Lật lại câu chuyện 12 năm trước Võ Lâm Truyền Kỳ được mua về Việt Nam như thế nào

Kemag  - Theo Trí Thức Trẻ | 09/05/2016 04:30 PM

Võ Lâm Truyền Kỳ
01/06/2005 NCB: KingSoft NPH:

Câu chuyện VNG chân ướt chân ráo bước vào ngành game với sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ, được chính ông Lê Hồng Minh kể lại trong một tài liệu kỷ niệm của VNG.

Nhân câu chuyện ông Lê Hồng Minh - CEO VNG tham gia cuộc thi IRONMAN 2016 và khiến nhiều người bất ngờ khi bơi gần 2km và đạp xe 90km, chúng ta hãy cùng trở lại với quá khứ cùng câu chuyện "thâm cung bí sử" khi ông Minh còn chân ướt chân ráo bước vào ngành game với sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ.

Điều thú vị là câu chuyện này được chính ông Lê Hồng Minh kể lại trong một tài liệu kỷ niệm của VNG. Bên dưới là toàn bộ bài viết:

"Khoảng giữa tháng 09/2004, MinhLH (Lê Hồng Minh) gửi email cho KingSoft & Object Software hỏi thăm về giá bán game, bụng nghĩ thầm: "Đồ Trung là đồ rẻ".

Sau khoảng 1 tháng qua lại với KingSoft, hãng này đồng ý bán game "Kiếm Hiệp Tình Duyên" (tứcVLTK) cho VNG. Một hợp đồng toàn tiếng Trung được gửi qua email. MinhLH đang vò đầu bứt tai không biết làm sao thì nhớ tới một người bạn cũ... dường như biết tiếng Trung, rất may là anh này rất nhiệt tình giúp phần dịch thuật.


Trong khách sạn tại Bắc Kinh xem hợp đồng, tháng 11/2004 (ông Lê Hồng Minh bên phải).

Trong khách sạn tại Bắc Kinh xem hợp đồng, tháng 11/2004 (ông Lê Hồng Minh bên phải).

Gửi mấy cái hình screenshot của "Kiếm Hiệp Tình Duyên" cho các đồng đội, MinhLH nói qua email: "Giáng long thập bát chưởng là như vầy nè, kỳ này ngon rùi".

Trong lúc thương thảo hợp đồng, giá mua game là 160.000 USD. Lúc đó vốn của VNG đã tăng lên khoảng 70.000 USD, đoàn VNG kỳ kèo khoản tiền trả đầu tiên cho KingSoft (theo yêu cầu là 80.000 USD) xuống còn... 50.000 USD. MinhLH nói với 2 bạn đồng hành: "Mình sẽ... tính tiếp".

Sáng ngày 09/11/2004, chờ taxi mà trời mưa tầm tã. Hẹn với KingSoft ký hợp đồng lúc 10h mà mãi 10h 15' mới bắt được taxi, bị chém... 100 tệ cho một đoạn đường chỉ có 20 tệ. Tới trễ 30 phút nhưng vẫn kịp ký kết hợp đồng. Lôi con dấu mang theo trong balo, đoàn VNG hồi hộp chứng kiến hợp đồng đầu tiên được ký kết, cũng là hợp đồng quan trọng nhất lịch sử công ty.

CEO KingSoft (trái) và MinhLH (phải) ký hợp đồng VLTK, tháng 12/2004.
CEO KingSoft (trái) và MinhLH (phải) ký hợp đồng VLTK, tháng 12/2004.

Tháng 02/2005, một sự kiện quan trọng là việc chọn tên cho trò chơi. "Kiếm Hiệp Tình Duyên" được cho là quá sến. Và sau hàng loạt cái tên được đưa ra như Võ Lâm Huyết Sử, Võ Lâm Ngũ Bá, Kiếm Hiệp Truyện... thì Võ Lâm Truyền Kỳ được thống nhất là tên hay nhất.

KingSoft cử người sang cài đặt local server cho VNG. Khi MinhLH dẫn đồng chí kỹ thuật của KingSoft vào... phòng server của VNG, thấy 5 con desktop cài Linux nằm chỏng chơ ở trên đất, nối với 1 cái monitor, đồng chí này trợn mắt kêu trời.

Vào tháng 3 năm đó, đội GM có phiên bản Trung để chơi, và lần đầu tiên VNG biết cảm giác "đánh nhím" là như thế nào.

