Nối tiếp phần đầu tiên, mời các bạn tiếp tục tìm hiểu về lịch sử của “thanh máu”, một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên nền móng cho các dòng game hiện đại ngày nay.
Sự ra đời của khái niệm về khả năng hồi máu (The regeneration)
Sau khi khái niệm về thanh HP được sử dụng rộng rãi trong các video game, một vấn đề khác được đặt ra là nếu nhân vật chỉ sở hữu số HP cố định thì các màn chơi sẽ kết thúc rất nhanh và khó tạo ra điểm nhấn. Chính vì lẽ đó, một khái niệm mới khác cũng bắt đầu được áp dụng đó là “HP regeneration - khả năng hồi máu”.
MIDI Maze là một ví dụ tiêu biểu về việc áp dụng khả năng hồi máu cho nhân vật. Đây là một trò chơi kết hợp giữa bắn súng, đi bàn và giải mê cung. Nhân vật của bạn sẽ có khả năng chịu đựng số lần tấn công nhất định. Sau khi con số này tụt xuống 0, nhân vật sẽ chết. Tuy nhiên trong quá trình chơi, game thủ có thể sạc lại khả năng chịu đựng bằng cách ăn những vật phẩm hỗ trợ trên đường.
Mặc dù MIDI Maze đã khá thành công và được nhiều người biết đến với “HP regeneration” này, tuy nhiên, đó không phải lần đầu tiên khái niệm này xuất hiện trong một video game. “Cha đẻ” thực sự của HP regeneration là Hydlide - tựa game hành động RPG đến từ Nhật Bản. Đây cũng được coi là thủy tổ của dòng RPG fantasy sau này.
Sau nhiều năm xuất hiện trong các video game, khả năng hồi máu của nhân vật lại được đẩy lên một tầm cao mới trong Halo: Combat Evolved (2001). Trong trò chơi này, khái niệm về khả năng hồi máu nội tại (regen HP/s) bắt đầu được hình thành. Mỗi nhân vật trong Halo sẽ có một tấm chắn năng lượng. Sau một khoảng thời gian nhất định mà nhân vật không chịu bất kỳ sát thương nào, tấm lá chắn này sẽ tự động phục hồi và tái sinh năng lượng.
Mặc dù khái niệm được sử dụng trong Halo không liên quan trực tiếp đến HP, nhưng nó cũng đã gợi mở ra một hướng đi mới để bổ sung thêm vào khái niệm thanh HP truyền thống. Ý tưởng này đã được sao chép và sửa đổi bởi nhiều trò chơi khác như Call of Duty, Criminal Origin, Prey, Fear… Ngày nay, các bạn có thể dễ dàng bắt gặp “khả năng hồi máu nội tại” trong các game nhập vai, hành động hay MOBA… Với tầm quan trọng của mình, nó đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong những tựa game hiện đại.
Vậy ý nghĩa thực sự của “thanh máu” là gì?
Sau một thời gian dài khái niệm về HP chỉ được hiểu như khả năng sống sót và chịu đựng của nhân vật, nó đang dần dần thay đổi và phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Trong The Lord of the Rings Online, HP (hit point) đã được thay thế bằng điểm tinh thần (moracle). Trong Assassin’s Creed, HP được đồng bộ với các yếu tố khác để tạo thành một chỉ số đặc biệt mô phỏng chính xác những biến cố đã xảy ra với nhân vật.
Trong bài phỏng vấn nói về Advanced Dungeons & Dragon, tác giả Gary Gygax cho biết: “HP (hit point) là một khái niệm để chỉ khả năng chịu đựng thiệt hại của nhân vật cùng với đó là các kỹ năng sinh tồn khác như kinh nghiệm giác quan thứ sáu, sự may mắn…”
Như vậy, bắt nguồn từ khả năng chịu đựng những phát bắn của các con tàu, “thanh máu” đã liên tục phát triển trong suốt hơn 80 năm qua để trở thành một khái niệm rõ ràng và phổ biến như ngày hôm nay. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là tất cả, nó vẫn đang phát triển không ngừng để tiến tới những khái niệm hoàn chỉnh và chính xác nhất trong tương lai.