Tri Thức Trẻ | 16/05/2020 01:25 PM
"Độc quyền" (Monopoly) phổ biến ở Việt Nam với cái tên là Cờ tỷ phú.
Mặc dù trò chơi này không còn thịnh hành như trước nữa nhưng hầu như mọi người đều nắm rõ quy tắc của nó. Cuối trò, chỉ có duy nhất một "đại tỷ phú" chiến thắng, điều này đồng nghĩa những người chơi khác đã bị phá sản hoặc sắp sửa bị phá sản.
Những người đã từng chơi trò này chắc hẳn sẽ không thể nào quên được cảm giác phấn khích khi trở thành "đại địa chủ" nắm trong tay rất nhiều tài sản và tiền bạc. Từ trò chơi này, chúng ra có thể rút ra được rất nhiều chân lý, ví dụ như "có tiền thật sự tốt" hay "tiền sẽ sinh ra tiền".
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử hơn 100 năm tồn tại của trò Cờ tỷ phú này, đó mới thật sự là một câu chuyện u ám đầy mùi hôi thối của đồng tiền.
Nhiều người tin rằng, Cờ tỷ phú được tạo ra bởi người đàn ông tên là Charles Darrow vào năm 1935 tại Mỹ. Vào thời điểm đó, Mỹ đang trong thời kỳ đại suy thoái và để giải quyết khó khăn về tài chính, Charles Darrow đã bán trò chơi này cho nhà sản xuất đồ chơi Parker Brothers. Anh không ngờ, sau này trò chơi đã phổ biến toàn thế giới, biến anh từ người nghèo khổ trở thành một tỷ phú.
Nhưng, lịch sử chỉ dành cho người chiến thắng. Hóa ra, người thật sự đứng sau trò chơi hơn 100 tuổi này là người khác. Charles Darrow chỉ là một tên thất nghiệp và kiếm tiền bằng cách ăn cắp ý tưởng của người khác.
Người thật sự phát minh ra trò chơi này là Elizabeth Magie, nhưng cô lại không nhận được bất kỳ quyền lợi nào cũng như cơ hội trở thành tỷ phú.
Thêm nữa, nếu cô biết trò chơi Cờ tỷ phú đã phổ biến khắp thế giới theo cách này thì cô hẳn sẽ có cảm giác tội lỗi nặng nề. Bởi ý định ban đầu khi cô tạo ra trò chơi này là nhằm mục đích vạch trần sự xấu xa của chủ nghĩa tư bản. Nhưng rốt cuộc công chúng lại mê mẩn trò chơi tư bản này.
Elizabeth Magie luôn hi vọng người chiến thắng cuối cùng sẽ là những người bình thường, không phải là kẻ đang điên cuồng mua đất làm giàu. Trớ trêu thay, trò chơi phơi bày góc khuất của chủ nghĩa tư bản đang độc chiếm thị trường lại bị một công ty tư bản thâu tóm.
Elizabeth Magie sinh năm 1866 và khá nổi loạn so với hầu hết phụ nữ thời đó. Cô từ lâu đã bày tỏ sự ủng hộ của mình với nữ quyền. Sau khi tốt nghiệp đại học, Elizabeth Magie làm việc cho một tờ báo và sống độc thân đến 44 tuổi mới kết hôn. Cô cũng thành thạo hội họa, thơ ca và biểu diễn. Và điều quan trọng nhất, Elizabeth Magie có một lý tưởng chính trị không phù hợp với thời đại đó.
Tất cả những tư tưởng này đều ảnh hưởng từ người cha của Elizabeth Magie. Ông là một diễn thuyết gia có chí lớn. Khi Elizabeth Magie còn đi học, ông đã tặng cho cô quyển Tiến bộ và nghèo đói (Progress and Poverty). Đây là quyển sách ảnh hưởng sâu sắc đến Elizabeth Magie và gieo hạt giống cho việc tạo ra trò chơi Cờ tỷ phú.
Câu nói: "Rõ ràng là quyền bình đẳng sử dụng đất giống với quyền bình đẳng hít thở không khí, miễn là có tồn tại thì ai cũng có quyền này" được xem như kim chỉ nam trong cuộc đời Elizabeth Magie. Trong suốt quãng đời còn lại, cô luôn chiến đấu chứng minh điều này là đúng đắn.
Trên thực tế, Elizabeth Magie đã thiết kế trò Cờ tỷ phú với 2 hình thức khác nhau, phân thành "Độc quyền" (Monopoly) và "Phồn thịnh" (Prosperity).
"Độc quyền" - Hình thức đầu tiên của Cờ tỷ phú có quy tắc gần giống với Cờ tỷ phú mà chúng ta đang chơi hiện tại. Người chơi tích lũy của cải bằng cách mua bất động sản và xây nhà để thu tiền thuê. Sẽ chỉ có một người chiến thắng duy nhất và những người chơi còn lại phải phá sản trước khi trò chơi kết thúc.
Hình thức thứ 2 là "Phồn thịnh", đất đai thuộc sở hữu chung của tất cả người chơi, không của riêng cá nhân nào. Bất kỳ ai kiếm được tiền từ mua đất thì tất cả người chơi khác có thể nhận được một khoản thu nhập từ việc đó.
