- Theo Trí Thức Trẻ | 02/07/2016 11:00 AM
Sau giải mùa Xuân, các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại trên toàn thế giới đã có rất nhiều bản hợp đồng mới với hi vọng những tân binh mang về sẽ đem lại thành công, hoàn thiện đội hình cho giai đoạn then chốt vào giải mùa Hè. Đến nay, hệ thống các giải đấu giai đoạn mùa Hè 2016 đã gần đi được nửa chặng đường. Các đội tuyển đã dần thể hiện rõ sức mạnh của mình, những tân binh mang về có người thành công, người thất bại. Hãy cùng chúng tôi điểm qua Top 5 bản hợp đồng thành công nhất.
SofM – Snake Esports
Ngày 20 tháng 5, những dòng title ngắn ngủi trên Reddit về một chàng tân binh nào đó người Việt Nam gia nhập Snake Esports đương nhiên không nhận được sự chú ý. Cộng đồng Trung Quốc đặt dấu hỏi to đùng với Snake Esports khi chiêu mộ một cái tên vô danh từ khu vực GPL, một trong những “vùng trũng” của Liên Minh Huyền Thoại thế giới.
Nhưng màn ra mắt như một vụ nổ của SofM là câm lặng những lời chỉ trích, kỳ thị trước đó. Snake Esports sau 2 trận thua tan tác đầu mùa bỗng trình diễn bộ mặt mới đầy sức sống để đánh bại Newbee của 2 siêu sao Swift, Dade. Sự xuất hiện của SofM như một “gói kích cầu” trực tiếp đến những thành viên còn lại, Snake tiếp tục thăng hoa với 5 chiến thắng và chỉ một thất bại, vươn lên vị trí thứ 2 trên BXH.
Không chỉ thành công về chuyên môn, những màn trình diễn của SofM nhận được sự hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, điều này đương nhiên có lợi cho hình ảnh của Snake Esports. Nhìn sang những đội tuyển như LGD, Vici Gaming liên tục bị chỉ trích ném tiền qua cửa sổ vì những bản hợp đồng tiền tấn chưa phát huy hiệu quả. Có thể khẳng định bất chấp mùa giải của Snake có kết thúc ra sao, rõ ràng là đội ngũ tuyển trạch của họ đã mang về một món hời lớn cho đội tuyển với thương vụ chiêu mộ SofM.
Hình ảnh cho thấy thành công cả về thương mại của Snake trong thương vụ SofM
Yellowstar – Fnatic
Sau mùa giải đại thành công năm 2015, huyền thoại Yellowstar đã quyết định chia tay Fnatic để tìm kiếm thử thách mới khi gia nhập TSM. Tuy nhiên “giấc mơ Mỹ” của anh nhanh chóng kết thúc, những khó khăn về việc hòa nhập, môi trường sống làm khó Hỗ trợ người Pháp. Dù sau giai đoạn vòng bảng bết bát, TSM trở lại mạnh mẽ ở Playoff và giành ngôi Á quân, nhưng sau LCS Bắc Mỹ mùa Xuân Yellowstar và TSM đã quyết định chia tay nhau. Fnatic vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống của anh từ ngày ra đi đã nhanh chóng giang tay đón người đội trưởng của mình trở về. Một thương vụ làm hài lòng cả 3 bên.
Sự trở về của Yellowstar đến lúc này là vô cùng thành công. Công bằng mà nói thì kỹ năng đã mai một khá nhiều, nhưng bằng kinh nghiệm, khả năng caller, kết nối các thành viên còn lại của mình, Yellowstar chính là chất xúc tác giúp Fnatic tìm được sự ổn định, thứ xa xỉ ở mùa giải trước khi họ không có 1 thủ lĩnh đích thực. Các thành viên còn lại khi được đặt vào 1 hệ thống hợp lý đã dần thể hiện tài năng của mình. Với việc các đối thủ tại LCS EU đều đang có những bất ổn, Fnatic hứa hẹn sẽ là ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch LCS EU mùa Hè. Họ đang rất khát khao đòi lại ngôi vương đánh mất vào tay G2 Esports.
