- Theo Trí Thức Trẻ | 20/04/2017 02:16 PM
“Người Hàn Quốc sẽ bực mình khi bạn chỉ vào Starcraft và nói đó là trò chơi điện tử. Với họ, đó là eSports!”
Có thể bạn sẽ không ngờ tới, thế nhưng Starcraft nói riêng hay nhiều tựa game eSports khác đều được coi như một môn thể thao đúng nghĩa tại xứ sở Kim Chi. Họ cũng luyện tập hăng say hơn 10 tiếng một ngày, phải suy nghĩ và ganh đua rất nhiều với những đối thủ khác cho những danh hiệu, những giải đấu lớn, duy chỉ khác một điều: Giày, vợt, bóng không nằm trong trong từ điển của họ, bàn phím và con chuột mới là thứ mà những game thủ Thể Thao Điện Tử (TTĐT) không thể thiếu để phục vụ cho niềm đam mê của bản thân.
Hiểu một cách đơn giản thì eSports (Electronic Sports) – Thể thao điện tử là một thuật ngữ để chỉ những game mang tính chất đối kháng (giữa cá nhân hoặc tập thể) với nhau và chủ yếu hoạt động bằng trí não tương tự như những môn thể thao chính thống như cờ vua, cờ tướng, đấu bài.
Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở đó, tính ganh đua trong eSports rất cao, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực không ngừng và ngoài ra vì phần lớn các tựa game eSports đều thi đấu theo thể thức đấu đội nên kỹ năng làm việc nhóm, khả năng phối hợp là vô cùng quan trọng. Cũng giống như bất kỳ một môn thể thao nào, một trò chơi thông thường chỉ trở thành eSports (hay còn gọi là Thể Thao Điện Tử) khi được cộng đồng và các tổ chức uy tín công nhận.
Không chịu kém cạnh các bộ môn thể thao khác, eSports cũng phát triển hệ thống với rất nhiều giải đấu tầm cỡ. Chỉ tính riêng 2016 giải đấu Dota2 có tổng giải thưởng lên đến 37 triệu đô, CS:GO là 17 triệu đô và trong năm 2013, người ta ước tính rằng có khoảng 71,5 triệu người theo dõi các trận đấu TTĐT trên toàn cầu.
Không chỉ đem đến những lợi ích thể chất vốn có của một trò chơi, Esports cũng mang tới cho game thủ nguồn thu nhập ổn định, những danh hiệu và hơn hết là sự ủng hộ từ công chúng. Nói không đâu xa, đội tuyển Saigon Jokers của Việt Nam chúng ta từng vinh dự góp mặt tại vòng CKTG mùa II Liên Minh Huyền Thoại, Neilyo – Game thủ Hearthstone VN từng đại diện châu Á tham dự Blizzcon hay mới đây nhất là Lê Quang Duy, cậu bé thần đồng vừa nhận được danh hiệu Game thủ trẻ xuất sắc nhất LPL Trung Quốc năm 2016.
Mặc dù Việt Nam chúng ta không thiếu những tuyển thủ tiềm năng, thế nhưng nền TTĐT Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với kỳ vọng. Tại sao thần đồng Sofm lại phải thi đấu nơi xứ người mà không phải ở Việt Nam? Tại sao TTĐT Việt Nam chỉ đứng thứ 43 trên BXH thế giới*?
Sự đầu tư chưa đúng mực của các doanh nghiệp, NPH Game hay thiếu thốn môi trường luyện tập, rèn luyện một cách thường xuyên nhưng quan trọng hơn hết, sự thiếu ủng hộ từ gia đình và cộng đồng do cái nhìn thành kiến về việc chơi game online là những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của eSports nước nhà.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây nhận thấy được tiềm năng của TTĐT, đã có nhiều doanh nghiệp, NPH ở Việt Nam tập trung đầu tư mạnh và phát triển các tựa game chiến lược của họ theo hướng eSports hóa. Điển hình là Liên Minh Huyền Thoại, FFO3 của Garena; Tập Kích của VTC; Crossfire Legends của VNG; … với nhiều giải đấu chuyên nghiệp có tiền thưởng lên tới hàng tỷ đồng. Không chỉ các tổ chức này còn thành lập nên cả một “hệ sinh thái xung quanh eSports” bao gồm những sân chơi, các cộng đồng thảo luận đông đảo và rộng khắp cũng như hàng loạt nghề nghiệp mới được hình thành như Bình luận viên giải đấu, Phân tích Game, HLV, Streamer…
Ngoài ra cũng không thể không kể đến sự đóng góp đến từ những trang tin khi liên tục cập nhật, chia sẻ những tin tức Esports nóng hổi trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ người chơi nâng cao kỹ năng qua những bài cẩm nang, chỉ dẫn chuyên sâu. Qua đó giúp họ đến gần hơn với bộ môn thể thao còn khá mới mẻ này.
Với tiềm năng đầy hứa hẹn cùng với việc đầu tư và chuẩn bị chắc chắn, chỉ cần có thêm sự ủng hộ từ cộng đồng, Thể Thao Điện Tử Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp các nền eSports phát triển trên thế giới trong một tương lai không xa.