Liên Minh Huyền Thoại: Nhìn lại giai đoạn hòa nhập của SofM tại LPL

SteLLar  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/06/2016 01:25 PM

Với màn trên cơ người đi rừng được đánh giá có lối đánh kiểm soát xuất sắc nhất LPL hiện giờ là Condi thì hẳn cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại quốc tế cũng đã phải công nhận tài năng của SofM.

Khi tôi gõ những dòng này thì Snake Esports vừa đánh bại đối thủ được đánh giá rất cao Team WE sau màn lội ngược dòng thuyết phục với tâm điểm là những màn trình diễn mãn nhãn của SofM với 2 vị tướng làm nên thương hiệu từ những ngày còn chinh chiến tại Việt Nam là Nidalee và Lee Sin. Người hâm mộ phấn khích khi nhìn thấy SofM và đồng đội đứng dậy mạnh mẽ sau thất bại bất ngờ trước LGD Gaming.

Với màn trên cơ người đi rừng được đánh giá có lối đánh kiểm soát xuất sắc nhất LPL hiện giờ là Condi thì hẳn cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại quốc tế cũng đã phải công nhận tài năng của SofM, rõ ràng là SofM hoàn toàn đủ khả năng chinh chiến tại những đấu trường khắc nghiệt nhất.

Màn thể hiện của SofM trong gần 1 tháng kể từ ngày gia nhập Snake Esporst làm nức lòng NHM nước nhà, nhưng cần phải bình tĩnh nhìn nhận rằng chặng đường sắp tới vẫn còn rất dài và màn bay nhảy mãn nhãn với Lee Sin vừa qua chưa phải điểm dừng cuối cùng. Còn rất nhiều đối thủ khác đang ở phía trước chờ đợi, đó là những thử thách đòi hỏi Sofm và Snake phải “biết người, biết ta” mới có thể đạt được chiến thắng sau cùng. Chúng ta cùng nhìn lại những điểm nhấn trong hành trình hòa nhập của SofM gần 1 tháng qua.

Trong quá trình leo rank Hàn Quốc, SofM thường phải chơi với ping lên tới 100. Vượt qua điều này đương nhiên thật đáng nể phục nhưng vô tình khiến SofM bỏ qua cơ hội được tiếp xúc, mục sở thị một đặc sản của các Gosu Hàn, đó là khả năng xử lý, hay dễ hiểu hơn là tốc độ tay. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng xử lý tình huống của những game thủ Hàn vượt trội hoàn toàn so với người bình thường. Người bình thường cần 200-250ms (millisecond) để đưa ra một pha xử lý tình huống, khoảng 1 phần tư giây. Nhưng các Gosu Hàn hầu hết đều đạt 100-150ms. Quá kinh khủng! Với những thiên tài thì con số trên có thể còn khủng khiếp hơn.

Quá trình tôi luyện càng rèn giũa thêm khả năng phản xạ và xử lý tình huống của họ. Để minh họa rõ hơn thì hãy xem lại tình huống ở chung kết LCK mùa Hè 2015, Riven của Faker trong pha băng trụ hạ gục Cassiopeia của Nagne. Người ta đếm được trong 1s, Riven đã thực hiện tổng cộng tới 7 hành động (bao gồm tất cả đánh thường, tốc biến, dùng chiêu thức,…).

Quay lại với nhân vật chính của bài viết này là SofM, với ping 100 thì đương nhiên SofM không thể có cơ hội đối mặt trực tiếp với khả năng xử lý của các Gosu Hàn. Những tình huống Tốc biến fail khi gank Dade, Acorn hay pha bị Imp hack não cho thấy nhiều điều đằng sau đó hơn là vài ba cái chép miệng tiếc nuối của bình luận viên. Tại sao không phải là một anh chàng Trung Quốc nào đó mà đều là những game thủ đã từng ở trên đỉnh cao Hàn Quốc. Việc đối mặt với những cá nhân kiệt xuất như vậy đôi khi sẽ khiên SofM bị những pha outplay như đã nói ở trên, có lúc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lối chơi thiên về tấn công của em.

Những người đi rừng hàng đầu cũng thường thi đấu rất hổ báo trong Xếp hạng. Một Bengi lên full sát thương khi đấu Xếp hạng không phải ngạc nhiên nếu theo dõi stream của anh này. Vậy tại sao không ai mang điều đó vào trận đấu chuyên nghiệp? Vì lối chơi đó quá nguy hiểm, là con dao 2 lưỡi khi chẳng may gank thất bại 1 – 2 lần giai đoạn đầu trận là gần như chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Đương nhiên lối chơi của SofM vô cùng hấp dẫn, rất “Style of Me”, như cơn gió mát giữa trưa hè thổi vào meta rừng kiểm soát đang ngày càng thịnh hành. Việc tìm cho mình một lối đi riêng giữa một thế giới ngày càng phẳng lúc nào cũng được hoan nghênh và khích lệ. Nhưng chiến đấu không thể lúc nào cũng là hung hãn lao lên, đâu thể đòi hỏi trận nào cũng đi trên đầu trên cổ đối phương. Sẽ có lúc SofM bị thọt lại phía sau đó là lúc đấu trường chuyên nghiệp đòi hỏi ở SofM khả năng thích ứng. Trận thua ở game 1 trước WE là khi mà SofM không có được lợi thế ban đầu như mong muốn và đã phần nào lạc lối.