Cuối tháng 03/2005, khi ra sân bay đón GĐ kỹ thuật của KingSoft sang VN giúp cài đặt phiên bản CB thì VNG bị mất trộm, xe Honda của MinhLH và 1 xe Atila của khách bị kẻ gian cạy cửa lấy mất.

Một trong những bức hình Việt hóa đầu tiên của VLTK gửi về từ TQ ngày 21/03/2005.
Một trong những bức hình Việt hóa đầu tiên của VLTK gửi về từ TQ ngày 21/03/2005.

Ngày 12/04, VNG mở cửa đăng ký CB, nội bộ công ty xem có bao nhiêu người tham gia, con số cao nhất được đưa ra là 34.567. Kết quả website đăng ký sập ngay từ khi mở cửa, sau 48 tiếng có 120.000 tài khoản đăng ký, cả VNG như đang ở trên mây.

Tháng 06 & 07/2005 là hai tháng khó khăn nhất trong lịch sử VNG, tiền không có, chi phí thì ngày càng tăng. Đại diện công ty đi mua server toàn... mua chịu, may mà bên bán server... tốt bụng. Tới cuối tháng 07 thì CCU lên gần 30.000, game lag lỗi mà vẫn phải ra server mới.

Ngày 01/08, trên trang chủ VLTK đăng tin bắt đầu tính tiền. Trong vòng 24h, công ty nhận được làn sóng phản đối từ phía khách hàng khủng khiếp nhất trong lịch sử. Sau 24 giờ căng thẳng, VNG quyết định đưa ra mức giá "sàn" là 20.000 VNĐ chơi 1 tuần, 60.000 VNĐ chơi 4 tuần. Làn sóng phản đối bắt đầu dịu đi.

Thùng đựng... tiền sau khi bán thẻ ngày 05/08/2005.
Thùng đựng... tiền sau khi bán thẻ ngày 05/08/2005.

Ngày 05/08 là ngày bán thẻ chính thức. Nhìn những đồng doanh thu đầu tiên kiếm được mà ai nấy đều xúc động vô cùng. Kết thúc ngày đầu tiên bán thẻ, văn phòng miền Nam bán được gần 650 triệu VNĐ, miền Bắc thì khoảng 150 triệu. VNG sống rồi.

Tới khuya 05/08, website nạp thẻ vẫn chưa code xong, cả bọn bắt đầu lo lắng vì thẻ đã bán, đã hẹn với khách là 06/08 nạp được mà ngày mai chưa xong thì có nước bị khách hàng tới "cào nhà". Rất may, tới 5h chiều 6/8 thì coder buông bàn phím ra nói: "Xong rồi!". MinhLH huy động GM test nạp thẻ vào game, mọi chuyện êm đẹp, hệ thống nạp thẻ chính thức chào đời.

Quang cảnh văn phòng 166 Cao Thắng sau khi gamer tới mua thẻ.
Quang cảnh văn phòng 166 Cao Thắng sau khi gamer tới mua thẻ.

Tết 2006, VLTK đạt ngưỡng 100.000 CCU, cái mốc không một ai có thể mơ đến. Tháng 06/2006,VLTK update từ "Công thành chiến" lên "Sơn hà xã tắc" và kết quả là CCU tăng lên 200.000 vào đầu tháng 07, mục tiêu cả năm 2006 coi như hoàn thành.

Nhiều người thuộc thế hệ đầu, kể cả đã ra đi hay còn gắn bó, có lẽ nhớ nhiều về thời gian 2004-2006 máu lửa và điên cuồng. Nhớ về những buổi thâu đêm suốt sáng sửa lỗi, thức chờ game. Nhớ những buổi chơi Soul Calibour, ăm cơm tấm, nhớ những lần cãi nhau đỏ mặt tía tai, đập bàn đập ghế, nhưng cãi đó mà thương nhau vô cùng.

VNG nay đã trưởng thành, không còn là một chàng thành niên 18 tuổi mới lớn. Trước mặt mỗi người, và cả tập thẻ VNG là hàng loạt ngọn núi, con đường, thử thách. Nhìn lại chặng đường đã đi qua trong 10 năm, hùng tâm tráng chí nổi lên, ngước mắt nhìn chặng đường trong 5, 10, 15, 20 năm tới".