Lịch sử kinh dị: Đây là 6 tựa game "Resident Evil" chưa bao giờ được ra lò

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 17/03/2017 04:30 PM

Ở lần này của loạt bài “Lịch sử kinh dị”, chúng ta sẽ nói một chút về những tựa game “Resident Evil” chưa bao giờ có may mắn được xuất xưởng.

Rất nhiều người trong chúng ta có một tình yêu đặc biệt dành cho thương hiệu “Resident Evil”. Chúng ta cố gắng chơi hết các phiên bản, thu thập mọi món hàng hóa đồ chơi, xếp hạng đâu là phần mình thích nhất và thậm chí đi cãi nhau với fan của những series kinh dị hấp dẫn khác để xem bên nào hay hơn, đáng sợ hơn. Vậy nhưng liệu chúng ta có biết về sự tồn tại của các bản “Resident Evil” bí mật? Các phiên bản “nháp” được nhà phát triển sử dụng thử nghiệm trước khi chúng được hoàn tất để cho ra mắt người chơi, hoặc thậm chí là biến hóa luôn thành một game khác ấy?

Ở lần này của loạt bài “Lịch sử kinh dị”, chúng ta sẽ nói một chút về những tựa game “Resident Evil” chưa bao giờ có may mắn được xuất xưởng.

Resident Evil 1.5

Resident Evil 2 (1.5) Unseen In-Game PlayStation Footage

Trước khi “Resident Evil 2” có được diện mạo như chúng ta vẫn biết ngày nay, nó đã từng đặt tên là “Resident Evil 1.5” và có quá trình phát triển ngay sau khi phiên bản đầu tiên được phát hành chính thức.

Về cơ bản, phiên bản nháp này có rất nhiều điểm tương đồng với phiên bản chính thức, nhưng có tồn tại một số điểm khác biệt chính. Trong đó, Leon Kennedy vẫn là nhân vật nam chính, nhưng nữ chính thì không phải là Claire Redfield. Thay vào đó, một cô gái mang tên Elza Walker đã đóng vai nữ chính ở “Resident Evil 1.5”, với thân phận là một sinh viên đại học kiêm dân chơi xe phân khối lớn rất ngầu.

Hơn nữa, Capcom cũng đã có ý định xây dựng một cốt truyện hoàn thiện về Thành phố Raccoon và Umbrella Corp, muốn học hỏi theo series “Final Fantasy” với mỗi phiên bản mới sẽ mang đến thế giới mới, câu chuyện mới và rất ít sự liên hệ giữa từng phiên bản. Tuy nhiên nhìn vào cách cốt truyện của “Resident Evil”phát triển tới tận ngày này, ta có thể thấy rằng họ đã lựa chọn một ý tưởng hoàn toàn đối lập.

Thêm một khác biệt lớn nữa ngoài cốt truyện và nhân vật chính là bối cảnh, mô hình và hình nền của game. Phiên bản 1.5 có cách thiết kế hiện đại và sáng sủa hơn hẳn phiên bản hoàn thiện với cách thiết kế gothic, tăm tối đáng sợ.

“Resident Evil 1” suýt chút có bản Game Boy Color

Sau khi Nintendo phát hành Game Boy Color, Capcom đã quyết định có bước đi mới lên hệ thống cầm tay với “Resident Evil”. Họ đã cố gắng chuyển toàn bộ nội dung của phiên bản đầu tiên sang hệ thống Game Boy Color, thay đổi toàn bộ nền đồ họa để phù hợp với phần cứng mới. Tuy nhiên vì có lẽ kết quả không hề được như ý nên Capcom đã cho dừng ngay dự án này sau một vài bản thử nghiệm đầu tiên. Quả là sáng suốt khi bản “Resident Evil” này đã có thể trở thành một thảm họa thật sự.