Các game thủ Trung Quốc luôn rất hổ báo nhưng khá yếu về chiến thuật

Các game thủ Trung Quốc luôn rất hổ báo nhưng khá yếu về chiến thuật

Đương nhiên vấn đề này chủ yếu nằm ở tập thể Snake nhiều hơn. Nói rộng ra thì khả năng đánh trong thế thua là điểm yếu chung của các đội tuyển Trung Quốc. Sanke của SofM và hầu hết các đội khác tại LPL vẫn trung thành với lối chơi đầy cống hiến, giao tranh liên tục nhưng vô hình chung đó lại là 1 lý do khiến họ bị đối thủ lớn nhất là Hàn Quốc bỏ lại sau lưng trên đấu trường quốc tế.

Điều làm nên sự khoảng cách của người Hàn với phần còn lại không phải kỹ năng (dù họ có thừa) mà là chiến thuật và kỷ luật trong việc chấp hành chiến thuật vượt trội so với các khu vực khác. Mọi thứ đều được họ mổ xẻ phân tích, họ chuẩn bị cho mọi tình huống trong trận đấu. Các đội Trung Quốc chưa có được điều đó nhưng một số team hàng đầu như RNG, EDG đã dần tiệm cận người Hàn về mặt chiến thuật. Đội ngũ huấn luyện của họ đương nhiên đủ khả năng vạch ra những đối sách để ngăn cản Sofm. Những đối thủ mạnh nhất xuất hiện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức cực lớn cho SofM để chứng tỏ bản thân.

Một vấn đề nữa là sự kết nối với đồng đội, Snake Esports là đội tuyển với 3 thứ ngôn ngữ. Sự ăn ý trong di chuyển đang được cải thiện từng ngày như vẫn còn đó những tình huống giao tranh lỗi mà chỉ có giao tiếp mới là cách giải quyết duy nhất. Pha Lissandra của Tank dùng Hầm mộ hàn băng lên mình dù SofM bật Cừu cứu sinh trận gặp Invictus Gaming, hay như trong trận với WE vừa qua cũng có những tình huống SofM và đồng đội chưa có được sự ăn ý. Một là pha gank Nautilus ở đường dưới khi Maokai của Flandre hai lần dùng Sóng cổ học vô tình làm chệch đi mũi lao của Nidalee trong tay SofM khiến họ mất rất nhiều thời gian để hạ gục đối thủ. Tình huống còn lại là pha SofM cướp được Baron, sau đó lại ngay lập tức nhảy khỏi hang theo phản xạ dù không gặp bất cứ áp lực nào từ đối thủ và mất một thời gian kha khá để quay lại giao tranh.

Những vết gợn tuy nhỏ nhưng hoàn toàn có thể bị trừng phạt khi đối đầu với đối thủ mạnh hơn. Sự ăn ý không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, dù sao thì không thể phủ nhận là so với những tân binh của đội tuyển khác thì SofM đã hòa nhập nhanh hơn rất nhiều. Hi vọng thời gian sẽ càng làm tăng thêm sự gắn kết trong đội.

Cuối cùng không thể không kể đến đóng góp từ những thành viên còn lại sau quá trình hòa nhập thuận lợi của SofM. Hai vị trí solo là Flandre và đặc biệt Tank đều chơi cực kỳ xuất sắc. Tank có bộ tướng rất đa dạng, kỹ năng đi đường và giao tranh đều tốt, đặc biệt ở anh chàng này có một điểm mạnh mà rất ít người chơi đường giữa sở hữu, đó là khả năng sử dụng Dịch chuyển cực kỳ tốt. Không ít lần những pha dịch chuyển của Tank trực tiếp mang về lợi thế cho Snake.

Một người nữa ít được nói tới là Martin. Anh thường bị coi là điểm yếu lớn nhất của Snake nhưng thực tế là có ai nhớ giai đoạn đầu mùa thảm hại khi Krystal đánh chính? Những ai theo dõi Liên Minh Huyền Thoại giai đoạn mùa 3,4 thì hẳn vẫn còn nhớ đội hình của OMG ngày nào với hạt nhân chính cũng là bộ 3 Top – Jungle – Mid là Gogoing – Loveling – Cool. Xạ thủ San ngày ấy cũng nhận nhiều chỉ trích nhưng khi OMG chiêu mộ Uzi thì đó lại là sự khởi đầu cho sự sụp đổ của họ khi cấu trúc đội hình bị phá vỡ. Bạn không thể đòi hỏi cả 4 vị trí trừ Hỗ trợ trong đội hình đều là mũi nhọn lao lên phía trước được, sẽ có người phải chấp nhận lùi lại phía sau và Snake đang có được điều đó ở Martin.

Snake hiện nay khá giống với OMG ngày trước khi tài nguyên được dồn nhiều cho Đường giữa và Đường trên, (cả SofM cũng là người chơi theo phong cách cần chiếm nhiều tài nguyên) thì việc sở hữu một Xạ thủ không cần chăm sóc quá nhiều vẫn đảm bảo được sát thương đều đặn trong giao tranh như Martin sẽ đem lại sự cân bằng hoàn hảo cho đội hình. Vấn đề lớn nhất với Martin là liệu ngoài Lucian và Ezreal thì anh này còn vị tướng nào khác.

KẾT

Tổng kết chung lại thì giai đoạn hòa nhập của SofM tại Snake Esports sau gần 1 tháng đã diễn ra tốt đẹp. Đương nhiên chưa hoàn hảo nhưng khó có thể đòi hỏi một tân binh lần đầu xuất hiện tại đấu trường lớn làm tốt hơn những gì SofM đã thể hiện. Giai đoạn hòa nhập đã dần qua, giờ là lúc cuộc đua thực sự bắt đầu khi các đội tuyển thách thức đã lộ diện. Hi vọng SofM sẽ ngày càng tìm được sự ăn ý với đồng đội, vững tâm thi đấu dù trước mặt là đối thủ khó khăn đến mấy để lá cờ Việt Nam có cơ hội tung bay trên đấu trường Liên Minh Huyền Thoại quốc tế.