Uzi – Royal Never Give Up
Một bản hợp đồng khác của khu vực LPL. Tuy nhiên thương vụ Royal Never Give Up chiêu mộ Uzi từ Newbee hoàn toàn đối lập với SofM trên truyền thông khi nhận được sự kỳ vọng cũng như chú ý cực lớn. Cũng dễ hiểu khi Uzi luôn là “cục cưng” của cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại Trung Quốc, việc Uzi trở về Royal có tác động trực tiếp từ Mata với mục đích hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong đội hình để hướng đến chung kết thế giới.
Đắt xắt ra miếng
Giá trị bản hợp đồng với Uzi không được phía RNG công bố. Tuy nhiên cần phải biết rằng Qiao Gu (Newbee) đã phải trả OMG 3 triệu USD để có sự phục vụ của Uzi, RNG chắc chắn cũng chi ra một con số tương tự, thậm chí là hơn để thuyết phục QG nhả người chỉ sau một mùa giải như vậy.
Dù sao thì đến lúc này, sự gia nhập của Uzi đã mang đến cho RNG một đội hình rất hoàn thiện. Anh chàng này vẫn thể hiện mình là một trong những siêu Xạ thủ hàng đầu thế giới và sẽ cùng RNG thách thức tất cả tại CKTG mùa này. Đúng là “đắt xắt ra miếng”.
Biofrost – Team SoloMid
TSM đang thể hiện phong độ tuyệt vời trong giai đoạn lượt đi LCS Bắc Mỹ mùa Hè 2016. Toàn đội sau 1 mùa giải rời rạc dường như đã tìm được tiếng nói chung. Hauntzer làm lu mờ hoàn toàn những Huni, Impact khi đối đầu, Svenskeren thể hiện phong cách đi rừng kiểm soát mới lạ so với những gì mọi người biết về anh chàng này, Doublelift trở lại là Xạ thủ số 1 Bắc Mỹ, bên cạnh một Bjergsen vẫn ổn định xưa nay. Nhưng nếu chọn gương mặt nào gây ấn tượng nhất đội hình TSM hiện nay thì nhất định phải là chàng tân binh Biofrost.
Chàng tân binh vô danh này đã thực sự làm được quá nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Không chỉ kết hợp hoàn hảo với xạ thủ khó tính Doublelift, Biofrost dù cầm những tướng tay ngắn chống chịu như Braum hay pháp sư đa dụng như Bard, Nami đều thể hiện phong độ cao, đặc biệt thường xuyên có những pha tung chiêu thức chí mạng, trực tiếp mang về chiến thắng giao tranh cho đội. Từ rất lâu rồi chúng ta mới được chứng kiến một TSM chắc chắn và ổn định như thế. Biofrost là một bản hợp đồng “tưởng không hay, mà hay không tưởng “ của Team SoloMid.
Ruler – SAMSUNG
Các đội tuyển tại Hàn Quốc không có quá nhiều thay đổi nhân sự trước thềm LCK mùa Hè 2016, thực chất thì LCK cũng chưa bao giờ là đất lành cho những chàng tân binh. Tuy nhiên, Xạ thủ Ruler của SAMSUNG dù không được chú ý trước giải đã nhanh chóng gây tiếng vang với những màn trình diễn của mình. Đưa SAMSUNG trở thành chú ngựa ô số 1 giải đấu.
Thi đấu chững chạc, kỹ năng rất cao với 2 quân bài tủ là Ashe và Ezreal. Ruler khiến người theo dõi cảm giác như Samsung vừa chiêu mộ được một siêu sao nào đó chứ không phải một chàng Xạ thủ vô danh chân ướt chân ráo ra mắt. Cùng với sự tiến bộ của người đi đường giữa Crown, Samsung có bộ đôi sát thương chủ lực đầy triển vọng cho tương lai. Ruler chính là Xạ thủ trẻ triển vọng nhất Hàn Quốc hiện nay.