“Samurai Evil” – “Resident Evil” bối cảnh phong kiến Nhật Bản

Trong năm 1997, ông Okamoto Yoshiki, nhà sản xuất Capcom, đã có một ý tưởng tuyệt vời là sáng tạo ra một phiên bản spin-off của “Resident Evil” và sẽ đặt tên là “Sengoku Biohazard” (“Biohazard” vốn là tên gốc tiếng Nhật của “RE”). Phiên bản lẻ này sẽ có bối cảnh ở thời Chiến Quốc Nhật Bản và có nhân vật chính sử dụng katana để chống lại ác quỷ và tà linh.

Ý tưởng vốn có khởi đầu là ăn theo thương hiệu “Resident Evil” cuối cùng đã được sản xuất để trở thành một series hoàn toàn mới với tên gọi “Onimusha”, một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của Capcom trên PlayStation 2.

Resident Evil Lost: Leon vs The Fogman

Resident Evil 4 Fog Version

Mất mọi thời gian khá lâu để Capcom đưa ra quyết định xây dựng một cơ chế gameplay mang tính hành động hơn với “Resident Evil 4”, và tất nhiên các bản thử nghiệm của game này ban đầu đã tìm kiếm một hướng đi rất khác biệt cho cả series. Một bản nháp của “Resident Evil 4” cho thấy Leon khám phá một con tàu bí ẩn, bám đuổi một con quái vật có dạng “sương mù” mà không thể tiêu diệt vĩnh viễn.

Ý tưởng này đã bị gạch bổ sau giai đoạn sản xuất ban đầu bởi vì các nhà sản xuất cảm thấy rằng nó sẽ tạo ra một bước đi quá xa lạ cho cả series này khi hoàn toàn bỏ đi hình bóng của các sinh vật dạng zombie. Ít nhất phiên bản này đã có công mang lại cho chúng ta hình dạng Leon mới mẻ và được sử dụng ở phiên bản chính thức.

Resident Evil 3.5

Resident Evil 3.5 Hook Version

Trước khi có bản dựng cuối cùng của “Resident Evil 4”, một phiên bản khác với ý tưởng đưa series rẽ sang một con đường mới đã được đi vào phát triển kha khá. Bản này đã vận dụng cách đặt camera cố định và quay về với gốc rễ ban đầu khi đặt Leon vào một biệt thự bỏ hoang đáng sợ.

Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất ở đây là sẽ không hề có zombie, và cũng chẳng có sinh vật đột biến bởi virus. Ngôi biệt thự này bị ma ám và Leon sẽ có dịp đối đầu với đủ dạng ma quỷ, linh hồn lẫn quái vật siêu nhiên, bao gồm cả một người đàn ông bị ma nhập và cầm trên tay một cái móc làm vũ khí. Khá nhiều fan đã tỏ ra thích thú với ý tưởng nháp này, đến độ cố gắng tự tạo lại một bản “Resident Evil 3.5” hoàn chỉnh.

Resident May Cry

Có lẽ ý tưởng nháp thú vị nhất của “Resident Evil 4” chính là phiên bản muốn đưa series này sang một hướng đi tập trung chính vào khâu hành động. Bản game này sẽ có Leon trong vai một thợ săn quái vật bá đạo với hai tay hai súng ngắn, có thể nhảy cao, lăn lộn, tiêu diệt kẻ thù một cách đơn giản và thậm chí có cả siêu sức mạnh được ban tặng bởi một nguồn lực bí ẩn.

Tất nhiên sáng kiến quá đà này đã bị loại bỏ vì lí do đưa mọi thứ đi quá xa với gốc rễ ban đầu, nhưng khái niệm thú vị và độc đáo này đã không bị bỏ phí. Cuối cùng, các nhà phát triển ở Capcom đã xây dựng lại ý tưởng và cơ chế của bản nháp để tạo nên một tựa game hoàn toàn mới, trở thành “Devil May Cry” như ta đã biết thời nay. Đây chắc hẳn là lời lí giải cho sự tương đồng giữa Leon và Dante trong khoản đầu tóc lả lướt lãng tử.

Theo Nowloading