Vậy thì làm sao xác định được người chiến thắng trong hình thức thứ 2? Khi những người chơi nghèo nhất có thể kiếm được gấp đôi tiền vốn ban đầu, trò chơi có thể được tuyên bố kết thúc. Người chiến thắng không phải chỉ 1 người và tất cả người chơi sẽ đều cảm thấy vui vẻ. Điều này giống như hợp tác chơi, mỗi người chơi phải suy nghĩ về cách để giúp những người nghèo nhất kiếm được tiền nhiều hơn.
Nhưng lại thêm 1 câu hỏi được đặt ra, tại sao con người thời nay lại chơi Cờ tỷ phú theo hình thức "Độc quyền"? Theo nhiều phân tích, đó là bởi vì con người ai cũng thích thú cảm giác cướp đoạt.
Năm 1903, Elizabeth Magie đặt tên cho sản phẩm của mình là "Trò chơi địa chủ" (Landlord's Game) và nộp đơn xin cấp bằng phát minh. Sau khi có được bằng phát minh, Elizabeth Magie đã cùng với một số đối tác nhỏ phát hành trò chơi lần đầu tiên ở New York vào năm 1903.
Tên đầu tiên của trò Cờ tỷ phú là "Trò chơi địa chủ" (Landlord's Game).
Vài năm sau, Elizabeth Magie cố gắng hợp tác với Parker Brothers, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất ở thời điểm đó. Cô hi vọng trò chơi sẽ được nhiều người biết đến và nhận ra một vài sự thật từ nó. Nhưng 2 hình thức này đã bị Parker Brothers từ chối vì cho rằng trò chơi quá phức tạp và khó được công chúng đón nhận.
Một thời gian sau, đến những năm 1930 của thế kỷ 20, một người tên là Charles Darrow, được đề cập ở phần đầu bài viết, bắt đầu nảy ra những ý tưởng xấu xa trong lúc thất nghiệp ở nhà.
Hắn bắt đầu chỉnh sửa một vài chi tiết trong trò chơi Cờ tỷ phú nguyên bản của Elizabeth Magie, sau đó chào bán cho Parker Brothers. Bản chỉnh sửa này hoàn toàn đi ngược lại ý định ban đầu của người sáng tạo trò chơi Elizabeth Magie. Charles Darrow loại bỏ hoàn toàn hình thức "Phồn thịnh", chỉ để lại hình thức "Độc quyền" với cách thức chơi trên nền tảng cướp bóc lẫn nhau.
Và cái tên "Độc quyền" (Monopoly) được sử dụng cho đến ngày nay, thay vì cái tên gốc "Trò chơi địa chủ" (Landlord's Game).
Chân dung Charles Darrow.
Charles Darrow khi đó đã trở thành nhà thiết kế trò chơi đầu tiên trên thế giới có tài sản lên đến con số hàng triệu. Còn Elizabeth Magie, cô không nhận được gì khác ngoài khoản tiền 500 USD.
Nhưng số tiền 500 USD này không tương đương với vấn đề công nhận vị trí sáng tạo đầu tiên của Elizabeth Magie. Trong thực tế, ngay khi lấy được bằng sáng chế từ tay Charles Darrow, Parker Brothers đã nhận ra sự tồn tại của trò chơi Cờ tỷ phú nguyên bản của Elizabeth Magie.
500 USD này chỉ là số tiền họ mua đứt tất cả các trò chơi liên quan để đảm bảo sự độc quyền của họ. Nói cách khác, Elizabeth Magie không bao giờ nhận được 1 đồng tiền bản quyền mà tất cả đều rơi vào túi của Charles Darrow. Thêm nữa, trong phần giới thiệu của trò chơi này chưa bao giờ đề cập đến cái tên Elizabeth Magie.
Ngoài việc bị xâm phạm bản quyền, Elizabeth Magie còn rất đau khổ vì ý nghĩa ban đầu của trò chơi đã bị thay đổi hoàn toàn. Khi giao 500 USD cho Elizabeth Magie, Parker Brothers đã cam kết giữ nguyên vẹn 2 hình thức "Độc quyền" và "Phồn thịnh" nhưng sau khi ký kết xong, họ đã lật lọng. Parker Brothers cho rằng, 2 hình thức nguyên bản đã bị chính trị hóa quá nhiều.
Sau đó, Elizabeth Magie nhiều lần đưa sự việc này lên các phương tiện truyền thông nhưng rất ít người quan tâm. Năm 1948, Elizabeth Magie qua đời cùng sự nuối tiếc của mình.
Sự việc này được phanh phui bởi một học giả có cùng lý tưởng với Elizabeth Magie: Ralph Anspach. Ông là giáo sư kinh tế tại Đại học San Francisco và đã không hài lòng với trò chơi đã bị bóp méo từ lâu. Ralph Anspach phát hiện ra sự việc này khi ông dính vào một vụ kiện khác với Parker Brothers. Vụ kiện này cũng là sự kiện khiến các vụ bê bối của Parker Brothers bị phanh phui.
Năm 2015 là kỷ niệm 80 năm trò chơi Cờ tỷ phú được chính thức phát hành và phân phối, hơn 275 triệu phiên bản trò chơi đã được bán ra toàn thế giới. Khi người chơi đổ xí ngầu, rất ít ai biết rõ mục đích ban đầu của trò chơi này là gì.
Nguồn: Zhihu