
Có lẽ chính áp lực quá lớn phải chơi một cách "hoàn hảo" như này đã khiến cho SKT T1 sụp đổ trong game 3 và game 4 của trận Bán Kết. Có lẽ Faker và đồng đội sẽ không thay đổi lối chơi của mình khi nhiều khả năng họ sẽ giữ nguyên ban huấn luyện, cái họ cần là để những tuyển thủ trẻ như Clid, Teddy hay Effort có thêm bản lĩnh để thực hiện chiến thuật tốt nhất mà thôi.